CTO Thái Trí Hùng & những ý tưởng sáng tạo “điên rồ”
Năm 2013, khi Thái Trí Hùng đang ở vị trí quản lý chiến lược của một ngân hàng, anh đã đề xuất xây dựng giải pháp thanh toán di động (money mobile) - ý tưởng đó lập tức bị gạt đi và bị xem là điên rồ. Nhưng nay, đó không còn là ý tưởng điên rồ nữa.
Thái Trí Hùng (35 tuổi, quê ở Quy Nhơn) cùng với đồng đội xây dựng được một DN fintech (DN kết hợp giữa tài chính và công nghệ) xếp trong nhóm 100 DN fintech toàn cầu, hiện là Giám đốc công nghệ (CTO) của Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến M-Service (Công ty sở hữu ví điện tử MoMo). Thái Trí Hùng chia sẻ, anh không phải là một đại diện cho những người trẻ tài năng hay thành đạt để có thể chia sẻ về công việc của mình. Dù vậy anh cũng cho biết, chuyến thực tập và làm việc cho Hãng IBM tại Pháp là một thử thách của tuổi trẻ. Ở bất cứ đơn vị nào, Thái Trí Hùng cũng thích ở vai trò triển khai, trực tiếp tham gia vào xây dựng và phát triển như cái cách anh đang từng bước đưa ví điện tử MoMo “phủ sóng” ở Việt Nam.
● Nếu tiếp tục ở lại Pháp, làm việc cho IBM, anh sẽ có thu nhập cao, cuộc sống tốt, vì sao anh từ bỏ công việc đáng mơ ước ấy?
- Có cuộc sống tốt, thu nhập cao nhưng nếu Thái Trí Hùng ở lại, bạn sẽ không mời tôi trở thành nhân vật của mình rồi. Thực ra, làm việc cho IBM ở Pháp là cách tôi theo đuổi thử thách của tuổi trẻ. Trong môi trường làm việc như IBM, mọi thứ đã quá ổn định, không có nhiều cơ hội để mình thể hiện bản thân. Mà người trẻ thì bạn biết đó, luôn khát khao tìm kiếm những điều như thế. Tôi cũng không ngoại lệ.
Có 2 thứ không thể phủ nhận đó là IBM giúp tôi có được sự đánh giá cao trong năng lực hồ sơ và sự công nhận của một tập đoàn lớn về khả năng của các kỹ sư phần mềm người Việt. Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này. Khi làm việc ở IBM, có một khoảng thời gian chúng tôi làm về hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP cho một nhà máy nước. Để làm được một nhiệm vụ trong chuỗi công việc đó, để đủ điều kiện đảm nhận được công việc mỗi người phải học ít nhất 3 khóa với giá 4.000 euro. Và khi biết được tôi tự học, rất ngạc nhiên người trực tiếp phụ trách nhóm đã hỏi làm sao mà tôi có thể tự học được. Tôi đáp, “ở Việt Nam nhiều người tự học và làm được như thế. Và dĩ nhiên điều đó không phải giỏi, tôi bình thường thôi”. Chia sẻ điều này để thấy rằng, nhiều khi các tập đoàn lớn như IBM có phần không tin vào chất xám của người Việt. Tôi muốn góp một ví dụ để những hãng lớn như IBM tại Việt Nam, có thể thấy được và công nhận khả năng của các kỹ sư phần mềm Việt Nam.
Tôi rời IBM, rời nước Pháp không phải từ bỏ một công việc mà tôi chọn trở về. Đó cũng là mục đích của tôi. Đi thật xa để trở về và không đâu làm mình hạnh phúc hơn quê nhà cả.
● Anh hoàn toàn có cơ hội làm việc ở nhiều nơi tốt hơn, vì sao lại chọn ví điện tử MoMo?
- Trước khi đầu quân về đây, tôi đã kinh qua nhiều công ty với nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, như tôi đã nói, tôi muốn tìm kiếm và thể hiện một điều gì đó mới mẻ, khác biệt. Và lúc nào cũng thế, tôi muốn tự mình dấn thân, tham gia vào quá trình thực hiện hơn là triển khai chiến lược. Năm 2013, khi tôi đề xuất xây dựng giải pháp thanh toán di động, ý tưởng này của tôi lúc đó bị xem là điên rồ, không khả thi. Tôi đến với MoMo coi như là có duyên với nhau. Ở MoMo, tôi đang có rất nhiều đồng đội thay vì làm việc tại các công ty lớn ở nước ngoài, đã chọn trở về với khát vọng cùng nhau tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính cá nhân tại Việt Nam. Đối với chúng tôi, sản phẩm MoMo đã trở thành “đứa con” chung của cả tổ chức, và việc tiếp tục chung tay nuôi nấng nó ngày một trưởng thành là lựa chọn với khát vọng xây dựng được một DN fintech hàng đầu ở Việt Nam.
