“Bóng câu qua cửa sổ”
Để chỉ thời gian vụt trôi, tiếng Việt có thành ngữ bóng câu qua cửa sổ. Chẳng hạn, có thể nói “mới đó mà đã hết một năm, thời gian thật như bóng câu qua cửa sổ”.
Thành ngữ này bắt nguồn từ câu bạch câu quá khích trong văn hóa Hán. Sách Nam Hoa kinh của Trang Tử ở chương Trí bắc du có câu: “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích”, tạm dịch là “đời người trong trời đất cũng như ngựa câu trắng chạy qua khe hở”. Câu là một loại ngựa tốt, thiên lí câu là ngựa chạy nghìn dặm. Ngựa câu đã chạy nhanh, nhìn ngựa câu chạy qua khe hở thì càng nhanh gấp bội (ấn tượng thị giác do bị thu hẹp trường nhìn). Người xưa dùng hình ảnh này để ví von cho tốc độ của bước đi thời gian thật ấn tượng.
Vào tiếng Việt, khích trong thành ngữ trên được thay thành “cửa sổ”. Đặc biệt, ông bà ta lại thêm vào từ bóng. Nhờ đó mà ấn tượng về độ nhanh tăng lên nhiều lần. Ngựa chạy thấy hình đã nhanh thì ngựa chạy chỉ thấy bóng còn nhanh hơn bội phần.
Khi đúc kết nên một câu thành ngữ, cách ngôn nào đó, hẳn người xưa không chỉ tổng kết lại một kinh nghiệm thực tiễn mà thường còn ký thác vào đó những lời khuyên răn dành cho hậu thế. Đời người hữu hạn, nhân sinh bách tuế vi kỳ (đời người trăm năm là một kỳ). Trăm năm của đời người trong cái thăm thẳm vô cùng của thời gian, vũ trụ chẳng khác nào một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô - Thân như ánh chớp có rồi về không, Vạn Hạnh thiền sư). Đời người ngắn ngủi, bởi vậy, mỗi người càng phải biết quý trọng quỹ thời gian cuộc đời của chính mình.
Trong tiếng Việt cũng có không ít câu ca dao, thành ngữ khuyên người ta về điều này, chẳng hạn: Thời giờ là vàng ngọc; Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang; Thì giờ ngựa chạy tên bay/ Nó đi đi mãi không chờ đợi ai…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