Bình minh trên đỉnh Pa Rút: Khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an
Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh vừa tổng duyệt vở diễn Bình minh trên đỉnh Pa Rút (kịch bản: Nguyễn Hoài; tác giả chuyển thể NSƯT Tấn Hào; đạo diễn: NSND Hoài Huệ). Dù vở diễn nhằm ca ngợi hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân nhưng khi khéo léo lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tình yêu đôi lứa, gia đình… Bình minh trên đỉnh Pa Rút trở nên gần gũi, mềm mại.
Bình minh trên đỉnh Pa Rút ở buổi tổng duyệt.
Nói về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân, có thể nhiều người sẽ mường tượng đến những chiến công và tội phạm nhưng với Bình minh trên đỉnh Pa Rút còn nhiều hơn thế, đó là nỗi đau, tình yêu, hạnh phúc và tương lai. Sợ lạc vô những mô típ quen thuộc khi viết về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã vô cùng tỉ mỉ trong việc lựa chọn kịch bản. Chọn lựa trong gần 20 kịch bản, cuối cùng Đoàn đã thống nhất chọn và trình hội đồng kịch bản của tác giả trẻ Nguyễn Hoài.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định, đạo diễn vở, chia sẻ: “Làm tác phẩm ca ngợi người chiến sĩ công an, nhất là với đề tài ma túy, vở diễn sẽ dễ lâm vào nặng nề. Trước kia tôi cũng đã làm vở Hoa hồng đỏ về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân cho Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, vở này nói về cô cảnh sát phường bằng sự kiên trì và cảm hóa đã giúp người tướng cướp trở thành người tốt. Vở diễn đã đạt giải tại Liên hoan về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ 2. Giờ đây tôi lại muốn tìm những hình tượng như thế, những góc khuất nhỏ bé của cuộc sống để thấy có những người bình thường thôi lại làm những việc rất lớn lao chứ không muốn đao to búa lớn. Nhận được kịch bản Bình minh trên đỉnh Pa Rút, anh em nghệ sĩ, hội đồng thẩm định cùng nhất trí.
Bình minh trên đỉnh Pa Rút lấy bối cảnh những năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi tình hình xã hội còn nhiều phức tạp. Bọn tội phạm xuyên biên giới cấu kết với phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số để gieo trồng, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng quốc cấm. Siu (do nghệ sĩ Phương Phú thủ vai) là một chiến sĩ công an vừa ra trường, cũng là người con của bản làng đã vượt qua nỗi đau mất cha dũng cảm chống lại những hủ tục, hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh với tội phạm, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ cuộc sống cho người dân quê anh. Cuộc sống bình yên của dân làng, tình cảm đoàn kết giữa các dân tộc, tình yêu đôi lứa… là những yếu tố giúp hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân đẹp hơn, gần gũi hơn.
Câu chuyện diễn biến theo những mưu mô của Pi Năng (do nghệ sĩ Hoài Tâm thủ vai). Vì âm mưu đoạt vị trí trưởng làng để kêu gọi người dân trồng thuốc phiện, Pi Năng đã giết già Pa Tâu (cha của Siu), đổ tội cho Klai (do nghệ sĩ Thùy Dung thủ vai). Từ đó, vượt qua nỗi đau mất cha, Siu đã tìm ra hung thủ thật sự bảo vệ Klai. Cũng từ câu chuyện này, văn hóa, tập quán đồng bào dân tộc thiểu số, hình ảnh núi rừng, sinh hoạt cộng đồng, những ngôi nhà mồ… được tái hiện qua hiệu ứng âm thanh, màu sắc cho người xem những ấn tượng sâu sắc. Đồng thời, một số nghệ sĩ như Hoài Tâm, Thùy Dung, Nương Nương… đã truyền tải tốt cảm xúc, giúp người xem có những khoảnh khắc lắng đọng, cảm thương. Bên cạnh những hình ảnh vừa ước lệ vừa tả thực, vở diễn không tắt đèn chuyển cảnh góp phần làm cuốn hút người xem.
“Tính nghe nhìn trong nghệ thuật biểu diễn là làm gì cũng phải bắt mắt và bắt tai. Ngày trước có vở Tiếng sấm Tây Nguyên, Núi rừng năm ấy, Một sự trả giá và đây là vở thứ 4 viết đúng nghĩa Tây Nguyên. Hơn 100 vở diễn trong 60 năm nhưng chỉ có 4 vở diễn về Tây Nguyên thì có thể thấy độ khó khi làm về đề tài Tây Nguyên. Dù vậy, thời đại hiện nay, tư liệu để nghiên cứu về văn hóa, tập quán của người Tây Nguyên có rất nhiều. Chúng tôi sẽ đem vở Bình minh trên đỉnh Pa Rút biểu diễn cho người dân xem ở dịp Tết Nguyên đán. Sau đó sẽ lấy ý kiến của người dân để chỉnh sửa, hoàn thiện để vở diễn có thể được đẩy lên cao trào hơn, giúp người xem hài lòng, thỏa mãn hơn” - NSND Hoài Huệ cho biết thêm.
THẢO KHUY