ÐOÀN ÐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH:
Ðổi mới hoạt động để tăng niềm tin của cử tri
Hoạt động của Ðoàn ÐBQH tỉnh cần tiếp tục đổi mới theo hướng hiệu quả thực chất, gần gũi với cơ sở, đáp ứng nguyện vọng và nâng cao niềm tin của cử tri.
Đó là định hướng quan trọng do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Đoàn ĐBQH tỉnh, tổ chức ngày 31.12.2019.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh (bên phải) trao đổi với đại diện Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng (Khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn) tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại DN. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tránh giám sát chồng chéo
Trong năm 2019, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành 5 cuộc giám sát chuyên đề, nổi bật là giám sát các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, giai đoạn 2014 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, giai đoạn 2013 -2018 trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia cùng Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, thời gian qua, Văn phòng Ðoàn ÐBQH tỉnh, các cơ quan tư pháp, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các cơ quan khác có liên quan trong từng lĩnh vực chuyên môn luôn có sự gắn kết chặt chẽ, tích cực phối hợp giúp Ðoàn ÐBQH tỉnh trong công tác thu thập kiến nghị của cử tri; tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự án luật; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, thông tin đầy đủ về hoạt động của Ðoàn và đại biểu trong Ðoàn.
Theo Phó Trưởng đoàn Lý Tiết Hạnh, hoạt động giám sát của Đoàn đã hoàn thành đúng chương trình đề ra; các chuyên đề giám sát phù hợp với tình hình thực tế địa phương, được xã hội quan tâm. Qua giám sát ghi nhận được nhiều kết quả tích cực cũng như những hạn chế, kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách, pháp luật tại địa phương.
Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) Phạm Hồng Sơn và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Thị Kim Thu cùng cho rằng, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp trong quá trình lựa chọn vấn đề, đối tượng giám sát, tránh trùng lặp.
Còn Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Xuân Sơn gợi ý: “Cần thực hiện khảo sát nghiêm túc để có được chuyên đề giám sát phù hợp. Thực tế đã có địa phương, đơn vị than phiền vì bị kiểm tra, giám sát quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn”.
“Rõ ràng phải tránh kiểu mạnh ai nấy làm, manh mún, chồng chéo, gây trở ngại không đáng có cho đối tượng giám sát, dẫn đến không hiệu quả. Chuyên đề giám sát phải chọn được vấn đề đúng và trúng từ thực tiễn, góp phần giải tỏa bức xúc của cử tri và người dân”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn chốt vấn đề.
Mới mẻ hơn, hiệu quả hơn
Tại các kỳ họp Quốc hội trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 88 lượt ý kiến tham gia vào các nội dung kỳ họp; nhiều ý kiến được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu để cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật, nghị quyết. Trong các kỳ họp gần đây, số lượt phát biểu của các đại biểu Bình Định luôn cao hơn mức bình quân chung.
Trong năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức 84 cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp thứ 7, thứ 8. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, phần lớn các đoàn ĐBQH khác thường tổ chức TXCT theo tổ đại biểu 3 - 4 người. Còn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thường bố trí mỗi đại biểu TXCT tại một xã. “Đây là nét riêng có, giúp đại biểu gắn bó hơn với cơ sở, đồng thời trưởng thành hơn qua việc tự trình bày báo cáo, tự trả lời ý kiến của cử tri”, ông Long nhận định.
Đáng chú ý, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 212 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua nghiên cứu, Đoàn đã chuyển 45 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo luật định; hướng dẫn và trả lời bằng văn bản 61 đơn và hướng dẫn trực tiếp 11 đơn... Các cơ quan chức năng trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 40/45 đơn do Đoàn chuyển đến, đạt tỷ lệ 89%.
“Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, các cơ quan hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật. Song, với người đại biểu dân cử, bên cạnh đúng luật pháp, phải nghiên cứu thấu đáo nhiều khía cạnh của vấn đề để đề xuất những hướng giải quyết khác, hướng đến phù hợp với thực tiễn, đặc thù địa phương, với phong tục, tập quán, hoàn cảnh cụ thể của người dân. Đồng thời, phải chú trọng giám sát kết quả thực hiện giải quyết các kiến nghị của cử tri. Có vậy mới gia tăng niềm tin của cử tri đối với người đại biểu”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG