Phía sau chiếc áo blouse
Cởi chiếc áo blouse trắng nơi bệnh phòng, họ lại về với những bệnh nhân nghèo cần sự sẻ chia. Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, mang lại những nụ cười, xoa dịu những nỗi đau bệnh tật, những y bác sĩ làm công tác thiện nguyện - như những con ong chăm chỉ, lặng thầm cống hiến cho đời có thêm nhiều mật ngọt.
30 năm nay, bác sĩ Lê Thái Bình chưa một lần lỡ hẹn về quê khám bệnh cho người dân mỗi ngày Chủ nhật.
“LỜI HẸN” VỚI BỆNH NHÂN
Hơn 6 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối tháng 10.2019 - ngay sau cơn bão số 5 đổ bộ vào Bình Định, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, tất tả đội mưa đi xe máy về quê khám bệnh (miễn phí cho người nghèo). Cơn mưa dầm dề không ngớt, quãng đường từ phường Bình Định về xã Nhơn Phong như dài hơn, ông thấp thỏm: “Lo bà con chờ!”.
Hơn 7 giờ, căn nhà cấp 4 của gia đình ông tại xã Nhơn Phong (TX An Nhơn), hai hàng dài bệnh nhân chờ đợi. “Đau gì cũng đến bác Bình”, câu nói của chị Nguyễn Thị Tố Loan (xã Nhơn Hạnh) khi đưa con gái Lê Nguyễn Khánh Ngân đến khám bệnh viêm phổi hôm ấy cũng đủ khắc họa rõ nét, đầy đủ hình ảnh quen thuộc của “phòng khám không bảng tên” của bác sĩ Bình. Bệnh nhân của ông không chỉ có các xã lân cận ở An Nhơn, mà nhiều người ở Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ cũng tìm đến. Đều đặn Chủ nhật hàng tuần ông có mặt đúng giờ ở phòng khám, dù mưa gió đến mấy, chưa khi nào ông lỡ hẹn (trừ hôm đi công tác ngoại tỉnh). “Dù thế nào tôi cũng phải về quê, vì không thể để bà con chờ mình được. Họ tin nên mới đến với mình”, bác sĩ Bình tâm sự.
Vì là “phòng khám của người nghèo” nên tất cả bệnh nhân nghèo đều được ông khám miễn phí. Ai có vấn đề gì về sức khỏe tới xin tư vấn ông cũng không lấy tiền. Với người khá hơn, ông bảo chi phí khám chữa bệnh chỉ ở mức tối thiểu của tiền thuốc, vài ba chục nghìn đồng để duy trì hoạt động phòng khám, phần cũng để họ “đỡ ngại khi thường xuyên đến với mình”. Từ tận tâm, bác sĩ Bình luôn ân cần, chu đáo với người bệnh. Bởi ông nghĩ, nếu vì bệnh tật họ không còn sức làm việc, giờ lại tốn quá nhiều chi phí chữa trị thì nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ. Nên suy cho cùng, giúp được bao nhiêu người ông vẫn cố gắng.
Một tuần trước cơn bão số 6 vào Bình Định hồi đầu tháng 11.2019, bác sĩ Phan Nam Hùng, phụ trách phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch (Quy Nhơn) lên kế hoạch về khám chữa bệnh cho người dân nghèo ở vùng biển Nhơn Hải - vốn chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Ông quyết định đóng cửa phòng khám một ngày để tất cả y, bác sĩ cùng được đi.
Ông thường chọn đến những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo - những nơi bị hạn chế về công tác y tế để giúp đỡ người dân. Mỗi chuyến thăm khám, luôn cố gắng có đủ các chuyên khoa, cận lâm sàng. Mỗi nơi đều để lại những kỷ niệm khó quên, nhưng ấn tượng nhiều nhất là những chuyến đi về xã Nhơn Châu (Quy Nhơn), làng Kon Trú (Vĩnh Thạnh), và xã An Toàn (An Lão). Bởi, ở đây người dân vẫn còn thiếu thốn mọi bề. “Ngoài khám bệnh, tư vấn sức khỏe đem lại niềm vui nụ cười cho mọi người, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, những chuyến đi như thế này được các y bác sĩ trẻ hưởng ứng rất nhiệt tình. Cuộc sống khi thấy những người khác vui có lẽ chính là cuộc sống an nhiên nhất, hạnh phúc nhất mà không phải ai cũng có được”, bác sĩ Hùng tâm sự.
