Vĩnh Thạnh, đôi nét chấm phá
Ðầu năm, phác họa vài nét chấm phá về mảnh đất vùng cao Vĩnh Thạnh, để tin và yêu mảnh đất này, và có thêm động lực để đi tới.
Mầm xanh nảy trên đất cằn khô
Về với vùng cao Vĩnh Thạnh những ngày cuối năm, chúng ta có thể cảm nhận được sự chuyển mình của cuộc sống từ sắc xanh cây lá trên đại ngàn hùng vĩ trong tiết cuối Đông. Tiếng cồng chiêng âm vang trên Vĩnh Sơn lộng gió. Lúa xuân đang xanh màu tươi mới trên đồng ruộng Vĩnh Thịnh. Những chàng trai, cô gái ánh mắt rạng ngời trên nương rẫy Vĩnh Kim. Nông dân Vĩnh Hòa cần mẫn ươm mầm xuân trên đất khô cằn. Núi rừng Vĩnh Thuận chuẩn bị đón xuân chờ những chồi non cựa mình thức giấc.
Trung tâm huyện Vĩnh Thạnh.
Ở nơi vùng sâu vùng xa, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng ở nơi đây, có những con người rất dung dị, hiền hòa đang từng ngày tâm huyết với nỗ lực thay đổi diện mạo bản làng, giúp cho đời sống của người dân ngày một khởi sắc...
Đến làng Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, hỏi về già làng Đinh Grêch, ai cũng biết. Đồng bào Bana trong làng quý trọng không chỉ vì ông là đảng viên cao tuổi, mà còn là một già làng tiên phong trong việc vận động đồng bào Bana thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo làm ăn, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.
Già làng Đinh Grêch tâm sự: “Mình già nên phải gương mẫu cho con cháu nó học tập. Luôn luôn phải đi sát bà con. Hộ gia đình nào, người nào có việc gì xảy ra là mình phải trực tiếp đến, tìm hiểu và nắm tình hình cụ thể để giáo dục, thuyết phục con cháu. Mình làm gương trước thì con cháu sẽ học tập theo”.
Là làng tái định cư của nhân dân vùng lòng hồ Định Bình, đời sống của người dân Thạnh Quang những năm trước có rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nương rẫy, năng suất lúa và các loại cây trồng thấp, nhiều gia đình bị thiếu đói. Già làng Đinh Grêch đã cùng cấp ủy, ban thôn kiên trì vận động đồng bào trong làng đẩy mạnh sản xuất để từng bước ổn định đời sống. Làng Thạnh Quang hiện có 56 hộ với 229 nhân khẩu, trong đó có 97% là người dân tộc Bana. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ các chương trình, dự án quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững như Nghị quyết 30a của Chính phủ, chương trình 135, Xây dựng nông thôn mới… hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, các thiết chế văn hóa; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Đến nay, đường giao thông trong làng đã được bê tông hóa, 90% số hộ có nhà xây kiên cố.
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ngược lên xã vùng cao Vĩnh Sơn, đến làng Kon Blo, ghé thăm nhà bok Vin (tên thường gọi của ông Đinh Chương - người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian). Ông đang ngồi bàn tính việc tổ chức chương trình văn nghệ của làng dịp năm mới này.
Bok Vin (thứ 3, từ phải sang) tuy đã cao tuổi nhưng vẫn nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bok Vin tuổi đã gần tám mươi nhưng rất tích cực trong các mặt công tác xã hội và văn hóa văn nghệ. Vốn là những thành viên của đội văn nghệ huyện, nay tuy lớn tuổi nhưng không vơi lòng nhiệt tình, đam mê, vợ chồng bok Vin nỗ lực duy trì hoạt động đội văn nghệ của làng, khôi phục và củng cố đội cồng chiêng, đội múa, đội hát. Làng Kon Blo bây giờ có rất nhiều đội cồng chiêng, đội múa xoang ở nhiều lứa tuổi.
Trong nhiều năm qua, đội văn nghệ của làng Kon Blo dưới sự dẫn dắt của bok Vin đã thường xuyên tập luyện, nhiều lần phục vụ khách du lịch đến thăm làng, phục vụ các ngày lễ hội truyền thống và tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức, giành được nhiều thành tích cao. Bên cạnh đó, bok Vin còn vận động khá đông nam nữ thanh niên duy trì nghề thêu, dệt vải, nghề đan lát truyền thống.
XUÂN DŨNG