Du lịch cộng đồng làng chài ven biển Quy Nhơn: Thân thiện và bền vững
Sở Du lịch phối hợp với UBND TP Quy Nhơn và các địa phương từng bước hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng bền vững, thu hút du khách theo định hướng thương hiệu “Du lịch cộng đồng làng chài ven biển Quy Nhơn” với sự hài hòa giữa các yếu tố “bản sắc văn hóa - sạch - đẹp”.
Một góc làng chài Nhơn Lý.
Định vị thương hiệu
Hàng năm, TP Quy Nhơn đón hơn 2,5 triệu lượt khách. Đây là một con số khá lớn song số ngày lưu trú lại chưa cao. Nguyên nhân đã được chỉ ra là sản phẩm du lịch Quy Nhơn thiếu đặc sắc, thiếu trải nghiệm. Để thúc đẩy phát triển, ngành Du lịch tỉnh phối hợp với UBND TP Quy Nhơn xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở các làng chài ven biển. Và Đề án “Phát triển DLCĐ tại thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng), TP Quy Nhơn đến năm 2025” chính thức được UBND tỉnh phê duyệt.
Về việc lựa chọn 2 địa phương này để triển khai mô hình DLCĐ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Thị Vinh Hương, chia sẻ, muốn làm DLCĐ thì vùng đất đó phải có bản sắc văn hóa độc đáo, đây là nền tảng cốt lõi. Ta không thể áp dụng mô hình DLCĐ ở địa phương này vào địa phương khác, bởi lẽ mỗi vùng, miền, địa phương lại có những nét độc đáo riêng. Trước khi chọn thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Sở Du lịch đã khảo sát thực tế, đánh giá tổng quan về tiềm năng phát triển du lịch; hạ tầng dịch vụ. Và điểm then chốt là sự chủ động của người dân trong việc phát triển DLCĐ ở địa phương.
Có sức hút từ vẻ đẹp của làng chài tương tự các làng chài duyên hải Nam Trung bộ nhưng nét khác là làng chài Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) có một số đặc trưng kiến trúc riêng có, nhờ vậy Nhơn Lý nổi lên như một điểm du lịch hút khách bậc nhất ở Bình Định. Để Nhơn Lý phát triển bền vững, cùng với yếu tố thân thiện, DLCĐ là lựa chọn phù hợp. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn Nhơn Lý phát triển “nóng” về du lịch. Việc người dân tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp trong hoạt động phục vụ du lịch dẫn đến việc xuất hiện tình trạng bát nháo. Do đó, với việc đề án được UBND tỉnh phê duyệt, UBND xã Nhơn Lý sẽ phối hợp với các sở, ngành để triển khai kế hoạch cụ thể; đồng thời hướng dẫn cho cộng đồng chung tay xây dựng và phát triển DLCĐ ở địa phương tốt hơn.
Hỗ trợ người dân để phát triển
Bà Lê Thị Vinh Hương chia sẻ, với Đề án đã được phê duyệt, sự chung tay của chính quyền các cấp, thời gian tới, mô hình DLCĐ làng chài ven biển Quy Nhơn sẽ đem tới cho du khách trải nghiệm đúng nghĩa của DLCĐ trong hoạt động lưu trú, sinh hoạt và tham gia với các hoạt động kinh tế của người dân ở làng chài. Do đó, phát triển DLCĐ làng chài ven biển Quy Nhơn phải đặt người dân - chủ thể của làng chài này trong sự phát triển của du lịch. Đặt người dân vào vị trí là người chủ động, liên kết để phát triển du lịch; chính quyền địa phương giữ vai trò quản lý nhà nước, khi đó DLCĐ mới thực sự mang yếu tố cộng đồng đúng nghĩa.
Đánh giá về tiềm năng du lịch của làng chài ven biển Quy Nhơn, cụ thể là làng chài Nhơn Lý, GS Simon Milne, Giám đốc Viện nghiên cứu du lịch New Zealand nhận định, phát triển du lịch ở Nhơn Lý phải hài hòa giữa yếu tố đời sống văn hóa và nhịp sống kinh tế của cộng đồng nơi đây. Chọn giải pháp phát triển hài hòa gắn với việc giữ gìn vẻ đẹp của làng chài, tài nguyên biển. “Tôi rất thắc mắc, hoạt động du lịch lặn ngắm san hô sẽ tác động lên hệ sinh thái biển rất lớn. Nhưng, tôi thấy dịch vụ này ở Nhơn Lý phát triển quá ồ ạt, chi phí dịch vụ quá rẻ. Điều này sẽ gây tổn hại rất lớn đến tài nguyên dưới đáy biển. Mà các bạn muốn phát triển du lịch nơi này thì phải giữ gìn tất cả các giá trị về lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên”, GS Simon Milne, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng VH-TT, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, sắp tới UBND TP Quy Nhơn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đề án triển khai có hiệu quả. Đề nghị 2 địa phương là chủ thể đề án phải tích cực triển khai, truyền thông để người dân cùng nắm bắt, thực hiện tốt đề án nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
THU DỊU