Trải ngày vui theo giọng bài chòi
Từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, bài chòi như thêm đất sống, càng có điều kiện điểm màu tô sắc cho mùa xuân. Ngày Xuân, cứ đi dọc các huyện sáng, chiều hay tối, thể nào cũng gặp hội bài chòi. Nơi có điều kiện thì dựng chòi, có cờ rợp đỏ, không có điều kiện thì ống thẻ, bàn nhựa cũng nên hội.
Dù bận rộn nhưng Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức vẫn hết lòng trợ giúp các địa phương tổ chức hội đánh bài chòi dân gian.
Ngoài hội bài chòi trong khuôn khổ chương trình lễ hội, nhiều địa phương, nghệ nhân tự tổ chức phục vụ cho bà con quê mình. Riết rồi chỉ sau mấy năm, hội bài chòi không thể thiếu như mâm cơm sum vầy ngày Tết vậy.
Ở nhiều huyện, hội bài chòi đến tận các thôn. Không có chòi, người ta tổ chức bằng bàn, gọi là hội đánh bài chòi dân gian theo kiểu salon, miễn có đầy đủ thẻ bài, câu thai và vài anh, chị hiệu hô hát nhuần nhuyễn là được. Có lần về Hoài Nhơn những ngày giáp Tết, tôi được biết một dịch vụ khá “ăn nên làm ra” ở đây, là dịch vụ cho thuê chòi. Nghe thì lạ nhưng loại hình này ngày Tết đắt như tôm tươi. Bởi lẽ, bà con ở đây mê nghe hô hát bài chòi mà có lẽ dịp Tết là lúc họ thảnh thơi nhất để theo trọn vẹn cuộc vui.
Ở An Nhơn mấy năm nay cũng rộn ràng không kém, đến hẹn lại lên, ngoài hội đánh bài chòi dân gian do Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn tổ chức, gia đình nghệ nhân Minh Lưỡng - Lệ Hoa cũng tự tổ chức Hội bài chòi. Được cái cả gia đình này ai cũng là nghệ nhân nên không khó để “gầy” Hội. Để xôm tụ hơn, ông bầu Minh Lưỡng còn mời thêm các nghệ nhân chân đất khác cùng tham gia. Chuyện lập hội bài chòi ngày xuân ở thị xã đã thành nếp. Riết rồi bạn bè, khách khứa ai cũng biết lịch của gia đình nghệ nhân Minh Lưỡng mà chừa ra để… thăm xuân cho đúng lúc.
Ngày xuân nhắc chuyện nghe bài chòi tôi lại bồi hồi nhớ chuyện cũ. Năm ngoái, tôi cùng bạn lên Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi hòa vào dòng người đang tụm năm tụm bảy đông đúc ngay gần khuôn viên bảo tàng. Khi Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Minh Đức cất lời hô hát: “Ai mộ điệu xin dừng chân chốc lát/ Để mà nghe tôi hô hát cái điệu bài chòi/ Ai về xứ Nẫu quê tôi/ Xin hãy dừng chân ghé lại để nghe tôi hô hát bài chòi một phen”, tôi như thấy lòng mình rộn rã. Không xa lạ gì với các hội bài chòi có sự góp mặt của NNND Minh Đức, Hoàng Việt hay Trần Hữu Phước, Quý Nhất…, nhưng những ngày tết đến xuân về, nghe câu hô hát của họ, lại mang đến cho tôi một cảm giác hoàn toàn khác. Câu bài chòi nghe như dịu ngọt hơn, tha thiết hơn, ấm nồng mời gọi và thân thương hơn rất nhiều. Hình ảnh các nghệ nhân ngày hôm đó tranh thủ buổi trưa giở hộp cơm ra ăn vội, rồi “ghẹo” nhau bằng những câu chuyện tiếu lâm để nạp thêm năng lượng mà tiếp tục hô diễn, sao cứ in vào tâm trí tôi niềm cảm mến thật lạ. Nhìn họ dốc lòng hô hát, tôi tin rằng đây không đơn thuần chỉ là cuộc áo cơm mưu sinh…
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Phước hỗ trợ các đội tham gia thi hô hát bài chòi dân gian ở TP Quy Nhơn.
