90 mùa xuân có Ðảng
Mùa Xuân mới - xuân Canh Tý 2020 lại về trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Ðây cũng là mùa xuân thứ 90 Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đồng hành, dẫn dắt toàn dân tộc đứng lên đập tan mọi xiềng xích, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cụ Trần Di trò chuyện cùng Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: MAI LÂM
DẤU MỐC HỆ TRỌNG
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của cả nước nói chung, Bình Định nói riêng. Tại Bình Định, trên cơ sở tiểu tổ Tân Việt, Chi bộ Cộng sản tại Nhà máy Đèn Quy Nhơn được thành lập vào tháng 3.1930, do đồng chí Lê Xuân Trữ làm bí thư. Nửa năm sau, Chi bộ Cửu Lợi (huyện Hoài Nhơn) ra đời, do đồng chí Nguyễn Trân làm bí thư. Tiếp đó, Chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn ra đời tháng 11.1930… Tính đến cuối năm 1930, tại Bình Định đã có khoảng 40 đảng viên.
Các chi bộ đầu tiên ra đời là kết quả tất yếu của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước của nhân dân Bình Định. Đây cũng là dấu mốc quan trọng, kết thúc chặng đường đấu tranh gian khổ, trăn trở và nhiều vấp váp của các thế hệ chiến sĩ yêu nước trong tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Định đã giành nhiều thắng lợi giòn giã, mở đầu là giành chính quyền trong khoảng thời gian rất ngắn (23 - 31.8.1945), góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên phạm vi cả nước. Theo Th.S Lê Văn Minh - Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh), đây là thắng lợi trọng đại và là thành quả của chặng đường đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Định suốt 15 năm từ khi có Đảng lãnh đạo.
“Để có được thắng lợi to lớn ấy, Đảng bộ tỉnh đã biết vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng, những quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Đảng bộ đã biết chủ động lãnh đạo nhân dân tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ đúng lúc. Quan trọng hơn, Đảng bộ đã biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác “Đem sức ta mà giải phóng cho ta””, Th.S Minh phân tích.
Sau ngày giải phóng, Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (TX An Nhơn), Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức (Hoài Ân), Chi bộ Cửu Lợi (Hoài Nhơn), Đề Pô Diêu Trì (Tuy Phước)… được đầu tư xây dựng bề thế, khang trang. Mới nhất, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi chuẩn bị bước vào giai đoạn nâng cấp, mở rộng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Trương Đề, tổng diện tích quy hoạch sau khi mở rộng là 14.000 m2. Công trình gồm các hạng mục chính như: Cải tạo, sửa chữa nhà lưu niệm hiện trạng; cải tạo di tích Cây Cừa; xây dựng mới nhà đón tiếp, trưng bày hình ảnh truyền thống cách mạng; đài nước; sân tổ chức lễ có sức chứa khoảng 2.000 người; hệ thống bờ kè phía trước nhà lưu niệm và một số hạng mục khác... Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 27 tỷ đồng. “Đầu tư cho di tích lịch sử luôn là mối quan tâm lớn của chúng tôi. Bởi, di tích là niềm tự hào và động lực để dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước”, ông Đề bày tỏ.
Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (TX An Nhơn). Ảnh: VĂN LƯU
MỘT LÒNG THEO ĐẢNG
Tết này, cụ Trần Di (ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) bước sang 103 tuổi, 83 năm tuổi Đảng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ tuy giảm nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ giàu nhiệt huyết vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người cán bộ lão thành cách mạng này. Điều đặc biệt hơn, cụ Di là đảng viên duy nhất của các chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở Bình Định còn sống.
Nhắc lại những ngày đầu Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cụ lại say sưa kể về những chặng đường đi theo cách mạng của mình. Cụ sinh ra trong một gia đình nông dân, đông anh em, ở làng Vĩnh Ðịnh (Nhơn Phong). Học xong tiểu học, cụ Di phải nghỉ học. Sau đó, khi trưởng thành, cụ mở trường dạy học, phụ giúp gia đình. Cuối năm 1937, được các đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh từ Nhơn Mỹ xuống tuyên truyền về Chủ nghĩa cộng sản, về Cách mạng Tháng Mười Nga, cụ Di giác ngộ lý tưởng cộng sản và ngày 1.12.1937, cụ được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Trần Di được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tổng Hinh. Ðến tháng 12.1946, cụ về làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính làng Vĩnh Ðịnh. Ðại hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên của huyện, cụ Di được bầu làm Bí thư, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh huyện. Tại Ðại hội Ðảng bộ huyện An Nhơn lần thứ I (tháng 9.1946), cụ Di trúng cử vào Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện. Sau Hiệp định Genever, cụ tập kết ra Bắc học tập, công tác, được phân công làm nhiệm vụ ở ngành Ngoại thương. Sau giải phóng năm 1975, cụ nghỉ hưu, về lại làng Vĩnh Ðịnh sống cùng gia đình.
Dù tuổi cao nhưng mỗi ngày cụ Trần Di vẫn dành thời gian đọc 2 tờ báo Nhân Dân và Bình Ðịnh, nghe đài để nắm tình hình thời sự. Cụ đặc biệt quan tâm đến các bài viết về công tác xây dựng Đảng. Cụ Di tâm sự: Thời gian qua, tôi thấy Đảng ta rất quyết liệt và nghiêm minh trong xử lý các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; thậm chí nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao cũng bị xử lý rất nghiêm. Điều này cho thấy Đảng ta vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Có như vậy cán bộ, đảng viên và nhân dân mới tin và một lòng đi theo Đảng”.
Thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan đến cán bộ, đảng viên để mỗi người “tự soi, tự sửa”, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, tạo chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. “Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng lên trên hết”, cụ Di nhắn nhủ.
NGUYỄN PHÚC – MAI LÂM