Noi gương Bác, làm việc tốt
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Báo Bình Ðịnh Xuân Canh Tý - 2020 xin giới thiệu 4 điển hình đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng biểu dương, khen thưởng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: VĂN LƯU
Làm hết việc chứ không hết giờ
Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã có nhiều hành động, việc làm thiết thực theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và tô thắm hơn hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Trong số những điển hình tiêu biểu, không thể không nhắc đến tấm gương của đại úy Hồ Văn Hiểu, Đại đội trưởng Đại đội Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh).
Nguyên tắc làm việc của đại úy Hồ Văn Hiểu “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Là đơn vị nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng công trình chiến đấu, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; công việc có tính chất đặc thù nguy hiểm nhưng đại úy Hồ Văn Hiểu luôn cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi nhận nhiệm vụ, anh tìm hiểu thật kỹ, đề ra phương hướng giải quyết và các biện pháp cụ thể; đồng thời tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng các cấp và tham khảo kinh nghiệm của anh em trong đơn vị. Anh luôn tuân thủ nguyên tắc “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Đại úy Hồ Văn Hiểu cho hay: Khi được giao nhiệm vụ, tôi cùng anh em trong đơn vị tìm mọi biện pháp để chỉ đạo ngắn gọn, dễ hiểu, hướng dẫn các động tác kỹ thuật cơ bản trong thi công. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ đã thành thạo công tác đào, khoan đá nổ mìn, gia công lắp dựng cốp pha, cốt thép, đổ bê tông bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngoài việc thi công các công trình, thời gian qua, anh cùng đồng đội tổ chức dò tìm, thu gom và xử lý hàng tấn bom, mìn, vật nổ còn tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, góp phần giải phóng hàng chục hecta đất sạch để phát triển KT-XH và đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Gieo mầm ở vùng cao
Mang cái chữ đến với trẻ em vùng cao chưa bao giờ dễ dàng đối với những thầy, cô giáo. Nếu không có tình yêu nghề tha thiết, tình cảm với trẻ em vùng khó khăn thì các giáo viên không thể bám trường, bám lớp. Những năm qua, các cô giáo ở Trường Mẫu giáo xã Bók Tới (huyện Hoài Ân) đã vượt khó, luôn cố gắng, tận tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.
Giáo viên Trường Mẫu giáo xã Bók Tới giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động học tập.
Năm học 2019 - 2020, Trường Mẫu giáo xã Bok Tới có 10 lớp với 244 cháu, trong đó có 240 cháu người dân tộc thiểu số. Trường ở vùng cao, còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, nhà trường luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học xanh” gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đồng thời lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động học tập, vui chơi. Tranh thủ các nguồn lực, nhà trường cũng đầu tư sân chơi, xây dựng vườn hoa, vườn cây thuốc Nam, vườn rau của bé, trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp, môi trường tốt cho trẻ hoạt động hàng ngày. Các giáo viên của trường tích cực làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, đổi mới phương pháp giảng dạy, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ trong giờ học. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên trao đổi trực tiếp với phụ huynh về các biện pháp chăm sóc trẻ, nhất là những trẻ suy dinh dưỡng. Giáo viên thường xuyên cân đo sự tăng trưởng của trẻ và kịp thời thông báo phụ huynh cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức nuôi con khoa học, nhằm hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Nhờ vậy mà chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từng bước được nâng cao.
Cô giáo Phan Huỳnh Phương Thoa chia sẻ, trường ở vùng cao, các cháu hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học cho trẻ khá vất vả. Việc soạn giáo án và truyền đạt cho các cháu phải phù hợp thì các cháu mới có thể hiểu được. Không những thế, do các cháu còn nhỏ, biết tiếng phổ thông chưa nhiều, nên trong lúc giảng dạy cô giáo phải vừa nói tiếng phổ thông, vừa nói tiếng dân tộc thiểu số; đồng thời, vừa nói vừa làm thì trẻ mới hiểu và cùng làm theo.
Cô Huỳnh Thị Lợt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Bók Tới, cho biết dù việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu ở vùng cao rất vất vả nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn cố gắng để các cháu không bị thua kém so với học sinh ở miền xuôi.
Gương mẫu đi đầu
Ông Nguyễn Văn Thạnh (60 tuổi), hội viên Chi hội nông dân thôn Hội Phú (xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn) đã làm theo lời Bác bằng việc gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Thực hiện chủ trương “Vận động hội viên nông dân hiến đất, hiến cây cối, đóng góp tiền và ngày công tham gia xây dựng đường bê tông nông thôn” của Hội Nông dân xã, ông Thạnh đóng góp hơn 10 triệu đồng, hiến 100 m2 đất, hàng chục cây dừa, ủng hộ 10 xe đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn. Ông cũng là người tích cực ủng hộ Quỹ vì người nghèo của xã 5 triệu đồng, hỗ trợ 5 triệu đồng xây dựng Quỹ hội nông dân.
Ông cũng là người đi đầu trong công tác vận động hội viên nông dân xây dựng hố xử lý rác thải ở hộ gia đình, từ đó triển khai rộng khắp đến 7 tổ dân cư trong toàn thôn. Đến nay, thôn có 65 hố xử lý rác thải ngoài đồng, 815 hố xử lý rác thải gia đình, qua đó giải quyết triệt để tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, ông Thạnh còn đi đầu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Ông Thạnh cho biết: “Nhiều chương trình, phong trào khi mới triển khai, các hộ dân còn chần chừ. Thấy vậy, gia đình tôi gương mẫu thực hiện trước, lúc đó các hộ mới bắt chước làm theo”.
Xung kích xây dựng quê hương
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên xã Tây Thuận (Tây Sơn) đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện và trưởng thành, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng phát triển KT-XH trên địa bàn xã.
ĐVTN xã Tây Thuận tham gia làm đường bê tông nông thôn.
Đoàn xã Tây Thuận hiện có 168 ĐVTN, sinh hoạt ở 6 chi đoàn, trong đó có 4 chi đoàn nông thôn và 2 chi đoàn trực thuộc. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đoàn xã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để triển khai đến các chi đoàn và ĐVTN; đề ra những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Đặc biệt, thời gian qua Đoàn xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Tây Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới”, hưởng ứng phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” huy động 100% ĐVTN tham gia. Các ĐVTN đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động làm đường giao thông, chỉnh trang khu vui chơi thể thao; khơi thông kênh mương, cống rãnh, quét dọn, vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, thu gom tiêu hủy rác thải; tham gia trồng cây xanh, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ hàng tháng.
Trong năm 2019, Đoàn xã đã tham gia xây dựng 3 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 300 m; vận động hơn 60 triệu đồng để trao học bổng, tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ và đóng góp ngày công xây dựng nhà nhân ái cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn.
Bí thư Xã đoàn Tây Thuận Nguyễn Thành Nhân cho biết: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thanh niên xã Tây Thuận đã và đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, nỗ lực xung kích vì cuộc sống cộng đồng, xứng đáng là người ĐVTN mẫu mực, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
PHẠM PHƯƠNG