Chinh phục những kỹ thuật khó
Nhờ có các trang thiết bị y tế hiện đại, được cập nhật những kiến thức y học tiên tiến, các bác sĩ Bình Ðịnh đã không còn “bó tay” trước nhiều ca bệnh khó. Những thành công trong điều trị như vậy góp phần khẳng định tay nghề của đội ngũ bác sĩ trong tỉnh.
Đội can thiệp mạch khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) đã cứu sống thành công nhiều ca bệnh đột quỵ.
NHỮNG “PHÚT VÀNG” CỦA BỆNH NHÂN
Cuối giờ chiều một ngày cuối tháng 11.2019, chiếc xe cứu thương của BVĐK Khu vực Bồng Sơn chạy hết tốc độ, vượt 90 km vào đến khoa Cấp cứu (BVĐK tỉnh). Không phải ca cấp cứu bình thường, mà là đột quỵ não cấp, tắc động mạch não giữa bên phải của bệnh nhân Hà Văn Hiền (khối 2, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn). Quy trình tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ cấp giữa ba khoa Khám - Chẩn đoán hình ảnh - Thần kinh được khởi động. Cùng lúc đó “đội phản ứng nhanh đột quỵ” của khoa Thần kinh xuất hiện. Bệnh nhân đột quỵ cấp chỉ có thể cứu được trong 6 “giờ vàng”, nên mọi thứ phải nhanh nhất có thể, các thủ tục hành chính như hồ sơ bệnh án, phiếu chụp CT-scanner… đều được bổ sung sau, nhằm rút ngắn thời gian từ lúc vào viện cho đến lúc tiến hành kỹ thuật cho bệnh nhân.
Ðặc điểm của ngành Y là phạm vi hoạt động rất rộng, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Tính cập nhật của các vấn đề trong ngành rất cao, liên tục. Ðây là mảnh đất màu mỡ cho những người nghiên cứu khoa học khai thác, tìm tòi, trăn trở. Những hoạt động nằm trong đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Y tế hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực, tạo sức bật mạnh mẽ cho BVÐK tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng và phát triển các mảng kỹ thuật chuyên sâu. Trước đây, nhiều kỹ thuật chỉ các bệnh viện Trung ương mới thực hiện được. Ðến nay, do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của BVÐK tỉnh, các bác sĩ đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh để phục vụ tốt nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Bác sĩ LÊ QUANG HÙNG, Giám đốc Sở Y tế
Phó trưởng khoa Thần kinh - bác sĩ Nguyễn Văn Trung, không khỏi lo lắng. Bởi, cái khó của bệnh nhân này là cùng lúc phải can thiệp lấy được huyết khối và mảng dị vật xơ vữa có thể trôi từ tim đến gây tắc mạch của bệnh nhân. Sau 45 phút căng thẳng, mảng huyết khối và xơ vữa được lấy ra thành công, tái thông mạch hoàn toàn. Ông Hà Văn Hiền không thể ngờ rằng tử thần vừa lướt qua mình trong gang tấc!
“Đây là một trong 3 ca cấp cứu đột quỵ đặc biệt mà chúng tôi tiếp nhận được. Bệnh nhân được cấp cứu trong 3,5 “giờ vàng”, nhưng chúng tôi quan niệm giới hạn “giờ vàng” của bệnh nhân đột quỵ không đơn thuần là “cứu được” mà là khả năng “hồi phục” hoàn toàn- đòi hỏi một cuộc chạy đua quyết liệt với thời gian”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Bác sĩ Hà Phi Điệp, Trưởng khoa Thần kinh cho hay, hiện nay, trên thế giới có hai kỹ thuật tối ưu để điều trị nhồi máu não cấp (chiếm 80% - 85% đột quỵ) không những giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn giảm di chứng tàn tật là tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Trung bình mỗi tháng, tại khoa Thần kinh có 12- 15 bệnh nhân đột quỵ được cứu sống bằng tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; 5 - 7 ca lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Với lĩnh vực Ngoại khoa, những bước tiến dài trong nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi để điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm thêm một lần nữa khẳng định tay nghề, vị thế của đội ngũ bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh).
Trải qua ca phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm ngay trong ngày, chị Trần Thị Kiều Trang (30 tuổi, TP Quy Nhơn) đã có thể đi lại bình thường. Căn bệnh từng khiến chị đau lưng trong thời gian dài, lan xuống tưởng chừng như liệt một bên chân trái nay đã được điều trị dứt điểm. Chị Trang chưa hết bất ngờ: “Mấy tháng trước, tôi đã đi châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc nam nhưng không hiệu quả, vẫn đau đến nỗi một bên chân đi không vững. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, tận tình tư vấn về hiệu quả phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm, tôi quyết tâm điều trị. Ca mổ thành công, nhẹ nhàng, tôi như trút được gánh nặng trên người vậy!”.
Người mổ chính ca nội soi thoát vị đĩa đệm hôm ấy là “cây sáng kiến” - bác sĩ Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh). Những ca phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm rất phức tạp, mức độ khó cao. Ngay sau phẫu thuật vài giờ đồng hồ, bệnh nhân có thể vận động, đi lại và xuất viện sau 1 - 2 ngày.
Không chỉ vậy, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống còn ứng dụng nhiều kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Đến giờ, sau nhiều năm nghiên cứu phẫu thuật túi phình động mạch não vòng tuần hoàn trước vỡ, BVĐK tỉnh Bình Định vẫn là một trong số ít hiếm hoi bệnh viện trong cả nước có thể triển khai được kỹ thuật này.
Hay, gần đây nhất là phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị chấn thương cột sống ngực - thắt lưng mất vững bằng vít qua da… “Phẫu thuật can thiệp ít xâm lấn mang lại hiệu quả lớn cho bệnh nhân, nhưng đòi hỏi bác sĩ trình độ tay nghề cao. Chúng tôi cũng chỉ muốn mình làm được gì đó để người bệnh bớt được nỗi lo phải “khăn gói” lên bệnh viện Trung ương”, bác sĩ Nhân cho biết.
NỘI LỰC VÀ NHỮNG CUỘC “TIẾP SỨC”
Nói đến sự thành công của những kỹ thuật điều trị tiên tiến cho bệnh nhân trong thời gian qua của ngành Y tế tỉnh không thể không nhắc đến câu chuyện về nỗ lực tự thân của đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó là cuộc tiếp sức của các bệnh viện Trung ương trong khuôn khổ đề án bệnh viện vệ tinh tại Bình Định.
Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho biết, với dự án bệnh viện vệ tinh của các Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu (TP Hồ Chí Minh) giai đoạn 2016 - 2020, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao của tuyến trên áp dụng điều trị và chăm sóc bệnh nhân rất hiệu quả như: Can thiệp mạch, điều trị rối loạn nhịp bằng sóng radio, phẫu thuật mạch máu ngoại vi, phẫu thuật mạch vành, nội soi khớp, phẫu thuật điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư đầu cổ, ung thư sản phụ khoa… Đặc biệt, với tiếp sức của Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), sản khoa Bình Định làm nên bước ngoặt lớn, khi trong tháng 12.2019 em bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm tại BVĐK tỉnh chào đời.
“Sự tiếp sức này mang lại cho bệnh viện không chỉ thay đổi hoàn toàn về chất và lượng, người dân còn được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải đi xa. Đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ có những bệnh viện Trung ương mới thực hiện được”, bác sĩ Hồ Việt Mỹ khẳng định.
THU HIỀN