65 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc
Cuối năm 2019, học sinh miền Nam trên đất Bắc một thời từ khắp mọi miền Tổ quốc bồi hồi hội ngộ nhân Lễ kỷ niệm 65 năm do Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bộ GD&ÐT, UBND TP Hà Nội tổ chức. Ðây là dịp tiếp tục khẳng định tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng, tình cảm cao quý của Ðảng, Nhà nước, Bác Hồ, ngành GD&ÐT đối với con em cán bộ miền Nam.
Đoàn HSMNTĐB tỉnh Bình Định thăm quê ngoại Bác Hồ - làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nhân dịp ra Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường.
NGÔI SAO SÁNG TRONG LỊCH SỬ GIÁO DỤC
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Ngay từ thời điểm này, Đảng và Nhà nước ta với sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc xây dựng chiến lược con người cho mai sau. Cùng với những trường bổ túc công nông dành cho những cán bộ, bộ đội lớn tuổi nhằm nâng cao trình độ văn hóa, Đảng và Bác Hồ còn thành lập cả một hệ thống trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc (HSMNTĐB) để chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước.
Từ năm 1954 đến năm 1975, 28 trường HSMNTĐB đã hình thành đóng trên 10 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Quế Lâm, Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc. Khoảng hơn 32.000 học sinh miền Nam đã được đồng bào miền Bắc đùm bọc, nuôi dưỡng, trưởng thành và đã có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người sau khi rời ghế nhà trường đã trở thành những anh hùng, dũng sĩ, những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội; hoặc tiếp tục học tập trở thành những giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý từ trung ương đến địa phương.
Chia sẻ về trường HSMNTĐB, TS Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Trưởng Ban liên lạc HSMNTĐB tỉnh, hồi tưởng: “Những năm tháng đó, dẫu trường còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò đều hết sức cố gắng, thầy ra thầy, trò ra trò. Giữa những ngôi trường là lán trại tranh nứa tạm bợ, thiếu thốn về các thiết bị, dụng cụ học tập, người thầy hết mình vì học sinh thân yêu, vừa là thầy, cũng là cha, là anh; học trò chăm chỉ học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, kiến thức văn hóa toàn diện. Miền Bắc, dù còn nghèo khổ, lại phải tập trung ưu tiên nhân tài, vật lực cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, nhưng vẫn luôn đùm bọc, nuôi dưỡng các trường học sinh miền Nam”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Trường HSMNTĐB và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ (ngày 8.12.2019, tại Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cũng là cựu HSMNTĐB nhấn mạnh: “Trường HSMNTĐB là một mô hình giáo dục thành công của nền GD&ĐT cách mạng nước ta. Hệ thống các trường HSMNTĐB đã để lại nhiều bài học quý về giáo dục, chăm lo, chuẩn bị nguồn lực con người cho các thế hệ mai sau; nhất là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội và tình thương yêu của người thầy - nhân tố để quyết định dạy tốt, học tốt. Những bài học này gợi mở cách suy nghĩ và cách làm trong quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay”.
XỨNG ĐÁNG LÀ “HẠT GIỐNG ĐỎ”
Những ký ức, kỷ niệm gắn bó với trường HSMNTĐB luôn khắc sâu tâm trí của các cựu học sinh. TS Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, kể lại những ngày đầu tiên: “Năm 8 tuổi, khi đang học lớp 1, tôi nhận được tin về nhà để chuẩn bị đi “tập kết”. Tập kết trong khái niệm của chúng tôi ngày đó là được ra Bắc học tập, được gặp Bác Hồ. Tôi lên đường với hành trang gồm một ruột nghé đựng gạo đầy, một ống giang thịt kho mặn với muối và một ống nước. Cha tiễn tôi từ Hoài Phú vào Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), đưa lên đò, rồi dặn cụ thể phải đi đến đâu, gặp người nào để được ghi danh, được hướng dẫn để vào nhà dân ngủ qua đêm rồi hôm sau tiếp tục đi. Đi bộ khoảng 3 ngày, tôi vào tới Đập Đá, hội ngộ với nhiều bạn khác. Chúng tôi được đi xe vào đến Quy Nhơn. Sau đó, chúng tôi đi tàu đến miền Bắc. Nhân dân miền Bắc đón con em miền Nam trong tình cảm thắm nồng. Đêm đầu tiên ngủ ở lán trại, tôi nhớ cha. Nghe một ông cụ ở lán bên cạnh ho, tôi lần sang, nép vào ông xin ngủ cùng. Ông ôm tôi, vỗ về”.
Ông Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa Bana Kriêm (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) lại nhớ mãi sự đùm bọc của các thầy cô. Ra Bắc ở tuổi 13, ông Danh tự nhận: “Lúc ấy, tôi chưa biết chữ. Các thầy cô và đồng bào miền Bắc đã dạy tôi cái chữ, dạy tôi cách chăm sóc bản thân, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, khi tôi đau ốm. Cũng ở nơi đây, tôi được Bác Hồ đến thăm 3 lần, từng khóc, quên ăn quên uống khi nghe tin Bác mất”.
Bà La Mai Ngọc Bích, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, dành những lời ngắn gọn mà sâu sắc để nói về trường HSMNTĐB: “Hành trình học tập và khôn lớn tại trường HSMNTĐB đã làm thay đổi cuộc đời một con bé mồ côi, không anh em, họ hàng thân thích như tôi. Nếu không ra Bắc, rất có thể, tôi đã chết đói, chết rét hoặc chết trong một làn mưa bom, đạn lạc nào đó. Với tôi, trường HSMNTĐB là nơi tái sinh, cho tôi cơ hội để sống ý nghĩa, có ích cho quê hương, đất nước”.
Trong gian khó, trường HSMNTĐB đã hun đúc, trui rèn thiếu niên, nhi đồng miền Nam thành những thế hệ thanh niên giỏi giang, có lý tưởng trong sáng, vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Theo Ban liên lạc HSMNTĐB tỉnh, có 1.200 con em Bình Định là HSMNTĐB. Những năm 1960, nhiều người trong số họ đã tình nguyện vào Nam tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, giảng dạy tại các vùng giải phóng. Hòa bình, nhiều HSMNTĐB đã trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh, trưởng các sở, ngành, đơn vị. Nhiều đồng chí khác đã cống hiến hết mình với những nhiệm vụ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Trong tâm khảm của HSMNTĐB, lời Bác Hồ căn dặn: “Các cháu là những hạt giống đỏ của đồng bào miền Nam, phải gắng sức học tập cho tốt để sau này về xây dựng quê hương đất nước” luôn thôi thúc họ hành động một cách xứng đáng.
NGUYỄN MUỘI