Nữ chủ rừng xanh
Chị Trần Thị Kim Chi (39 tuổi, ở thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) là cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân và cũng là cán bộ nữ duy nhất của huyện giữ vai trò quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở.
Chị Chi tuần tra, kiểm tra rừng tại tiểu khu 122B xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân).
Đến nay, chị Chi đã có 13 năm gắn bó với công tác văn thư, quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở. Nghe qua, nhiều người nghĩ chị chỉ làm văn phòng, nhưng không phải vậy. Thời gian này chị cũng thường xuyên cùng các cán bộ trong đơn vị xuống cơ sở giải quyết các vụ lấn chiếm đất rừng, xâm hại rừng thuộc địa phận do đơn vị quản lý; tham gia các tổ công tác kiểm tra, nghiệm thu hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Năm 2015, chị nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại 2 xã Ân Tường Đông và Ân Phong (huyện Hoài Ân) với diện tích hơn 3.000 ha. Thoạt đầu, thấy diện tích rừng phải giữ quá lớn, chị như bị “ma ám” với những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu: Cây rừng phân tán rộng ở những đồi núi cheo leo, đường sá vào rừng thì nhiều, lâm tặc hung dữ… làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ rừng được đây. Áp lực lớn, khiến nhiều lúc chị muốn chùn bước.
Giữa khó khăn đó, chị nhận được sự động viên, ủng hộ từ chồng: “Từ nhỏ, em đã gắn bó với rừng núi, cây cỏ rồi. Anh nghĩ việc giữ hơn 3.000 ha rừng lần nữa khẳng định cái duyên, ân tình của núi rừng dành cho em. Dân giao trọng trách, cán bộ tin tưởng thì mình cứ mạnh dạn”. Nghe chồng nói, chị không chỉ cởi bỏ tâm lý lo lắng, mà còn được tiếp thêm động lực để lao vào việc hăng say hơn. Vì thế, nhiều năm qua, những bước chân của chị cùng tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng ở 2 xã đã in khắp các khoảnh rừng, ngọn núi.
Trong cuộc chiến giữ rừng, nữ “chủ rừng” cho rằng khó nhất vẫn nằm ở công tác dân vận. Địa phương nào làm tốt dân vận thì nơi đó bảo vệ rừng rất tốt. “Hiện nay, nhiều diện tích rừng hay đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Ân nói chung, ở 2 xã Ân Tường Đông và Ân Phong nói riêng, còn có chỗ chồng lấn, tranh chấp. Đặc biệt tình hình người dân lén lút vào chặt phá rừng tự nhiên rồi trồng rừng kinh tế vẫn còn. Giải quyết các việc này rất khó, tốn nhiều thời gian, thậm chí có thể đổ máu bất cứ lúc nào”, chị chia sẻ.
Như vào năm 2018, có lần chị nhận được tin người dân ở xã Ân Tường Đông, Đắk Mang lấn chiếm đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ để trồng rừng kinh tế. Chị đã đích thân tới hiện trường giải quyết. Thấy chị là nữ, người vi phạm dữ tợn đe nghiến, chửi bới. “Lạt mềm buộc chặt”, chị từ tốn giải thích, chỉ ra từng vấn đề cho người dân cùng hiểu, đồng thời vận động họ tự nhổ bỏ cây trồng trái phép.
Ông Huỳnh Đình Quý, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông, cho biết thêm: Để bà con hiểu quy định của pháp luật, chị Chi rất chịu khó đi xuống từng hộ dân để vận động, giải thích giúp họ dần thay đổi suy nghĩ, tạo sự đồng thuận với chính quyền.
Suốt 13 năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng chị Chi chưa bao giờ nản chí. Những ngày mùa hè, nắng oi bức nên rừng dễ bị cháy, chị rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra cẩn thận. Bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu với rừng, chị đã và đang giữ cho những dải rừng trên đất Ân Tường Đông, Ân Phong xanh ngút ngàn.
TRỌNG LỢI