Những “sứ giả” làm bền chặt tình bạn Việt - Hàn
Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại Bình Ðịnh không đo đếm bằng những con số thô cứng mà khởi nguồn từ những câu chuyện, những con người, những hành động được ví như “sứ giả” của tình bạn.
VESAMO cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin tỉnh tặng nhà cho nạn nhân da cam huyện Vĩnh Thạnh.
LỜI HỨA QUAY LẠI
Sau 2 năm hoạt động tình nguyện tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tháng 11.2019, chị Lee Munjoung (51 tuổi) trở về Hàn Quốc trong vương vấn, xúc động. Đầu tháng 12.2019, tình nguyện viên Han Gyuhee (26 tuổi) cũng tạm biệt các thầy cô giáo, học trò khuyết tật tại đây để về nước. Trước khi rời Việt Nam, Han Gyuhee nói với tôi rằng: “Em sẽ quay lại vào năm 2020. Em đã xin được việc làm tại Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA tại Việt Nam (đóng chân tại TP Hà Nội). Ở đây, em sẽ tiếp tục đồng hành với các dự án hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc với Việt Nam; có cơ hội trợ giúp các tình nguyện viên Hàn Quốc sang tình nguyện tại Việt Nam như em thời gian qua”.
Trong lời kể của Han Gyuhee, tôi đọc được bao háo hức, niềm vui bởi sẽ được tái hợp một lần nữa với mảnh đất và công việc mà cô yêu quý; giống hệt như lần đầu tôi gặp cô khi đang tất bật hỗ trợ cho học sinh khiếm thính trong nhà ăn, hoặc vui vẻ trong giờ giao lưu văn hóa mỗi tuần. Han cũng chính là người kết nối và hỗ trợ đoàn sinh viên Hàn Quốc thuộc tổ chức Korean University Council for Social Service (KUCSS - Ủy ban Ðại học Hàn Quốc hỗ trợ xã hội) trong chuyến thiện nguyện tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2019.
Nếu Han trẻ trung, năng động, tươi mới thì chị Lee lại gần gũi, ấm áp. Khó khăn về ngôn ngữ, môi trường mới không làm người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần mất đi nhiệt tình. Trong thời gian hoạt động tình nguyện tại Trường Chuyên biệt Hy vọng, chị và chồng đã tặng học bổng cho 2 học trò, hỗ trợ 2 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 3 triệu đồng/tháng. Chị cũng đã thuyết phục được KOICA kết nối, tài trợ máy tính bàn và thiết bị, đồ dùng dạy âm nhạc cho học sinh khuyết tật.
Trẻ khuyết tật Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn hào hứng trong giờ học nhạc với các nhạc cụ, thiết bị do tổ chức KOICA tài trợ.
Phòng học nhạc của Trường Chuyên biệt Hy vọng là một trong những nơi được học trò khuyết tật háo hức nhất. Nơi đó, năm học 2019 - 2020 vừa được trang bị thêm 11 cây đàn organ cho học sinh, và nhiều nhạc cụ cầm tay như chập cheng, trống lắc tay, bộ gõ... từ tổ chức KOICA. Cô giáo dạy nhạc Nguyễn Thị Thành tâm sự: “Mọi người cứ đặt câu hỏi: Trẻ khuyết tật, nhất là trẻ khiếm thính, học nhạc để làm gì? Thật ra, chúng tôi dạy nhạc cho các em không phải để các em hát thật hay, đàn thật giỏi, múa thật đẹp. Mục đích của dạy nhạc là giúp các em hình thành ý thức về nhịp điệu, phát triển cảm xúc, mở rộng các giác quan, từ đó giúp các em thêm tươi vui, mạnh dạn trong giao tiếp. Từ lúc các thiết bị, dụng cụ mới thay thế cho đồ dùng đã cũ, học trò hứng khởi hơn, tiết học nhiều màu sắc hơn”.
Trước những kết quả tích cực từ việc hợp tác giữa giáo viên nhà trường và tình nguyện viên Hàn Quốc trong nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh, ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, cho biết: Trường sẽ tiếp tục tiếp nhận 1 tình nguyện viên mới do KOICA phái cử sau khi hai tình nguyện viên trước kết thúc hoạt động tại trường.
VÒNG TAY TÌNH BẠN
Cuối tháng 6.2019, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin tỉnh đã phối hợp với Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO) thực hiện chuyến thăm và tặng 45 suất quà, hỗ trợ xây nhà cho nạn nhân da cam, hỗ trợ 1.000 USD và 2 xe lăn cho Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh (cơ sở 2). Tổng giá trị quà tặng tương đương 200 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã tiếp đoàn và cảm ơn tình cảm đẹp đoàn dành cho Bình Định.
Ông Chang Ho Ick, Chủ tịch VESAMO, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng việc làm của mình sẽ xoa dịu vết thương chiến tranh trong mỗi nạn nhân trên mảnh đất Bình Định. Mừng thay, trong chuyến đi lần này, rất nhiều nạn nhân da cam đã dành cho chúng tôi cái ôm, cái bắt tay của tình bạn”.
Chị Lee Munjoung và Han Gyuhee bên học trò khuyết tật trong những ngày hoạt động tình nguyện tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn.
Từ ngày 29.7 đến ngày 9.8.2019, đoàn sinh viên Hàn Quốc thuộc tổ chức KUCSS đã triển khai nhiều hoạt động tình nguyện tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Các hoạt động chính gồm: Trao đổi phương pháp giáo dục chuyên biệt, hoạt động thể dục, vui chơi ngoài trời, hoạt động âm nhạc, hoạt động mỹ thuật... cho học sinh khuyết tật; sơn tường, bảo dưỡng cơ sở vật chất; giao lưu văn hóa. Lễ hội văn hóa Hàn - Việt diễn ra trong đêm cuối cùng của chuyến thiện nguyện với sắc màu, âm thanh phong phú. Ở đó, mỗi sinh viên Hàn Quốc, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, mỗi học sinh khuyết tật trở thành một “sứ giả” truyền thông điệp về tình bạn quốc tế vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ.
Và, không thể không kể đến những tình bạn bền chặt khác. Đó là câu chuyện yêu thương tiếp nối từ gia đình bà Lim Hye Kung (68 tuổi), vợ của ông Lee Woo Seok - một người Hàn Quốc gắn bó với Bình Định từ năm 2013 đến năm 2016. Năm 2017, ông qua đời, gia đình ông tiếp tục hành trình đưa quà, học bổng về với người nghèo, học sinh nghèo. Là quan hệ hợp tác lâu dài, sâu sắc giữa TP Quy Nhơn và quận Yongsan, TP Seoul, Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, xúc tiến đầu tư, du lịch, trao đổi cán bộ song phương…
AN PHƯƠNG