"Mặt trời" tiếp tục chiếu sáng kinh tế Việt Nam năm 2020
Việt Nam bước sang năm mới 2020 với niềm tin rằng, những thành tựu kinh tế quan trọng đạt được trong năm 2019 - năm được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá là “mây đen phủ lên kinh tế toàn cầu, song mặt trời chiếu sáng ở Việt Nam” - sẽ tiếp tục “tỏa sáng” trên đất nước ta.
Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới và khu vực khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu bất chấp sự suy giảm của kinh tế khu vực và toàn cầu
Ấn tượng mạnh mẽ
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới - đó là nhận định chung của các định chế tài chính, tổ chức kinh tế lớn nhất thế giới cũng như của các chuyên gia kinh tế hàng đầu khi nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm mới. Đánh giá lạc quan này dựa trên những nỗ lực suốt một thời gian dài của chúng ta để đạt được tốc độ tăng cao như năm vừa qua.
Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi đạt tăng trưởng kinh tế 7,02% năm 2019, tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới cùng suy giảm khá mạnh, như nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu 2019 giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, trong đó tốc độ lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng ở mức 2,79% so với năm 2017 là 3,53% và năm 2018 là 3,54%.
Điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2019 là kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD khi đạt tới 517 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Kết quả này cũng giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt nhất trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
Với xếp hạng cao về thu hút đầu tư, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, cao hơn 23 bậc so với năm ngoái. Việt Nam tiếp tục thu hút kỷ lục đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2019 với tổng vốn khoảng 35 tỷ USD, tính trung bình khoảng 3 tỷ USD/tháng, điều khiến WB đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nền tảng cho sự ổn định
Một thành tích ấn tượng khác là môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Trong đó, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới ở vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng.
Việt Nam, theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Theo tổ chức phát triển lớn nhất thế giới này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới và với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Thành tựu kinh tế ấn tượng - “Mặt trời chiếu sáng ở Việt Nam” trong năm qua là kết quả của nỗ lực liên tục của chúng ta thời gian dài qua. Đó cũng là nền tảng để các định chế tài chính, các chuyên gia kinh tế thế giới đặt niềm tin về sự bứt phá trong năm nay và những năm sau của kinh tế Việt Nam. Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trước mắt và trong trung hạn, ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhấn mạnh, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Ông cho rằng: “Chính phủ Việt Nam rất thông minh, họ luôn cẩn trọng và tạo ra được vùng đệm an toàn để tự vệ và dành dụm cho những ngày khó khăn. Do đó, Việt Nam vẫn luôn có động lực tăng trưởng mạnh mẽ”.
Cùng chung đánh giá lạc quan với WB, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định, có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn. ADB cho rằng, sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua là nền tảng cho sự tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Theo Hoàng Hà (anninhthudo.vn)