“Ðất trăm nghề” vào vụ Tết
Tháng Chạp, các làng nghề ở TX An Nhơn rộn ràng hẳn lên vì đang vào cao điểm vụ hàng Tết.
Ông Nguyễn Văn Quang, một hộ làm bánh tráng ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thổ lộ: “Ngày thường vợ chồng tôi chỉ tráng từ sáng đến trưa được 50 ràng/600 cái bánh. Dịp Tết, phải dậy từ 1 - 2 giờ sáng làm đến sập tối. Năm nay, người làm bánh tráng gặp may vì trời nắng đẹp, sức mua lại tăng, giá bánh cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/ràng”.
Các cơ sở, hộ dân làm nghề tại làng nghề bún, bánh An Thái tất bật chạy đua với thời gian.
Nhiều hộ ở làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc) cũng làm ngày làm đêm cho đủ hàng đáp ứng yêu cầu của khách. Chị Trần Thị Sản, chủ cơ sở rượu Ngọc Khôi, ở thôn Cù Lâm, cho biết: “Bình thường tôi chỉ nấu một buổi được 6 mẻ/30 lít rượu các loại. Giáp Tết, phải nấu tăng lên gấp đôi mới đủ bán. Rượu gạo hiện có giá 30.000 đồng/lít, rượu nếp 40.000 đồng/lít, rượu đậu xanh 80.000 đồng/lít”.
Về đất trăm nghề An Nhơn mùa này, không khí lao động, sản xuất ở làng nghề nào cũng khẩn trương. Các cơ sở, hộ dân tại làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) như đang chạy đua với thời gian. Chị Tướng Thị Bạch Yến, chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ ở thôn Thắng Công, chia sẻ: “Ngoài cơ sở Trường Thọ, gia đình tôi còn có cơ sở sản xuất bún gạo Phước Hải Sanh ở thôn An Thái. Từ tháng 11 âm lịch, 32 lao động tại 2 cơ sở của gia đình phải làm việc liên tục, mỗi ngày dùng 4 - 5 tấn gạo nguyên liệu, cho ra từ 3,2 - 4 tấn bún khô, mới đủ đáp ứng nhu cầu của bạn hàng trong và ngoài tỉnh”.
Không khí tại làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu cũng rất nhộn nhịp. Anh Trần Văn Luyện, chủ hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp, cho biết: “Mùa Tết thì nhu cầu làm các sản phẩm đồ thờ cúng, tượng trang trí trong gia đình tăng cao nên vợ chồng tôi phải tăng ca làm thêm ban đêm để kịp hoàn thành các sản phẩm cho bạn hàng. Có nhiều đơn hàng gấp thì mình phải thuê thêm thợ làm để đảm bảo tiến độ”.
Còn ông Ngô Xuân Thảo, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Trường Thịnh ở thôn Vân Sơn, cho hay: “Năm nào cũng vậy, giáp Tết thì ngoài việc tăng công suất để sản xuất theo đơn đặt hàng của bạn hàng, chúng tôi cũng chủ động sản xuất thêm các mặt hàng bàn, ghế có chạm khắc, đồ thờ cúng, tủ thờ… để đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết”.
Các lò rèn tại làng rèn Tây Phương Danh những ngày giáp Tết đỏ lửa từ sáng đến tối. Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một lò rèn ở đây, cho biết: “Sản phẩm của làng nghề được rất nhiều nơi trong cả nước tin dùng và đặt hàng. Dịp Tết, các lò rèn ở đây hoạt động hết công suất. Hộ nào có máy thì mỗi ngày làm ra từ 500 - 700 chiếc dao, rựa, liềm, cuốc, cào cỏ… các loại. Riêng cơ sở tôi thì ngày làm cũng được hơn 100 cây rựa, bán với giá từ 70 - 200 nghìn đồng/cây tùy loại”.
Trước đây, TX An Nhơn có 24 làng nghề truyền thống đã được công nhận theo quy định cũ. Hiện tại, địa phương có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định mới tại Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Đào Xuân Huy cho biết: Hằng năm, thị xã sử dụng nguồn kinh phí khuyến công từ 500 - 700 triệu đồng để hỗ trợ các cơ sở, hộ dân, DN sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề quảng bá sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng KHKT… Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục rà soát để đề nghị UBND tỉnh công nhận lại các làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề gắn với định hướng phát triển du lịch làng nghề của thị xã.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN