Vươn ra biển lớn
Trong những chuyến thăm và làm việc với các tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh điều này: Phải biết vươn ra biển lớn thì mới cụ thể hóa được khát vọng làm giàu. Dĩ nhiên, ai cũng tự hiểu, “vươn ra biển lớn” không chỉ mang ý nghĩa về mặt địa lý mà còn mang hàm nghĩa về những giải pháp làm giàu nữa. Bình Ðịnh đang có cách đi của mình trên tinh thần “vươn ra biển lớn” đó.
Ảnh: NGUYỄN DŨNG
LUÔN QUẪY ĐẠP
Xét về mặt địa lý, Bình Định không có những ưu thế như Đà Nẵng hoặc Nha Trang dù không ít người vẫn “tự sướng” rằng, Bình Định là một trong những cửa ngõ giao thương với quốc tế, dù là quốc tế… Lào và Campuchia. Nhưng điều này thì ai cũng phải thừa nhận: Bình Định luôn quẫy đạp để bung vỡ ra khỏi cái vỏ trứng khó nghèo của mình. Có lẽ Quy Nhơn sẽ chỉ mãi là thành phố thơ mộng, đủ đánh thức những âm giai véo von của các nhà thơ và nhạc sĩ chứ không thể là một đô thị vạm vỡ nếu các thế hệ lãnh đạo Bình Định trước đây cũng như hiện nay không cố “cựa quậy” ra khỏi ba bề núi một bề biển này.
Tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu như một lối thoát hiểm cho Quy Nhơn những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng lối thoát hiểm ấy cũng chưa thỏa mãn khát vọng của Bình Định. Tỉnh cần thêm ít nhất là một vài lối thoát nữa, khoáng đạt hơn. Và Khu kinh tế Nhơn Hội ra đời cùng chiếc cầu vượt biển “lịch sử chưa từng có” cho đến lúc đó, là một “lối thoát khác” ấy.
Thực ra chuyện “đánh thức vùng cát” thì Đà Nẵng đã làm lâu rồi. “Hoa hậu quận 3 không bằng bà già quận 1”, ý nói bên kia sông Hàn (quận 3) quá khổ cực, khổ đến mức nhan sắc thiếu nữ còn thua bà già bên này sông Hàn (quận 1). Dĩ nhiên ai cũng hiểu đó là cách nói ngoa dụ thôi. Bây giờ thì câu ca ấy đã “đổi ngôi” rồi nhờ vào việc “đánh thức vùng cát” ven biển bên quận 3. Bình Định không “bắt chước” Đà Nẵng vì mỗi nơi có một đặc thù riêng. Nhơn Hội đã được đánh thức, không phải chỉ để… bán đất làm hạ tầng như Đà Nẵng mà còn để làm công nghiệp, làm du lịch, dịch vụ. Tôi hay nói Bình Định có một may mắn cực lớn là cái “nhà máy lọc dầu 20 tỷ đô” đã không mọc lên ở Nhơn Hội? Lịch sử không có chữ “nếu” nhưng nếu có nhà máy lọc dầu thì thu ngân sách Bình Định sẽ đứng vào “top tỷ đô” như Quảng Ngãi (30.000 tỷ nhờ có Nhà máy lọc dầu Dung Quất) nhưng chắc chắn là… không thể giàu, xét ở khía cạnh cục bộ. Còn bây giờ, không nói ra ai cũng biết Nhơn Hội đã vươn vai với hình vóc, tâm thế mới.
Ảnh: N.D
RA BIỂN LỚN
Bình Định có trên 100 km bờ biển, dĩ nhiên “mặt tiền” là biển nhưng muốn ra biển lớn như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến nghị thì không chỉ bằng… ghe đánh cá dù Bình Định thuộc “top” của cả nước về số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó nghề câu cá ngừ đại dương xếp số 1. Nghề câu cá ngừ đại dương mỗi năm mang về cho Bình Định 10.000 tấn, trị giá 1.000 tỷ đồng, nhưng cuối cùng cũng chỉ loanh quanh trong nước mà thôi. Số cá ngừ đại dương đủ chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản lúc nhiều cũng chỉ chiếm chừng 3% số cá ngừ được kiểm tra, nghĩa là số cá ngừ có thể bán với giá 250 - 300 nghìn đồng/kg không đáng kể. Và như thế, “biển lớn” vẫn… mênh mông trước mặt, cửa ải thoát nghèo vẫn đầy những sóng gió.
Mươi năm trước, khi dự một số hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và cơ hội phát triển kinh tế ở Bình Định, nhiều lần chúng tôi được nghe thuyết minh về con đường phía Tây, chạy từ Hoài Ân vô giáp QL 19. Tôi đã đi trên con đường này và thấy cũng khá thú vị bởi cảnh trí của nó nhưng con đường ấy không đủ lực để đánh thức tiềm năng. Trồng keo hay mía hoặc củ mì thì cao lắm cũng mua được chiếc xe máy tử tế chứ để giàu có thì rất xa vời. Giá trị kinh tế của các loại cây ấy không cao mà quỹ đất dành cho mỗi gia đình lại quá eo hẹp.
Lại một chuyến đi khác ở phía Đông, tức đường ven biển, chạy từ Nhơn Hội ra tận Tam Quan, cũng cực đẹp nhưng… buồn quá. Con đường ấy những năm đầu chỉ “thuận” cho việc vận chuyển titan sau khi phá tan nát nhiều rừng phòng hộ ven biển, còn nói để “đánh thức tiềm năng” vào thời điểm bấy giờ thì chỉ có ở những người giàu trí tưởng tượng mà thôi. Thế nhưng, thời gian hơn 10 năm sau đủ để “nghiệm thu” cho trí tưởng tượng đó. Bây giờ mới thấy ánh sáng đã lóe lên từ chính con đường này để Bình Định “ra biển lớn”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cụm từ này. Biển lớn đã ở trước mặt thì rõ ràng rồi, nhưng “ra biển lớn” không chỉ là... biển trước mặt.
Cần phải kể thêm rằng Bình Định cũng đã hình thành một vài khu công nghiệp nhưng thiếu những “quả đấm thép” như Trường Hải - Chu Lai của Quảng Nam hoặc Dung Quất - Quảng Ngãi nên cũng khó mà bật dậy được. Vì khó nên phải xoay hướng khác. Nói Bình Định luôn “quẫy đạp” là ở chỗ này.
Bây giờ, trên bản đồ các cuộc hành trình của du khách ưa xê dịch khu vực ven biển miền Trung không chỉ có Đà Nẵng, Quảng Nam hay Nha Trang mà có cả Bình Định nữa. Bình Định nay có gì? Là câu hỏi hay gặp với những du khách không chịu đọc báo hoặc chơi facebook! Hàng chục điểm vui chơi mà du khách “không thể bỏ qua” mỗi khi về Bình Định không còn là chuyện “quảng cáo suông” nữa rồi. Cuối cùng thì phát triển du lịch vẫn là hướng đi bền vững nhất cho các tỉnh vừa có biển đảo lại vừa có núi rừng như Bình Định.
Trong cuộc chạy đua để tìm một chỗ đứng tốt nhất ở Quy Nhơn thì Tập đoàn FLC tỏ ra nhanh nhạy hơn cả. Chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ở Nhơn Hội của tập đoàn này như kích hoạt toàn bộ vùng đất cát ngỡ như đi vào ngõ cụt. Nếu như trước đây, sân bay Phù Cát mỗi tuần chỉ 3 - 4 chuyến bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến hoặc đi thì nay đã tăng lên gấp 10 lần với 3 - 4 hãng bay. Không phải hành khách “đi máy bay cho vui” mà thực sự họ có nhu cầu đến Bình Định để được “tham quan nghỉ dưỡng”. 12.000 ha đất sạch ở Nhơn Hội nay trở thành địa chỉ quá hấp dẫn cho các nhà đầu tư và thực tế là vùng cát trắng ấy gần như... hết chỗ. Nhiều tập đoàn “có số má” cũng đã nhanh chân xí phần và bắt đầu triển khai các dự án tại đây.
Có người thống kê rằng, để xuất khẩu 1 tỷ đôi giày mang về 19,5 tỷ đô la Mỹ nhưng lợi nhuận mỗi đôi sau khi trừ các khoản chi phí thì chỉ kiếm chừng 5 đô. Trong khi đó, năm 2019 đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bình quân mỗi khách chi tiêu khoảng 96 đô la/ngày, nhân cho 18 triệu khách rồi nhân cho 5 ngày thì đủ thấy lượng đô la “ở lại Việt Nam” là con số quá “khủng”. Khu FLC Quy Nhơn hiện có 1.500 phòng, giá phòng thấp nhất 1,5 triệu đồng/đêm, cao nhất là 3,7 triệu đồng/đêm (thời điểm cao nhất, chưa giảm giá hoặc khuyến mãi) nhưng bạn nhấp chuột vô để đặt phòng thì rất nhiều khả năng sẽ nhận được thông báo “hết phòng”. Dẫn ra vài con số trên để thấy làm du lịch bây giờ không còn là chuyện viển vông nữa rồi.
Ngành công nghiệp dù không khỏi có ồn ào và xả rác hơi bị nhiều một chút nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được, hơn là đặt hàng loạt nhà máy điện chạy bằng… dầu ở Nhơn Hội. Không chỉ những ông chủ của các khu nghỉ dưỡng hưởng lợi mà mức độ lan tỏa từ ngành công nghiệp không khói này vào trong dân là rất lớn. Điều này cắt nghĩa vì sao thu ngân sách 30.000 tỷ đồng như Quảng Ngãi mà mức sống của người dân kém xa dân Đà Nẵng dù thành phố này chỉ thu được 20.000 tỷ đồng. Có thể còn nhiều lối thoát để ra biển lớn nhưng có lẽ, Bình Định đã nhìn thấy lối ra thuận chân nhất cho mình.
Ở trên tôi có viết “tỉnh cần thêm ít nhất là một vài lối thoát nữa, khoáng đạt hơn”. Vậy thì ngoài lối ra biển còn lối nào nữa? Chẳng nhẽ lại là xuống đất hay lên Trời? Xin thưa ngay, là lên Trời. Chuyện khó như vậy mà cũng làm được sao! Xin một lần nữa nhắc lại rằng, các thế hệ lãnh đạo Bình Định trước đây cũng như hiện nay luôn tìm cách “cựa quậy” và họ cựa quậy rất giỏi, đúng phóc chất Bình Định. Số là ngày 21.11 vừa rồi, UBND tỉnh Bình Định đã chính thức họp báo công bố việc khai thác chuyến bay quốc tế đầu tiên tại Cảng hàng không Phù Cát. Vậy đó, Bình Định đã mở lối trên mặt đất, khai thác ra hướng biển và giờ Bình Định lại mở hướng lên Trời. Nói vui thế thôi, chứ dân Bình Định làm ăn chắc thiệt, phải có lợi mà lợi lớn mới làm. Mà đã làm là cứ ầm ầm, ùn ùn ủi tới mà làm chứ không nhơi nhả, rề rà. Chuyện mở hướng lên Trời của Bình Định cũng lắm điều để kể nhưng xin hẹn lúc khác.
TRẦN ÐĂNG