Tăng cường truyền thông về lợi ích của tiêm chủng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, ước thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2019 chỉ đạt 90%. Nguyên nhân là người dân lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng, nên tỷ lệ tiêm các loại vắc xin tiêm chủng mở rộng có xu hướng giảm.
Giảm độ bao phủ tiêm chủng
Tháng 12.2019, trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) dành cho trẻ đang học lớp 2 và trẻ 7 tuổi không đi học, toàn tỉnh có 27.749 trẻ được tiêm vắc xin, đạt 96,27%. Chiến dịch nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh uốn ván, bạch hầu, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh này. Trong số 1.074 trẻ toàn tỉnh chưa được tiêm vắc xin Td, chỉ có 33 trường hợp chống chỉ định, 202 trường hợp tạm hoãn; đáng chú ý có 839 trường hợp gia đình không đồng ý tiêm, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn (559) và hai huyện: Phù Mỹ (234), Hoài Nhơn (42).
Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td tại Trường Tiểu học Ngô Mây (Quy Nhơn).
Ông Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT TP Quy Nhơn, cho hay, có 5.307 trẻ được tiêm, đạt 89,25%. Dù ngành Y tế và GD&ĐT thành phố đã phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền vận động, nhưng con số 559 trẻ chưa tiêm do gia đình không đồng ý là khá cao. Hiện, thành phố vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vét để tránh bỏ sót đối tượng.
Không riêng chiến dịch tiêm bổ sung Td, theo ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, độ bao phủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, Hib) năm 2019 giảm so với năm 2018 và không đạt mục tiêu 98% như kế hoạch của tỉnh. Vấn đề bắt đầu từ cuối năm 2018, khi đưa vắc xin ComBE Five vào thay thế vắc xin Quinvaxem để phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) cho trẻ. Trong quá trình triển khai, đã xảy ra một số trường hợp phản ứng sau tiêm, khiến tỷ lệ tiêm vắc xin ComBE Five đạt thấp. Dù đến tháng 8.2019, tỉnh đã chuyển đổi sang vắc xin SII, nhưng không riêng gì vắc xin 5 trong 1, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
“Cũng giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào sau khi tiêm lại tuyệt đối không có phản ứng nào. Nhưng khi dư luận về phản ứng tiêm vắc xin lên quá cao, không riêng người dân bất an mà cả nhân viên y tế cũng siết chặt hơn chỉ định tiêm, điều này cũng khiến tỷ lệ trẻ được tiêm chủng giảm thấp”, ông Lân cho hay.
Chú trọng quản lý trẻ diện tiêm chủng
Thực tế đã chứng minh, năm nào tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp là năm đó dịch bệnh tăng cao. Ông Bùi Ngọc Lân cho biết, việc tiêm chủng đạt tỷ lệ thấp hoặc không tiêm chủng sẽ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. “Hàng rào” miễn dịch sẽ bị phá vỡ, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan rộng. Trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm chủng dễ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Ngoài ra, những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ, có thể quay trở lại. Ngay tại Bình Định, năm 2019 cũng ghi nhận bệnh ho gà quay trở lại sau nhiều năm vắng bóng, với 5 trường hợp mắc bệnh; trong khi đó, số ca bệnh sởi cũng gia tăng với gần 20 trường hợp...
Trước thực trạng này, mục tiêu trong năm 2020 là phải bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; độ bao phủ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 98%, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng của mỗi trẻ em... Cùng với đó, triển khai các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella, bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ ở vùng nguy cơ cao.
Giải pháp quan trọng là tăng cường các khâu giám sát chặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng, không để xảy ra sai sót trong thực hiện tiêm chủng; giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích của tiêm chủng và những hệ lụy xảy ra khi không thực hiện tiêm chủng cho trẻ...
Để khắc phục và hướng đến mục tiêu tất cả trẻ em sinh sống trên địa bàn tỉnh đều được tiêm chủng đầy đủ, ông Bùi Ngọc Lân khẳng định, vấn đề rất khó hiện nay là phải quản lý đối tượng tiêm chủng, hạn chế tình trạng bỏ sót. Muốn vậy, ngoài ngành Y tế, cần phải có sự tham gia của các ngành, địa phương. Hàng tháng, phối hợp rà soát trẻ để tổ chức tiêm bù, tiêm vét, chú trọng những địa bàn khó khăn, không bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng.
THU HIỀN