Càng tiếp xúc với các nghệ nhân, tôi như càng nhận ra tấm lòng họ dành cho bài chòi dân gian. Cũng được xếp vào hàng nghệ nhân trẻ và là nữ, nghệ nhân Quý Nhất (TP Quy Nhơn) chia sẻ điểm may mắn của mình là có chồng ủng hộ, lo lắng công việc nhà giúp trong những ngày chị hô diễn dịp Tết. Chị trải lòng: “Không chỉ trong dịp Tết mà trong năm cũng có rất nhiều hội đánh bài chòi nên có thể nói nghệ nhân hoạt động quanh năm. Nhưng mà đến Tết, hội bài chòi mang một ý nghĩa truyền thống, rộn ràng hơn rất nhiều. Những ngày cận Tết, một số đơn vị tổ chức tất niên, tổ chức nấu bánh chưng bánh tét bên cạnh hội bài chòi hoặc một số trường cũng tổ chức cho học sinh, lúc này lực lượng nghệ nhân lại phân ra phục vụ khắp nơi. Và rồi ở hội đánh bài chòi dịp Tết, chúng tôi gặp lại, cùng hô hát. Ngày thường một hội đánh khoảng 3 hiệu nhưng ngày Tết thì đông hơn. Chúng tôi coi hội đánh bài chòi ngày Tết là dịp gặp gỡ chân tình, gần gũi gắn bó giống như bộ môn nghệ thuật mà chúng tôi theo đuổi”.
Dành thời gian hô hát ngày Tết đồng nghĩa với quỹ thời gian sum tụ cùng gia đình ít đi, đó là điều thiệt thòi nhất của các nghệ nhân hô hát bài chòi. Nghệ nhân Quý Nhất thổ lộ: “Nhưng bù lại, chúng tôi cảm nhận rõ không khí Tết, thấy người dân chở gia đình, con cái hân hoan đến hội đánh bài chòi, mình cũng cảm thấy vui lây. Có những năm đi hô diễn, tôi đưa con theo chơi vừa để gần con vừa tập con làm quen và yêu hơn văn hóa truyền thống quê mình. Hô diễn ngày Tết cực nhưng niềm vui mang lại cũng rất lớn. Chúng tôi nhận được sự cộng hưởng rất nhiều từ phía người mộ điệu, đó là niềm động viên lớn thôi thúc chúng tôi phải làm thật hiệu quả để Tết thật tưng bừng trên từng nẻo quê, vừa mang lại niềm vui cho bà con vừa quảng bá bài chòi dân gian hiệu quả, thiết thực”.
Tôi xem bài chòi ngày xuân ở nhiều nơi nhưng thích nhất có lẽ là được xem và nghe bài chòi ở quê tôi mỗi dịp chợ Gò. Sáng mùng Một Tết ai cũng dậy sớm cơm nước dâng tổ tiên và sắm sửa để kịp đi Lễ hội Chợ Gò. Ngoài những ý nghĩa truyền thống như đi hội cầu may lấy lộc, dạo gần đây người ta còn háo hức bởi Lễ hội Chợ Gò còn có hội đánh bài chòi dân gian. Năm trước, tôi không xem được hội bài chòi nhưng điều kỳ lạ là qua giọng kể của những đứa em trong xóm, từ sự hưng phấn của các bà các mẹ tôi lại mường tượng không sót một chi tiết nào về một ngày hội lung linh sắc màu, giai điệu, tiết tấu. Nghệ nhân Nguyễn Phú hô câu gì, biểu diễn ra sao, nghệ nhân Minh Liễu như thế nào, tôi rõ cứ mồn một.
Trình diễn bài chòi tại Bình Định. Ảnh: PHẠM KIM SƠN
Nghệ nhân kỳ cựu Minh Liễu thì không phải bàn, còn Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú dù thời gian tiếp xúc với bài chòi chưa lâu nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và được trời phú cho cái duyên sân khấu nên khán giả mê tít. Có lần anh Nguyễn Phú chia sẻ: “Thường thì chúng tôi biểu diễn theo thời gian quy định nhưng khán giả nhờ giải thích để hiểu thêm hay yêu cầu hô hát tiếp, chúng tôi vẫn sẵn lòng phục vụ tiếp”. Hầu hết các nghệ nhân đều chẳng ai “tiếc” thời gian dành cho người mộ điệu. Họ cứ hết lòng, tận tâm như họ đã từng. Để lặng lẽ nhen lên niềm vui ngày xuân đến cho mọi người. Lặng lẽ làm một điều gì đó thật ý nghĩa trong việc tô đậm nét văn hóa truyền thống xứ Nẫu ngày xuân.
Khi trời đang se se lạnh, những cánh hoa trước hiên khoe sắc, tôi nghe trên radio những câu bài chòi tươi vui rạo rực sức sống, lòng chợt hân hoan muốn dời bước chân đi, cù rủ mấy đứa bạn thân cùng dạo phố xuân, cùng hòa vào chợ Gò ngày nắng sớm, cùng ngược về vùng Tây Sơn hạ đạo thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân. Và, nghe câu ca ngọt lịm chắt chiu từ các nghệ nhân tâm huyết. Nhìn các nghệ nhân bài chòi Bình Định, nhìn những vệt mồ hôi thấm bện trên lưng áo của họ nhưng nụ cười tỏa rạng ấm áp, tôi như thêm yêu thêm quý những con người nồng hậu, nhiệt thành này, để rồi tự hỏi nếu không có họ, ai sẽ gieo câu ca xuân bài chòi trên xứ Nẫu hôm nay.
THẢO KHUY - ÐỨC LINH