Nhớ Tết độc lập đầu tiên năm 1976
Vậy là 44 cái Tết đã qua từ ngày giải phóng. Với nhiều người từng sống, chiến đấu và chứng kiến thời khắc hòa bình làm sao quên được niềm vui Tết độc lập đầu tiên năm 1976 - Tết Nguyên đán Bính Thìn. Ðó là cái Tết hai miền Nam - Bắc được sum vầy trong độc lập, tự do, các gia đình đoàn tụ sau bao năm ly tán.
Ông Phan Văn Hội nói rằng, sau khi đón Tết đầu tiên năm 1976 tại Quy Nhơn, ông đã quyết định gắn bó với mảnh đất này đến nay.
NAM - BẮC SUM VẦY
Những người từng sống, chiến đấu và đón Tết Bính Thìn năm 1976 đều cho rằng đó là cái Tết đặc biệt, khi một sinh khí mới bừng dậy khắp nơi, từ đô thị cho đến những vùng nông thôn, đồng bào ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì được sống trong hòa bình, không còn cảnh chết chóc, đau thương bởi chiến tranh.
Khi nghe nhắc về cái Tết năm 1976, ký ức như hiện về với CCB Phan Văn Hội (73 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Ông nói trong niềm xúc động: “Đó là ký ức mà tôi nhớ mãi. Bởi trước đó, người lính chúng tôi đón không biết bao nhiêu cái Tết ở chiến khu, chiến trường, ở rừng rú, thậm chí trong tù của địch nên cái Tết năm 1976, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới hơn nửa năm thật sự đặc biệt, ý nghĩa và vui mừng khôn xiết”.
Ông Hội quê ở Hà Tĩnh. Năm 1965, ông được cấp trên đưa vào Bình Định hoạt động và sau đó biên chế vào Sư đoàn 3 Sao Vàng. Sau nhiều năm chiến đấu trên mảnh đất Bình Định và bị địch bắt đưa ra Phú Quốc, miền Nam giải phóng ông mới được giải thoát. Tháng 5.1975, ông tham gia đoàn công tác về tiếp quản Quy Nhơn, rồi duyên nợ gắn bó cuộc đời ông với mảnh đất này đến 55 năm. Ông Hội tâm sự: Về tiếp quản và đón cái Tết đầu tiên năm 1976 tại Quy Nhơn, đến năm 1977 tôi mới được cấp trên cho về phép thăm gia đình và cưới vợ. Lập gia đình xong mọi người khuyên tôi chuyển công tác về Hà Tĩnh nhưng tôi còn nợ mảnh đất này quá nhiều. Bao nhiêu năm sống, chiến đấu, tôi được các mẹ, các chị ở Hoài Ân, Hoài Nhơn đùm bọc, che chở. Ân tình đó tôi không biết làm sao trả hết được nên quyết định đưa vợ vào Quy Nhơn sinh sống, công tác”.
“Cái Tết năm 1976 cũng là cái Tết đầu tiên Bình Định và Quảng Ngãi sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt, tỉnh lại bước vào giai đoạn mới. Một thử thách không nhỏ với cán bộ, đảng viên là phải tập trung cho sự nghiệp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương. Trong đội hình của một tỉnh Nghĩa Bình hợp nhất, thuận lợi cơ bản là hai tỉnh có truyền thống cách mạng và mối quan hệ gắn bó thủy chung. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực thực phẩm cho nhân dân; làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích lũy vốn cho phát triển KT-XH trong tỉnh, cải tạo và phát triển văn hóa - xã hội. Đồng thời xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới”, ông Hội nhớ lại.
Còn ông Nguyễn Văn Minh (69 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), nguyên Chính trị viên phó Huyện đội Phù Mỹ (giai đoạn 1974 - 1976) thì tự hào nói: “Đó là cái Tết vui nhất của những người từng sống qua thời chiến tranh khói lửa. Tết năm 1976 là một cái Tết hòa bình. Không còn chiến tranh, không còn tiếng súng, Bắc - Nam sum họp một nhà”.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Khắc Minh và bà Trần Thị Châu xem lại hình ảnh của gia đình khi đón Tết năm 1976.
GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ
Đã 44 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Khắc Minh (74 tuổi) và bà Trần Thị Châu (68 tuổi) ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, vẫn nhớ như in những hình ảnh lần đầu tiên được đón Tết độc lập, gia đình đoàn tụ sau bao năm chiến tranh xa cách. Lật lại album ảnh của gia đình và đồng đội chụp sau ngày đất nước mới giải phóng, ông Minh hồi tưởng: Hơn 10 năm tham gia chiến đấu, đón Tết ở chiến trường, Tết năm 1976 tôi được nghỉ phép 7 ngày về đón Tết cùng vợ con. Tết này, tôi vô cùng hạnh phúc, bởi vợ chồng vừa chào đón thành viên mới của gia đình được 3 tháng tuổi. Tôi tranh thủ những ngày phép ngắn ngủi sum vầy cùng vợ và con trai đầu lòng rồi trở lại đơn vị tham gia khôi phục lại đường sắt Bắc - Nam sau chiến tranh”.
Bà Châu góp vào câu chuyện của chồng: “Tết năm 1976, bà con dù còn nghèo cũng cố mua được dây pháo đốt mừng, còn cờ phướn thì rợp trời. Nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ, vài câu đối đỏ. Bà con không còn cảnh ăn Tết trong hầm, canh cánh nỗi lo bom rung, đạn dập. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, chúc tụng hỏi han thân mật, xua tan cảnh khổ đau của những năm tháng đất nước chia cắt”.
Những ngày xuân đó, vẫn còn nhiều gia đình đau đáu tìm nhau, bặt tin nhau, nhiều liệt sĩ hy sinh chưa tìm thấy hài cốt, nhưng mọi người đều gác niềm riêng tập trung tái thiết quê hương, đất nước sau bao năm chiến tranh tàn phá. Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Gia đình tôi có 10 anh em, trong đó có 6 người tham gia cách mạng. Kết thúc chiến tranh có 4 người hy sinh. Dù chịu nhiều mất mát nhưng cái Tết năm 1976, gia đình được đón một người anh 16 năm lưu lạc lên Tây Nguyên làm ăn đã bặt vô âm tín; một người anh khác tập kết ra Bắc mất liên lạc cũng đã dẫn vợ con về đón Tết cùng gia đình”.
Tết Bính Thìn năm 1976 là cái Tết đầu tiên không còn khói lửa đạn bom. Đó cũng là mùa xuân khép lại quá khứ đau thương, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Tròn 44 mùa xuân thanh bình, người dân vẫn chưa quên niềm vui hạnh phúc trong cái Tết đầu tiên Nam - Bắc sum vầy, gia đình đoàn tụ.
NGUYỄN PHÚC