Di tích thành Hoàng Ðế sau 6 lần khai quật:
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Từ năm 2005- 2013, đã có đến 6 cuộc khai quật khảo cổ học tại khu vực thành Hoàng Ðế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Thế nhưng, vẫn còn nhiều việc cần làm đối với di tích quan trọng này.
Cần tiếp tục khai quật
Các cuộc khai quật đều hướng đến mục tiêu chung là làm cơ sở khoa học phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế gắn liền với việc tôn vinh thời Tây Sơn. Tuy nhiên, kết quả khai quật chỉ phát hiện được một số dấu tích kiến trúc như thủy hồ, cung quyền bỗng, bờ tường Tử Cấm Thành, dấu tích nền cung cũ, hậu cung cũ, đàn Nam Giao….Trong cuộc khai quật di tích thành Hoàng Đế lần thứ 6 vừa qua tại khu vực phía đông bên ngoài Tử Cấm Thành, dấu tích kiến trúc thời Tây Sơn không còn tìm thấy ngoài mảnh vỡ của một vài loại ngói.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, đoàn khai quật đã thử tiến hành đào thám sát thêm tại một địa điểm nằm ở phía Bắc khu vực nền cung cũ (ngoài khu vực dự kiến khai quật), và đã phát hiện một kiến trúc có dạng hình chữ nhật được làm bằng hợp chất như thủy hồ trong khu vực Tử Cấm Thành. Điều này cho thấy vẫn còn có nhiều khả năng tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Tây Sơn trong khu vực thành Hoàng Đế. Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích tỉnh, cho rằng: “Những phát hiện được qua 6 lần khai quật còn quá ít ỏi, nên rất khó hình dung về một kinh đô hoành tráng thời Tây Sơn. Do đó, cần phải tổ chức thêm nhiều cuộc khai quật khảo cổ, nghiên cứu sâu hơn về nhiều di tích gốc thời Tây Sơn”.
Nhiều nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến di tích thành Hoàng Đế cũng cùng chung mong muốn bên cạnh việc tập trung khai quật khảo cổ học các di tích thời Tây Sơn, nên quan tâm tổ chức khai quật khảo cổ để nghiên cứu thêm về những công trình kiến trúc Chămpa thời kinh đô Đồ Bàn. Điều này sẽ tôn vinh giá trị đặc biệt cho vùng đất di tích đã hai lần là kinh đô ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau. PGS.TS Bùi Chí Hoàng, người chủ trì đợt khai quật di tích thành Hoàng Đế lần thứ 6- 2013, đề nghị: “Trước khi công trình đền thờ Hoàng đế Thái Đức- Nguyễn Nhạc được xây dựng tại khu vực vừa khai quật, cần tiếp tục khai quật thêm tại những khu vực còn tích tụ văn hóa nằm ở lớp dưới thuộc văn hóa Chămpa, như khu vực có mương dẫn nước và có nhiều vật dụng sinh hoạt thời Chămpa ở các hố khai quật”.
Tổ chức hội thảo để đánh giá khoa học và toàn diện
Theo các nhà nghiên cứu, trong các kết quả khai quật thành Hoàng Đế đưa ra vẫn còn một số kết quả chưa thực sự thuyết phục và đầy đủ chứng cứ khoa học. Chẳng hạn, không gian và cấu trúc của thành Hoàng Đế hiện nay có rất nhiều ý kiến chưa đồng tình, kiến trúc hậu cung và nền cung cũ trong đợt khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam đưa ra cũng chưa đầy đủ cơ sở khoa học để thuyết phục… Ông Nguyễn Thanh Quang đề xuất: “Chúng ta cần tổ chức một hội thảo về di tích thành Hoàng Đế để thẩm định lại những kết quả khảo cổ học đã được công bố trong các đợt khai quật những năm qua”.
UBND tỉnh đã có tờ trình với Bộ VH-TT&DL về chủ trương tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ trình Bộ đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho toàn bộ di tích liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn và thân thế sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ trên quê hương Bình Định. Điều này, theo tham khảo ý kiến của các các giáo sư và nhà sử học uy tín trong nước, sẽ thành hiện thực nếu tập trung nghiên cứu một cách sâu hơn về di tích. PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, đánh giá: “Tuy đã bị phá vỡ cấu trúc và còn nhiều vấn đề chưa giải quyết ở khu vực di tích này, nhưng việc nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học và toàn diện những giá trị độc đáo của thành Hoàng Đế sẽ là rất quan trọng trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận hệ thống di tích Tây Sơn ở Bình Định là di tích quốc gia đặc biệt”.
Từ sự thỏa thuận với Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh đã đưa ra chủ trương lập quy hoạch xây dựng đền thờ Hoàng đế Thái Đức- Nguyễn Nhạc, gồm nhiều công trình đền thờ chính, nhà tả vu, nhà hữu vu, hòn giả sơn, sân hành lễ… Do đó, cũng cần có thêm những ý kiến khoa học và đa chiều để xây dựng đền thờ phù hợp, kết hợp hài hòa và phát huy giá trị tổng thể các văn hóa khác thời Chămpa, nhà Nguyễn ở khu vực di tích. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức hội thảo về di tích thành Hoàng Đế. Hội thảo này là hết sức cần thiết để có được những đánh giá khoa học, góp ý của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong nước về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó có việc xây dựng đền thờ Hoàng đế Thái Đức- Nguyễn Nhạc”.
Hoài Thu