Nợ bảo hiểm xã hội:
Bài toán nan giải
Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài, khiến cơ quan BHXH phải đòi nhiều lần và áp dụng nhiều cách cũng không được, đành phải khởi kiện ra tòa. Ngay khi đã thắng kiện vẫn khó thu hồi nợ BHXH của DN; còn người lao động (NLÐ) chịu nhiều thiệt thòi vì quyền lợi bị ảnh hưởng…
DN bỏ rơi quyền lợi người lao động
Theo ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, nguyên nhân nợ BHXH mà các DN thường đưa ra là: Do kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có lãi hoặc hàng hóa không tiêu thụ được. Tuy nhiên, DN nợ BHXH đồng nghĩa với việc DN chiếm đoạt quyền lợi NLĐ. Bởi khi DN nợ BHXH thì các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, BH thất nghiệp… của NLĐ sẽ không được giải quyết các chế độ đó.
Ông Trương Khánh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trương Võ, DN nợ BHXH tỉnh từ tháng 1.2011 đến nay, với số tiền hơn 900 triệu đồng, phân trần: “Chúng tôi không muốn nợ BHXH để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Nhưng hơn 2 năm nay, do tác động cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến việc sản xuất DN bị ngưng trệ do không có đơn đặt hàng dẫn tới nguồn thu sụt giảm và thua lỗ. Đơn vị BHXH tỉnh cần tạo điều kiện cho DN, để chúng tôi tháo gỡ khó khăn, trả nợ từng bước...”.
Ông Huỳnh Đức Hùng, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh, thì cho rằng: “DN làm ăn thua lỗ nên việc đóng BHXH chậm trễ còn có thể thông cảm được. Đáng nói hơn, có nhiều DN ăn nên làm ra nhưng vẫn cố tình chây ỳ không đóng BH theo đúng quy định. Hằng tháng cán bộ thu BHXH đơn vị thường xuyên tổ chức đối thoại với DN và đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định pháp luật về BHXH… nhưng có nhiều DN làm ăn có hiệu quả vẫn cố tình phớt lờ”.
Từ ngày 10.10.2013, theo quy định tại Nghị định 95/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH với hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng hơn so với mức cũ, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các DN, nhất là đối với những DN có số nợ lên con số tiền tỉ.
Cơ quan thu BHXH “đau đầu”
Theo chương 2, điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội của Quốc hội số 71/2006/QH11 ban hành ngày 29.6.2006 quy định: Người sử dụng lao động có các trách nhiệm đóng BHXH theo quy định tại Điều 92 và hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; bảo quản sổ BHXH của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; trả sổ BHXH cho người lao động khi người đó không còn làm việc. Đồng thời, lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH; trả trợ cấp BHXH cho người lao động…
Tính đến ngày 31.10.2013, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT (bao gồm cả BH thất nghiệp) trên địa bàn tỉnh là hơn 132 tỉ đồng. Số nợ đọng BHXH lớn, kéo dài buộc BHXH tỉnh phải kiện ra tòa cũng gia tăng đáng kể. Nếu năm 2012, khởi kiện 4 DN thì trong 10 tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh đã chính thức gửi đơn khởi kiện 7 DN tại TAND TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, nhiều DN sau khi BHXH tỉnh khởi kiện ra tòa hoặc không thi hành, hoặc thi hành theo kiểu nhỏ giọt và tiếp tục nợ. Điển hình như Xí nghiệp Tư doanh Nam Bình, bị khởi kiện tháng 7.2013 với số tiền nợ 200 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn tiếp tục nợ với số tiền lớn hơn gấp đôi: 476 triệu đồng. Thậm chí có DN nợ đọng BHXH đến 800 triệu đồng, sau khi có bản án nhiều tháng qua DN này chỉ trả được 10 triệu đồng (!) Đã có trường hợp, tòa xét xử xong, đến khi thi hành án thì cơ quan thi hành án trả lại hồ sơ vì DN này không còn khả năng chi trả. Ngoài ra, do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế hoặc cố tình không đóng hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.
Mặt khác, có rất nhiều DN gần như chấp nhận chịu trả lãi suất chậm, hơn là phải nộp BHXH. Khi cơ quan chức năng tới kiểm tra, thanh tra, xử phạt có nhiều DN lại đối phó trả nợ theo kiểu nhỏ giọt, rồi lại tiếp tục nợ. Các DN nợ BHXH sẽ được tính lãi chậm nộp là 11,86 %/năm, BHYT 9%/năm; số lãi này vẫn thấp hơn nhiều so với mức lãi của ngân hàng trước đây.
Việc nhiều DN còn nợ đóng BHXH, BHYT là không chỉ vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ và công tác quản lý thu, chi của cơ quan BHXH. Nếu không tìm cách tháo gỡ, thu nợ BHXH thì NLĐ sẽ rất thiệt thòi.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI
Khởi kiện nhiều DN ra tòa
Trong 10 tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh đã chính thức gửi đơn cho TAND TP Quy Nhơn khởi kiện 7 DN nợ BHXH, với số nợ lớn và kéo dài: Công ty Cổ phần dịch vụ các khu công nghiệp Bình Định, Xí nghiệp Tư doanh Nam Bình, Công ty TNHH Hoàng Phát, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trương Võ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phước, Chi nhánh Công ty TNHH MTV 508 tại miền Trung, Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất Khải Vy Quy Nhơn. Hiện đơn vị BHXH tỉnh đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đưa một số DN vi phạm chính sách BHXH ra tòa như Công ty TNHH Như Ý, Công ty TNHH Trí Tín và Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường.