Ði biển an toàn, mở hướng hiện đại
Bên cạnh việc đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, những năm gần đây, nhiều chủ tàu cá trong tỉnh đã lắp đặt thiết bị hàng hải, thiết bị khai thác thủy sản, thông tin liên lạc hiện đại trên tàu cá nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, mấy năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều chủ tàu đầu tư lắp đặt thiết bị ra đa hàng hải để tăng mức độ an toàn.
Ngư dân Võ Thế Dư, ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát), giới thiệu tính năng hoạt động của máy ra đa hàng hải được lắp đặt trên tàu cá vỏ thép của mình.
Vươn khơi an toàn
Cuối năm 2017, ngư dân Võ Thế Dư (ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát) cho hạ thủy tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99252-TS, chuyên hành nghề mành chụp. Trên tàu, ông Dư đầu tư lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, như: Máy định vị hải đồ, thiết bị giám sát hành trình, ICOM băng tần cao… Đặc biệt, ông còn đầu tư lắp đặt ra đa hàng hải. Thiết bị này giúp phát hiện các mục tiêu di động, cảnh báo sớm, tránh va chạm bất ngờ như tàu thuyền, phát hiện và cảnh báo sớm các vật thể có thể gây mất an toàn cho tàu, như: Rạn đá ngầm, doi cát, xác tàu… trong quá trình khai thác thủy sản (KTTS).
Ra đa hàng hải là một thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện cho phép phát hiện và xác định vị trí của các vật ở xung quanh tàu nhờ sóng vô tuyến điện cực ngắn. Nguyên lý hoạt động của ra đa hàng hải là dựa vào hiện tượng phản xạ của sóng vô tuyến điện, ra đa sẽ thu được các sóng đó và đưa đến máy hiện sóng, giúp xác định vị trí của mục tiêu và các chướng ngại vật, dẫn tàu đi trên biển được đảm bảo an toàn. Tầm hoạt động xa nhất của ra đa với bán kính xung quanh tàu tùy theo chủng loại có thể là 24 hải lý, 36 hải lý, 48 hải lý và 72 hải lý.
Ông Dư cho biết: “Ở vùng khơi, mật độ tàu thuyền lưu thông trên biển rất cao. Để di chuyển trong đêm, tàu cá rất cần trang bị ra đa hàng hải. Những khi thời tiết xấu, có sương mù dày đặc, tầm quan sát của thuyền trưởng bị hạn chế, có máy ra đa dẫn đường đỡ lo lắm. Khi phát hiện các tàu vận tải hoặc tàu cá khác đi vào phạm vi gần tàu mình, hệ thống ra đa sẽ phát hiện từ xa và ra tín hiệu cảnh báo, giúp mình điều khiển tàu tránh né kịp thời, không để xảy ra va chạm. Đặc biệt, ra đa còn phát hiện tàu lạ, tàu nước ngoài giúp ngư dân chủ động xử lý các tình huống trên biển”.
Không chỉ có vậy, ra đa hàng hải còn được ngư dân sử dụng hiệu quả khi thả lưới KTTS. Ngư dân Trương Hoài Đức (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) chủ tàu cá vỏ composite số hiệu BĐ 99992-TS, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho hay: “Đặc thù của nghề lưới vây ánh sáng là hoạt động ban đêm, nên việc di chuyển, đánh bắt rất dễ bị vướng lưới, chồng lưới. Nhờ có ra đa, tôi lắp đặt nhiều phao tiêu phát tín hiệu trên dàn lưới của mình để ra đa phát hiện và hiển thị các phao giữ lưới trên màn hình. Khi đó mình sẽ kiểm soát tốt dàn lưới, dễ dàng phát hiện các tàu thuyền di chuyển qua lại trên khu vực tàu mình đang thả lưới để hạn chế tình trạng bị mất lưới hoặc lưới bị đứt do vướng vào tàu khác. Ngoài ra, tôi còn lắp thêm máy đo nước trên tàu mình để đo dòng hải lưu, chuyển dần sang sử dụng bóng đèn led giúp KTTS đạt hiệu quả cao”.
Mặc dù chưa đủ điều kiện đầu tư ra đa hàng hải, nhưng nhiều chủ tàu cá vỏ gỗ trong tỉnh cũng đã lắp đặt thiết bị định vị GPS tích hợp hải đồ điện tử. Thiết bị này hỗ trợ người lái tàu định vị và nắm bắt chính xác các thông tin liên quan đến tọa độ, dò được độ sâu đáy biển, phát hiện đá ngầm… giúp tàu hoạt động an toàn, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ gây thiệt hại trên biển.
Ngư dân Huỳnh Chánh Thi (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), chủ 2 tàu cá BĐ 96475-TS, BĐ 96851-TS, làm nghề câu cá ngừ và lưới vây ánh sáng, bộc bạch: “Tôi cho lắp đặt trên 2 tàu cá của mình máy định vị tích hợp hải đồ nhận tín hiệu từ vệ tinh. Có nó, thuyền trưởng dễ dàng kiểm soát tốc độ, hướng di chuyển của tàu, lưu lại vị trí ngư trường. Ngoài ra, thiết bị này còn có chức năng như máy dò đứng sử dụng để dò tìm luồng cá”.
Ngư dân trong tỉnh đã từng bước lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị đánh bắt, thiết bị hàng hải hiện đại trên tàu cá để hoạt động có hiệu quả, đánh bắt đạt năng suất, sản lượng cao, tăng thu nhập.
Hỗ trợ ngư dân đánh bắt hợp pháp
Việc trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại trên tàu cá KTTS xa bờ đã từng bước góp phần hiện đại hóa nghề cá của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), phân tích: “Các thiết bị mới, hiện đại - mà ra đa là một điển hình - mang lại nhiều lợi ích, nhưng số lượng tàu cá lắp đặt vẫn chưa nhiều, phần lớn chỉ có các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 trang bị. Chi cục sẽ phối hợp các DN kinh doanh thiết bị hàng hải, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị KTTS tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích của các trang thiết bị máy móc hiện đại trang bị trên tàu cá, từ đó khuyến khích ngư dân mạnh dạn tự đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ KHKT, tăng hiệu quả sản xuất”.
Hiện ngành Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp chính quyền các địa phương ven biển triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân trong tỉnh đảm bảo đúng lộ trình quy định, giúp cơ quan Nhà nước tăng hiệu quả quản lý hoạt động KTTS, ngư dân đánh bắt thủy sản hợp pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN