Nâng cao năng lực công chức cấp xã
Ðội ngũ công chức cấp xã trong tỉnh hiện chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Thực tế đó đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng này.
Đó là nội dung đáng chú ý qua kết quả của nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh “Giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định” do Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Võ Ngọc Anh làm chủ nhiệm.
Thái độ tiếp công dân: 20% “tạm chấp nhận và yếu”
Theo Báo cáo tổng kết nhiệm vụ, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 1.629 công chức cấp xã (CCCX) với 7 chức danh. Trong đó, nhiều nhất là chức danh địa chính - môi trường với 340 người, ít nhất là chức danh trưởng CA xã với 125 người.
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn.
Th.S Nguyễn Thị Thanh Hà - nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu xã hội (thành viên nhóm nghiên cứu), cho biết, để đánh giá thực trạng năng lực thực thi công vụ của đội ngũ CCCX, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 157 lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố, 150 người dân đến liên hệ UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết công việc và 30 phiếu do nghiên cứu viên quan sát tại các xã, phường, thị trấn.
Theo kết quả khảo sát, số CCCX có trình độ chuyên môn phù hợp vị trí việc làm được đánh giá từ mức tốt trở lên chiếm 65%. Tiến độ xử lý công việc kịp thời ở mức tốt chiếm tỷ lệ 55%. Khối lượng công việc hoàn thành được đánh giá ở mức tốt trở lên chiếm tỷ lệ cao - 76%. Chất lượng công việc đáp ứng được yêu cầu đạt mức tốt trở lên chiếm 64%.
Trong khi đó, với tiêu chí thái độ tiếp dân thân thiện, hòa nhã, mức tốt chiếm 69%, rất tốt 11%; nhưng vẫn còn 20% được đánh giá ở mức tạm chấp nhận và yếu.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, khối lượng công việc của CCCX hiện nay khá nhiều, nhưng chế độ lương, thưởng, đãi ngộ ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, động cơ, nhiệt huyết phấn đấu, thời gian dành cho công việc không nhiều dẫn đến việc công chức xử lý công việc qua loa, chưa quan tâm và hiểu rõ nhu cầu của người dân là việc dễ xảy ra.
Xây dựng cơ cấu công chức cấp xã hợp lý
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực thực thi công vụ của CCCX. Trong đó, quan trọng là phải xây dựng cơ cấu công chức cấp xã hợp lý. Về cơ cấu tuổi, cần có các chủ trương, chính sách về việc trẻ hóa đội ngũ công chức, như tuyển sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học tình nguyện về công tác tại xã, bố trí giữ các chức danh công chức ở xã; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để đủ chuẩn theo quy định. Về số lượng, cần phân bổ phù hợp tùy vào điều kiện KT-XH, diện tích và dân số của mỗi xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng và sử dụng CCCX. Tuyển dụng nhất thiết phải dựa trên bản mô tả công việc, vị trí việc làm của từng chức danh. Đảm bảo tính vô tư, khách quan và chính xác, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, năng lực và phẩm chất vào những vị trí nhất định; đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống về phương pháp, cách thức tiến hành tuyển chọn.
Trước khi thực hiện việc tuyển dụng CCCX, cần rà soát công chức hiện có của các xã, tiến hành sắp xếp lại công chức theo yêu cầu về số lượng và chức danh theo quy định. Xác định những chức danh công chức còn thiếu ở các xã và lấy đó làm căn cứ để tuyển dụng. Việc thi tuyển phải được đổi mới, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để tuyển dụng CCCX có trình độ đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, theo TS Võ Ngọc Anh, cần đổi mới phương thức đánh giá, phân loại công chức. Cụ thể, có quy định cụ thể, công bằng, khách quan và tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả đánh giá của từng công chức. Tách bạch giữa kết quả đánh giá cá nhân công chức với kết quả thành tích của tập thể cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, tránh “dĩ hòa vi quý”.
Mỗi CCCX cần lập kế hoạch công tác cá nhân trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị, của địa phương để có cơ sở đánh giá. Sử dụng kết hợp các phương pháp đánh giá khác nhau cho các vị trí việc làm khác nhau. Đưa hoạt động sát hạch, kiểm tra định kỳ CCCX thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong kết quả đánh giá công chức. Kết quả đánh giá công chức hằng năm cần được phân tích, sử dụng làm cơ sở để lựa chọn, sàng lọc, luân chuyển, quy hoạch, định hướng phát triển CCCX.
Cùng với đó là các giải pháp khác như hoàn thiện công tác chuẩn hóa chức danh CCCX; đổi mới và hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CCCX; đổi mới về chính sách tiền lương, phụ cấp công vụ và thu nhập…
Theo ông Ngô Việt Thống, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ), thực hiện đồng bộ các giải pháp được đề xuất từ nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa thiết thực trong thực tế, nhất là trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn đội ngũ CCCX và người hoạt động không chuyên trách hiện nay.
MAI LÂM