Sau tiêm vắc-xin, trẻ cần được theo dõi chặt
Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn - Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh - chủng ngừa thường dẫn đến một số phản ứng nhẹ có thể xử trí tại nhà như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… Các phản ứng nặng hơn ít khi xảy ra.
* Xin bác sĩ cho biết các phản ứng có thể xảy ra sau khi trẻ được tiêm vắc-xin?
- Khi được đưa vào cơ thể, bất cứ vắc-xin nào cũng gây phản ứng nhất định, nhằm tạo cho trẻ đáp ứng miễn dịch. Các phản ứng khi tiêm ngừa biểu hiện tùy cơ địa của trẻ. Biểu hiện thường gặp nhất là sốt (một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, đôi khi sốt cao khiến trẻ đau đầu, nôn mửa, bú kém và thường tự khỏi sau đó); phản ứng tại chỗ tiêm (trẻ đau kéo dài từ vài giờ đến một ngày, một số trẻ lại thấy nổi cục, viêm tấy đỏ có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới tan, cũng có trẻ bị mẩn ngứa 3-6 ngày); phản ứng ngoài da (nổi mề đay, ngứa toàn thân 3-6 ngày, hoặc phát ban toàn thân từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau tiêm).
Ngoài ra, trẻ còn có phản ứng tai biến thần kinh, nhất là những trẻ tiêm phòng ho gà có tiền sử co giật, nhưng trường hợp này rất hiếm. Các cơn co giật có thể xảy ra trong khoảng 30 phút đến 3 ngày sau tiêm, có thể bị hôn mê, nôn ói... và để lại di chứng. Bên cạnh đó là hội chứng “rên la” thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng sau tiêm phòng khoảng 6-10 giờ. Đặc biệt, sốc phản vệ có thể xảy ra ngay lúc tiêm hoặc khoảng 30 phút sau tiêm với biểu hiện tím tái, không bắt được mạch, thở ngáp hay ngưng thở…
* Biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ sau tiêm vắc-xin là sốt. Vậy, trường hợp nào cha mẹ trẻ có thể xử trí tại nhà, trường hợp nào cần phải được can thiệp y tế, thưa bác sĩ?
- Sau tiêm phòng, trẻ có thể có biểu hiện sốt nhẹ đến sốt cao. Các phản ứng nặng, trầm trọng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động cùng trẻ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi và được can thiệp y tế ngay khi có các phản ứng này.
Khi về nhà, cha mẹ chú ý theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu nhiệt độ đo ở nách từ 38oC trở lên (hay 38,5oC ở hậu môn) thì nới rộng quần áo, cho trẻ nằm nơi thoáng mát, uống thêm nước và dùng thuốc hạ nhiệt. Trường hợp trẻ sốt cao kéo dài trên 2 ngày, hoặc trẻ sốt mà gia đình cảm thấy có “bất thường” nên đưa đến cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn điều trị.
* Nhiều phụ huynh có thói quen dùng biện pháp dân gian để chăm sóc trẻ sau tiêm, nhất là tại phần da nơi tiêm, vậy có đúng không?
- Tôi xin nói ngay rằng, việc sử dụng các biện pháp dân gian để chăm sóc trẻ sau tiêm vắc-xin, nhất là tại phần da nơi tiêm không hề có lợi. Bởi, đây là “cửa ngõ” rất dễ gây nhiễm trùng cho trẻ, đặc biệt là đắp một số vật lạ lên ngay chỗ tiêm.
* Những sự cố sau tiêm Quinvaxem khiến nhiều phụ huynh còn e dè khi cho trẻ tiêm loại vắc-xin này. Bác sĩ có lời khuyên nào với các bậc phụ huynh?
- Chủng ngừa là để tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể, góp phần làm giảm số trẻ mắc bệnh, tử vong trong cộng đồng. Nếu không chủng ngừa thì khi trẻ mắc bệnh sẽ nguy hiểm hơn nhiều.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)