Ðiểm sáng xuất khẩu
Với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ DN, trong năm 2019, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa tiếp tục gặt hái nhiều kết quả khả quan, tạo điểm sáng trong bức tranh KT-XH của tỉnh.
Sản xuất mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu tại 1 DN FDI trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, khép lại năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh thực hiện đạt 911,6 triệu USD, tăng 8,94% so với năm 2018 và bằng 104,8% kế hoạch năm. Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là khối các DNTN (đạt giá trị 797,3 triệu USD), chiếm hơn 87% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tiếp theo là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 88,1 triệu USD); cuối cùng là các DN nhà nước (đạt 26,2 triệu USD). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng cao là các sản phẩm gỗ, đồ gỗ nội thất, hàng thủy sản, may mặc, gạo... Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ta hiện có mặt tại 91 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
"Để duy trì đà phát triển, các DN nên tiếp tục tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu…"
Ông NGÔ VĂN TỔNG, Giám đốc Sở Công Thương
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ của các DN trong tỉnh có nhiều thuận lợi, đạt giá trị tăng trưởng khá. Nhiều diễn biến trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung dẫn đến việc Mỹ áp thuế cao, hạn chế nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ Trung Quốc và chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng.
Hơn nữa xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của các DN trong năm 2019 đạt kết quả khả quan là nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã phát huy hiệu quả, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, cho hay: Đến nay, toàn tỉnh có trên 120 DN chế biến gỗ, với công suất thiết kế đạt 345 nghìn m3 sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có 70 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp đến các quốc gia. Cùng với Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, Bình Định hiện được xem là một trung tâm chế biến gỗ của cả nước.
Sản phẩm đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn là xuất khẩu sang châu Âu (chiếm đến 82%), còn lại là thị trường châu Á, châu Mỹ. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ của Bình Định ước đạt 446 triệu USD, chiếm 49% so tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm.
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (nhà máy đặt tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), cho biết: Việc nước ta chính thức tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước. Hiện, châu Âu và Mỹ là các thị trường xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ chính của DN.
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng quốc tế Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Đồng quan điểm như ông Lương, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, cho hay: “Các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã giúp cho các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong năm qua, DN đã nỗ lực chuyển đổi hoạt động, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của DN trong năm qua ước đạt 32 triệu USD”.
Theo ông Ngô Văn Tổng, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, tín hiệu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không ngừng là điều rất đáng phấn khởi, đặc biệt là các DN đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đến thị trường Mỹ đầy tiềm năng. Ngành Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, giúp DN thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng hiện nay, tỉnh cũng khuyến khích các DN đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, tạo nên sức mạnh cộng đồng trong xuất khẩu hàng hóa, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán và sự yếu kém về quy mô sản xuất nhỏ bé của từng DN.
GIA NGUYỄN