Những chuyến đi giúp các y bác sĩ trẻ học được cách sẻ chia, quan tâm đến mọi người.
- Trong ảnh: Bác sĩ phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch ân cần chia sẻ với người dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) sau bão số 6 đầu tháng 11.2019.
HẠNH PHÚC KHI GẶP LẠI BỆNH NHÂN
Cậu bé Mai Thanh Hòa (SN 2012, phường Bình Định, An Nhơn) sinh ra với dị tật sứt môi, hở hàm ếch đã được “trả lại nụ cười” sau hai lần phẫu thuật miễn phí của các bác sĩ thuộc Tổ chức Asia Connection Inc (ACI - Hoa Kỳ). Lần phẫu thuật đầu tháng 11.2019, anh Mai Thanh Sự - ba bé Hòa - thở phào nhẹ nhõm khi dị tật của con đã được can thiệp gần như hoàn chỉnh: “Hồi mới sinh ra cháu ăn uống khó khăn lắm, đau ốm liên tục. Năm 2017, nhờ người quen trong xóm giới thiệu chương trình phẫu thuật “Trả lại nụ cười trẻ thơ” của các bác sĩ trong và ngoài nước phối hợp tổ chức tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, chúng tôi đến để mong tìm lại nụ cười tròn đầy cho con”.
Khoảnh khắc những người làm cha, làm mẹ của các bé vui mừng sau khi nhận kết quả phẫu thuật thành công cho dị tật sứt môi, hở hàm ếch của con cũng là niềm vui, hạnh phúc của các bác sĩ. Ông John Havican, Chủ tịch Tổ chức ACI, điều phối viên chương trình phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch kể câu chuyện hành trình về với Việt Nam. Ấy là năm 2016, bác sĩ mổ chính của Tổ chức ACI - bác sĩ Jeffrey Marsh (Hoa Kỳ), nguyên Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình nhi Trung tâm y tế Mercy - nói rằng, ông ấy đã làm việc với nhiều chương trình từ thiện ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa bao giờ làm ở Việt Nam. Và, khi bác sĩ Jeffrey Marsh đặt câu hỏi tổ chức đợt phẫu thuật ở Việt Nam, ông John Havican đã chọn Quy Nhơn. Từ năm 2016 đến nay, đều đặn hàng năm ACI đều về Quy Nhơn để phẫu thuật cho các bé dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Kinh phí chương trình từ tổ chức gây quỹ, mục đích chính là không để bệnh nhân chi trả bất kỳ một chi phí nào trong quá trình phẫu thuật.
“Còn hạnh phúc nào hơn khi mỗi năm tôi được gặp lại các bé, được biết các bé có cuộc sống tốt hơn sau phẫu thuật, có thể nói tốt hơn, nghe tốt hơn. Điều đó thật sự rất có ý nghĩa, bởi những bệnh nhi đã có thể tự tin sống mà không phải nhận ánh mắt kỳ thị của cộng đồng. Với chúng tôi, không còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn!”, ông John Havican sẻ chia niềm xúc cảm.
Những chuyến đi về chừng 10 ngày ngắn ngủi với bệnh nhân ở Bình Định, Tổ chức ACI luôn cố gắng phẫu thuật từ 40 - 50 bệnh nhi mắc các dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Bác sĩ Jeffrey Marsh vui vẻ nói: “4 lần đến với bệnh nhân ở Bình Định, cảm giác như tôi được trở về nhà. Tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng chương trình”.
Niềm hạnh phúc của bác sĩ Tổ chức ACI sau ca phẫu thuật cho trẻ khiếm khuyết sứt môi, hở hàm ếch tại Bình Định.
THAY LỜI KẾT
Nhiều, rất nhiều những y bác sĩ góp nên những câu chuyện đẹp phía sau chiếc áo blouse trắng. Không đơn thuần là những chuyến đi thiện nguyện, về với bệnh nhân, các y bác sĩ tâm niệm họ học được cách sẻ chia, học được cách quan tâm đến mọi người, học được cách yêu thương.
“30 năm nay rồi, khi nào còn sức, tôi vẫn còn về quê khám bệnh cho bà con. Đến giờ, con trai đầu cũng theo nghiệp bác sĩ, hành trình này sẽ có người tiếp nối. Tôi vẫn hay nói với con trai mình, người bác sĩ giỏi là người phải biết yêu thương bệnh nhân. Và, bảng hiệu rõ nhất, lớn nhất là trong lòng người bệnh”, bác sĩ Lê Thái Bình tâm sự.
MAI HOÀNG