Hoài Nhơn những nẻo đường thơm mùi Tết
Những ngày giáp Tết tôi thích về Hoài Nhơn. Nghe tôi… tiết lộ điều này cả nhóm bạn cười ồ, mùa này ai lại không thích thế! Bởi lẽ, những ngày này ở Hoài Nhơn đâu đâu cũng nồng nàn hương vị, dịu dàng nét Tết xưa cũ.
Tôi thích về Hoài Nhơn còn vì thèm sống lại những ngày Tết xưa. Để về đây, chẳng cần chuẩn bị nhiều, chỉ cần a lô là nhà xe đón mình tận nhà, thả mình xuống tận nơi mình muốn. Quá dễ để về với Hoài Nhơn.
Làng hoa Gia An ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH THI
Màu Tết, hương vị Tết xứ Hoài
Hoài Nhơn tháng Chạp, nắng vàng như mật, nắng trải trên những tán dừa, những cánh đồng mạ xanh non. Cảnh đẹp như tranh và vương vất trong gió là vị của Tết - hương mứt gừng nhà ai đang rim, hương bột bánh in nồng nàn bên ngõ xóm, hương cốm nổ nếp ngự thơm lừng... để bất cứ ai cũng có thể mơ màng về những ngày Tết xưa.
Cũng bấy nhiêu nguyên liệu - là bột nếp, đậu xanh, cốm nổ, là gừng, là bí đao, bí đỏ, dừa non… song sản phẩm mang tiếng xứ Dừa luôn có nét riêng từ hương đến vị. Nếu bạn ra đến tận nơi này, chắc chắn bạn sẽ no con mắt, thơm nồng của mũi và dễ dàng chìm đắm trong không khí chuẩn bị Tết. Nhiều người đã… nghiện cái không khí rộn ràng, tha thiết, ấm cúng của những ngày giáp Tết, mà ở Bình Định có lẽ không nơi nào nồng nàn như xứ Dừa.
Vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhâm (chủ cơ sở bánh kẹo đặc sản Sáu Chiến) gói bánh táp lô đặc trưng của Hoài Nhơn dịp tết.
Điện thoại ra xứ Dừa - “Chú ơi, nhà mình đã làm bánh cốm nổ cho Tết chưa?”. Đầu dây bên kia, chú Nguyễn Duy Nhâm (khối 8, thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn), chủ cơ sở bánh cốm kẹo đặc sản Sáu Chiến, cười ồ lên: “Từ lâu lắc rồi chớ con! Tết mà, làm cho tới ngày đưa Ông Táo về trời luôn đó...”. Dừng cuộc điện thoại, tôi vớ chiếc ba lô với ít bộ đồ, chiếc máy ảnh, xong là xe Sơn Tùng đã kịp xịch trước ngõ đón tôi đi.
Một nhãn hiệu của Hoài Nhơn
Nhắc đến bánh Tết Hoài Nhơn, đừng quên bánh “táp lô” - loại bánh in, bánh cốm có hình dài như viên gạch táp lô, gói trong những phong giấy màu. Thuở ban sơ người ta gọi nó là bánh in chưng Tết để phân biệt với lại bánh in trần. Cách đây mấy chục năm, do liên tưởng đến viên gạch táp lô nên dần dần gọi nó là bánh táp lô. Bánh táp lô có thể để dành đến hết tháng Giêng, ăn vẫn thơm ngon nên nhiều người còn dùng bánh táp lô trong bữa sáng, chiêu một ngụm chè xanh là thành một cái thú! Giờ đây cả đất nước mình no ấm, song người Hoài Nhơn vẫn giữ lại món bánh táp lô chưng tết. Ở đâu có người Hoài Nhơn, ở đó bạn sẽ gặp những phong bánh táp lô đầy màu sắc. Bánh táp lô Hoài Nhơn vô Quy Nhơn, vào tận Sài Gòn, Tây Ninh, lên cả trên Tây Nguyên, vài năm gần đây theo sức nóng lên của du lịch, bánh đã ra Bắc.
Ở đâu thấy bánh táp lô được bày biện, ở đó đích thị có người Hoài Nhơn.
Gia đình chú Nhâm theo nghề làm bánh cốm nổ truyền thống chừng 30 năm, bánh làm bán quanh năm. Mùa làm bánh tết cả nhà đầy hương vị, sắc màu khiến không khí của những ngày cuối năm thêm chút chộn rộn, ấm dần lên hơi ấm sum họp.
Nồng nàn mùa Tết
Tết,dường như khoác thêm chiếc áo mùa xuân ấm cho những làng nghề làm bánh truyền thống Hoài Nhơn. Chị Hồng Yến, chuyên viên Phòng Kinh tế Hoài Nhơn, người nhiệt tình hỗ trợ tôi trong chuyến trải nghiệm làng nghề lần này, chia sẻ, ở Hoài Nhơn tháng Chạp là tháng vui nhất trong năm. Đưa tôi đi thăm những gia đình làm bánh có tiếng ở Hoài Nhơn, như cơ sở bánh kẹo Bà Điền (Tam Quan), bánh in Việt Tuấn (Tam Quan Nam), một số cơ sở làm bánh mứt ở Bồng Sơn… Ở đâu cũng đã thấy rộn ràng niềm vui Tết. Đâu đó có người vẫn chép miệng bảo, Tết bây giờ sao ít vui quá; sao mà không khí Tết bây giờ kém nồng nàn quá. Những lúc nghe như thế tôi thường ngỏ ý mời họ về Hoài Nhơn những ngày giáp Tết.
Có một nơi bạn cố gắng đừng bỏ qua một khi đã về Hoài Nhơn, đi thăm cánh đồng nếp ngự Hoài Sơn. Hoài Sơn hơi xa huyện lỵ Bồng Sơn, nhưng rất đáng ngược đường ra thăm bạn nhé. Từ quãng rằm tháng Chạp trở đi, nếp ngự Hoài Sơn xanh mơn mởn, riêng những cánh đồng đẹp như tranh vẽ đã đáng đến thăm. Nhưng trên đường đi bạn sẽ kịp dừng để check-in khi mũi bạn căng lên với những làn hương đặc quánh của cốm, của bánh, của mứt lừng lừng ấm ở Tam Quan, bạn sẽ muốn “seo phì” cùng những ruộng hoa cúc, vạn thọ nở vàng Gia An Nam (Hoài Châu Bắc)…
Bao lâu rồi bạn chưa sống lại những kỷ niệm tuổi thơ của những ngày giáp Tết đườm đượm thơm, nồng nồng nhớ. Hãy thử một lần reo dài với những chặng đường tháng Chạp, cùng nhau làm một chuyến về với Hoài Nhơn, để sớm cảm nhận hương xuân, vị Tết rộn ràng.
THU DỊU