BIDIPHAR và “hình mẫu” đầu tư trên đất Lào
Lâu nay, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Ðịnh vẫn được coi là “người khai phá” với những dự án đầu tư đầu tiên của Bình Ðịnh ở các tỉnh Nam Lào. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng tỷ lệ lao động địa phương thể hiện hướng đi đúng đắn ở các dự án này.
Lao động Lào của Công ty Dược phẩm CBF dần làm chủ công nghệ, trở thành lực lượng chủ yếu của Công ty.
THƯƠNG HIỆU CỦA TÌNH HỮU NGHỊ
C: Champasak; B: Bình Định; F:Friendship. Tình hữu nghị Champasak - Bình Định chính là ý nghĩa của cái tên CBF - công ty dược phẩm ra đời năm 1995 từ sự liên doanh giữa Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) và Xí nghiệp Chế biến dược phẩm Champasak.
“Qua thời gian dài gắn bó với nước bạn và các đồng nghiệp, tôi nhận thấy người Lào rất hiền lành, chân chất và hiếu khách. Họ không coi trọng vật chất, nếu giàu mà làm việc vất vả thì cũng không hạnh phúc. Nếu bị ai đó la rầy làm tổn thương, phần lớn người Lào sẽ bỏ việc ngay dù đó là công việc tốt, lương cao. Những thành quả công ty có được như ngày hôm nay cũng nhờ làm tốt công tác vận động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và đặc biệt hiểu được phong tục, tập quán cũng như tính cách của người dân Lào.”
Giám đốc Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt TRƯƠNG MINH THẮNG
Cùng với CBF, một dấu ấn khác trên đất Lào của BIDIPHAR là Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt LVF (LVF: Laos-Viet Friendship, đóng ở tỉnh Sekong), được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa BIDIPHAR (80%) và Công ty Dược phẩm CBF (20%), với vốn điều lệ 20 triệu USD.
Cho đến nay, Công ty Dược phẩm CBF vẫn là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế Lào cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP ASEAN, cung cấp đến 50% thị phần dược phẩm tại đất nước triệu voi. Ngành nghề chính hiện nay của Công ty là sản xuất, mua bán hàng dược phẩm; mua bán máy móc thiết bị, dụng cụ, vật tư ngành y tế. Lợi nhuận sau thuế của năm 2018 đạt hơn 3,8 tỷ kíp, nộp ngân sách Lào hơn 10,4 tỷ kíp (tỷ giá hiện nay là 1 kíp = 2,67 VNĐ).
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã đến thăm Công ty Dược phẩm CBF. Hỏi han, động viên cán bộ, nhân viên của Công ty, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây chính là “hình mẫu” cho hiệu quả hợp tác của Bình Định với các tỉnh Nam Lào. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Công ty tiếp tục phát triển hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài.
Với Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt LVF, năm 2006, Công ty bắt đầu triển khai trồng cao su. Tháng 4.2012, Công ty xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su giai đoạn I, công suất 3.000 tấn/năm với vốn đầu tư 1,7 triệu USD. Tháng 3.2018, đầu tư giai đoạn II, nâng công suất nhà máy chế biến mủ lên 6.000 tấn/năm với tổng vốn trên 800 nghìn USD.
Năm 2012, Công ty đưa vào khai thác 806 ha cao su, thu hoạch 500 tấn mủ quy khô, doanh thu hơn 9,7 tỷ kíp. Đến năm 2018, diện tích khai thác đã lên đến 3.000ha, sản lượng 5.200 tấn mủ quy khô, doanh thu hơn 62 tỷ kíp, lợi nhuận hơn 15,9 tỷ kíp, nộp ngân sách Lào 2,5 tỷ kíp.
Bên trong nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt LVF.
Bên cạnh đó, ngay từ khi mới thành lập, LVF đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ về giáo dục, y tế, kéo điện, làm cầu, đường sá, khoan giếng nước sạch và chăm sóc sức khỏe cho người dân Lào. Có thể nói, cây cao su của công ty trồng mới đến bản nào thì bản đó và vùng lân cận có đường tốt để đi, có điện để dùng. Công nhân được đóng BHXH và chăm sóc y tế chu đáo, con em họ được cắp sách đến trường…
“Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ học bổng cho sinh viên Lào đang theo học tại Trường ĐH Quy Nhơn và đóng góp vào quỹ khuyến học tại Lào. Qua hơn 13 năm hoạt động, nhiệm vụ của LVF không chỉ là đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tốt mà còn góp phần gìn giữ, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào nói chung, Bình Định và các tỉnh Nam Lào nói riêng”, Giám đốc Công ty Trương Minh Thắng trải lòng.
TỪNG BƯỚC CHUYỂN GIAO
Ngày đầu thành lập, CBF chỉ có 35 cán bộ, nhân viên; trong đó có 10 người từ BIDIPHAR sang. Hiện nay, trong số 231 cán bộ, nhân viên, chỉ còn 4 người Việt Nam. Người Lào có vị trí cao nhất là ông Chinda Vongsouly - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc điều hành.
Ông Yai Niveth - Phó Giám đốc sản xuất của CBF, chia sẻ: “Suốt 25 năm qua, đã có rất nhiều cán bộ, nhân viên người Lào được Công ty cho đi đào tạo ở nhiều nơi. Trong quá trình làm việc, những đồng nghiệp “cứng tay nghề” từ Việt Nam sang rất nhiệt tình, tỉ mỉ trong truyền đạt kinh nghiệm, từng bước giúp chúng tôi làm chủ công nghệ, bao quát hoạt động của Công ty”.
Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt LVF đóng ở tỉnh Sekong.
15 năm gắn bó với CBF, Trưởng phòng Kế toán - Tài chính Phạm Bá An chứng kiến nhiều đồng nghiệp Lào nỗ lực vươn lên, được giao trọng trách. “Công ty rất chú trọng khâu đào tạo, đào tạo lại để từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động, nhất là những người mới tuyển sau này”, ông An cho biết.
Với LVF, từ lúc thành lập năm 2006 đến năm 2011, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, Công ty chủ yếu sử dụng công nhân thời vụ để khai hoang, trồng mới và chăm sóc vườn cây. Công nhân, quản lý từ BIDIPHAR sang gần 90 người. Nhân công người Lào dao động 500 - 800 người/ngày. Năm 2012, khi bắt đầu khai thác vườn cây, công nhân Lào khai thác mủ thường xuyên là 292 người, làm công ngày chăm sóc vườn cây từ 400 - 600 người; công nhân, quản lý người Việt từ 90 - 130 người. Hiện nay, người Việt Nam chỉ còn 90 người, cán bộ, nhân viên người Lào làm việc thường xuyên là 950 người, chưa kể lượng nhân công làm việc thời vụ.
“Ưu tiên sử dụng lao động địa phương là mối quan tâm của chúng tôi để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Lào khi triển khai dự án - 90% lao động là người địa phương. Đặc biệt, một số sinh viên Lào du học tại Việt Nam được Công ty ưu tiên tiếp nhận và đào tạo bài bản ở tất cả các lĩnh vực quản lý. Ngoài ra, các nông trường, nhà máy còn chú tâm đào tạo các tổ trưởng, tổ phó quản lý là người Lào, giúp họ nắm giữ hầu hết các lĩnh vực hoạt động”, ông Trương Minh Thắng bày tỏ.
NGUYỄN VĂN TRANG