Ðã uống rượu bia, không lái xe!
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, quy định rõ việc nghiêm cấm lái xe đi trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Qua thực tế những ngày đầu Luật có hiệu lực cho thấy, phần lớn người dân đã nắm được Luật, song vì nhiều lý do, họ vẫn vi phạm.
CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông dọc các tuyến đường.
Nhiều người vẫn còn lơ là Luật mới
21 giờ ngày 2.1.2020, tại một số quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định, Xuân Diệu (TP Quy Nhơn), có không ít thực khách dù đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn vô tư lấy xe máy hoặc ô tô tự lái ra về.
Nhận thấy sự chếnh choáng của vài thực khách đi ra từ một quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, một tài xế taxi nhanh chóng mời chào thì họ vội xua tay “Tôi vẫn ổn, có say đâu!”. “Nay quy định xử phạt đối với người sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông nặng lắm đấy anh”, tài xế taxi tiếp tục thuyết phục. Đáp lại, vị khách nhìn anh tài xế và nói: “Có biết chứ, uống bia mà đi xe đạp cũng bị phạt. Nhưng nhà anh gần xịt đây thôi, không sao đâu”!
Trước đó, gần 2 giờ, chúng tôi đã theo chân lực lượng CSGT tỉnh thực tế một số chốt lưu động. Bên cạnh số đông tuân thủ, vẫn có vài trường hợp tìm cách đối phó khi bị CSGT yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Đơn cử như trường hợp của anh T.V.T. (xã Cát Tân, huyện Phù Cát), lực lượng chức năng phải mất khoảng 20 phút hướng dẫn, giải thích, anh T. mới thực hiện việc đo nồng độ cồn theo đúng quy định. Và kết quả đo là 0,550 mg/1 lít khí thở, bị xử phạt 7 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 22 tháng. Hỏi về quy định của Luật mới, anh T. lắc lư trong cơn say: “Tôi có nghe, nhưng thử hỏi làm sao mà từ chối chỗ thân tình được đây. Vẫn biết điểm dừng để tỉnh táo về nhà mà”. CSGT giải thích: “Không cấm anh uống bia rượu, nhưng khi đã uống thì không được phép điều khiển phương tiện. Vì như vậy sẽ nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh”. Nghe xong, T. gật gù: “Vậy giờ tôi kêu người nhà ra chở về thì có bị phạt nữa không”.
Xử phạt nặng
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, người điều khiển phương tiện giao thông dù là ô tô, xe máy, xe đạp hay bất cứ phương tiện gì... nếu sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện đều vi phạm. Và để hiện thực hóa quy định của Luật, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, cũng chính thức được ban hành và có hiệu lực thi hành cùng thời điểm. Cụ thể, nghị định này quy định, người nào sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ cũng sẽ bị phạt từ 400- 600 nghìn đồng.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT, CA tỉnh, cho biết: “Trước đây, nếu test nồng độ cồn ở dưới mức 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở thì lực lượng chỉ nhắc nhở và không xử phạt. Nhưng bây giờ, chỉ cần có sử dụng bia, rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông là bị xử lý ngay và mức phạt cao hơn rất nhiều. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ các quy định pháp luật đối với người điều khiển phương tiện sử dụng chất có cồn tham gia giao thông. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của CA tỉnh, CA các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường kiểm tra, xử lý, tập trung vào những tuyến, địa bàn trọng điểm và tính toán thời gian cũng như đối tượng để kiểm tra xử lý nghiêm, triệt để và hiệu quả đối với chuyên đề này”.
Trước tình hình này, cùng với ngành chức năng, một số nhà hàng cũng đã chủ động phương án hỗ trợ khách sau khi uống rượu bia. Anh Ngô Viết Xuân, chủ một quán nhậu trên đường Võ Thị Yến, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị một diện tích nhỏ để khách có nhu cầu gửi xe lại quán; đồng thời nhân viên của quán cũng sẵn sàng chở về nhà nếu khách yêu cầu hoặc gọi xe để đưa khách về, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của khách”.
Thiết nghĩ, không chờ đến khi lực lượng chức năng “ra tay”, để an toàn cho mình, mỗi người, đặc biệt là nam giới khi tham gia giao thông cần ghi nhớ thông điệp “Đã uống rượu bia, không lái xe!”.
KIỀU ANH