● MoMo giờ đã được rất nhiều người biết đến, hẳn là nhóm của anh rất hạnh phúc…
- Ở MoMo thì niềm vui được nâng lên thành tự hào khi mình làm người tiên phong trong lĩnh vực thanh toán không tiền mặt. Khi mà các đơn vị trung gian thanh toán khác vẫn đang cung cấp dịch vụ thông qua website thì chúng tôi đã mò mẫm làm ứng dụng trên di động… dù trước đó có anh em còn không phân biệt được hệ điều hành Android và iOS.
Chúng tôi có niềm vui là người tiên phong rồi kế tiếp là những người dùng đầu tiên, tức là có khách hàng chấp nhận. Vui hơn nữa khi số lượng người dùng tăng vượt qua mức chịu đựng của hệ thống. Rồi đến niềm vui khi vượt qua những bài kiểm tra khắt khe của các đối tác quốc tế để trở thành ví điện tử đầu tiên là đối tác của các ông lớn về công nghệ như Uber, Apple, Google hay Facebook.
Trên tất cả, đối với những người làm sản phẩm như chúng tôi, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy sản phẩm của mình được chấp nhận và tin dùng. Mỗi khi đi ra đường, nhìn thấy khách hàng đang sử dụng MoMo, nghe thấy người bán hàng đưa ra những nhận xét tích cực, rồi nhiệt tình hướng dẫn tôi cài đặt và trải nghiệm sản phẩm của chính mình, cảm giác khi đó vượt qua cả sự vui sướng hay tự hào. Nó là trải nghiệm hạnh phúc.
Team building với nhóm nhân viên tại Trung tâm Công nghệ thông tin là cách mà Thái Trí Hùng và mọi người gắn kết tinh thần đồng đội.
● Với kinh nghiệm của người đi trước, với tư cách là một startup, anh có thể nói gì với những bạn trẻ đang có dự định khởi nghiệp hiện nay?
- Các bạn trẻ hiện giờ có xuất phát điểm tốt hơn lứa của chúng tôi rất nhiều, hãy cứ bắt đầu đi và đừng dự định nữa. Công việc luôn có những áp lực. Làm sao để mọi người thoải mái, mà quan trọng là startup phải gắn kết tình đồng đội của nhóm. Chúng tôi đã chọn những trải nghiệm team-building để có thể hiểu nhau hơn. Do đó cả nhóm đã chọn trekking (một hình thức du lịch đi bộ mạo hiểm, khám phá). Năm 2015 khi cung đường “Tà Năng - Phan Dũng” vừa mới nổi, tôi đã cùng Trung tâm Công nghệ thông tin của mình (khi đó hơn 40 người) cùng nhau chinh phục. Đó cũng là lần đầu tiên các bạn “thưởng thức” team building kiểu này. Cả đoàn bị lạc 3 ngày trong rừng… và vẫn trở về an toàn. Với startup, chúng tôi luôn hiểu rằng “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
● Trong kế hoạch tương lai, có dự định nào anh dành riêng cho quê hương Bình Định hay không?
- Tôi từng có mơ ước được nghỉ hưu ở tuổi 40, tuy nhiên giờ nhìn lại thì thấy vẫn còn nhiều việc dang dở quá. Khi mà đích đến chúng tôi đặt ra cho MoMo vẫn còn khá xa, đường đi còn nhiều thách thức, bạn đồng hành lại vui, thì mình... phải đi tiếp thôi! Trước mắt, chắc chắn là tiếp tục cùng đồng đội biến MoMo trở thành một “Siêu ứng dụng của người Việt, cho người Việt”!
Tôi tha thiết được kết nối với Bình Định trong việc triển khai các giải pháp thanh toán hiện đại. Dĩ nhiên, với khả năng của tôi chưa thể một mình kết nối được, tôi cần thêm những tư vấn của mọi người.
● Anh có thường về quê? Điều anh ấn tượng nhất về quê hương là gì?
- Tôi học tại Quốc học Quy Nhơn khóa 1995 - 1998, bạn bè cùng trang lứa rất nhiều. Tôi về Quy Nhơn khá thường xuyên. Mỗi lần về lại thấy vui vì thành phố đang thay đổi nhanh, sang trọng, hiện đại hơn từng ngày; hy vọng Quy Nhơn sẽ vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của mình. Quy Nhơn thân thuộc, bình yên, mỗi lúc đi xa lại mong được quay về.
THU DỊU