Xã hội hóa giáo dục & những câu chuyện vui
Khá nhiều trường học trong tỉnh có phong trào thi đua dạy tốt - học tốt rất sôi nổi. Ðể tạo ra không gian làm nền cho phong trào thi đua này, điểm chung của các trường là ban giám hiệu làm rất tốt công tác xã hội hóa.
Thương học sinh, xin cho học sinh
Ở Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị trong lớp, sân trường còn có nhiều khu vui chơi mô phỏng siêu thị, hiệu tóc, thư viện… Cô Nguyễn Thị Trang, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Bên cạnh sự khéo tay, hết lòng của các cô giáo, chúng tôi còn được nhiều nhà bảo trợ quan tâm, họ là những người quê gốc ở Mỹ Hòa ít nhiều đã thành đạt trong cuộc sống, là các em từng học ở đây và một số phụ huynh thấy đóng góp của họ mang lại lợi ích cho con cháu nên họ tiếp tục ủng hộ. Thư viện xinh xắn đặt ở góc sân kia là quà tặng mà trường vừa được trao đấy.
Góc thư viện ngoài trời của Trường Mẫu giáo Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) vừa được tặng.
Tương tự, đến thăm Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, huyện Tuy Phước, nhiều người có thể có cảm giác như đang ở trong một công viên thiếu nhi. Ngoài các đồ chơi để chơi trò chơi dân gian do giáo viên tự làm, còn có sân bóng mini, nhiều xích đu, bập bênh, bàn cờ… Mỗi giờ ra chơi, từng lớp có khoảng chơi riêng theo lịch của nhà trường, tránh trường hợp lớp lớn tranh với lớp bé.
Thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Phụ huynh nào cũng muốn con mình được vui mà học - học mà vui. Khi cảm thấy phần đóng góp của mình thật sự tốt cho con em, họ sẽ vui vẻ làm. Nhưng chúng tôi cũng luôn ý thức, với những hộ khó khăn, 10.000 đồng thôi cũng đã phải cân nhắc. Vì vậy, khi muốn làm thêm thứ gì đó cho các em, chúng tôi ngỏ ý với một số DN, những phụ huynh có điều kiện hơn một chút. Và để minh bạch, tất cả mọi thứ thu chi đều do hội phụ huynh quyết định.
Đồng quan điểm và có cách làm tương tự với thầy Trọng, cô Trang bày tỏ: Để mọi người biết và xem thử họ có thể giúp trường hay không, giúp như thế nào, giáo viên - đặc biệt là những người làm công tác quản lý như chúng tôi - không ngại bày tỏ. Có nói thì người ta mới biết trường mình thiếu gì. Ban đầu tôi cũng hơi ngại nhưng tôi nghĩ mình thương học sinh của mình, mình xin cho học sinh mình, không sao cả!
Phụ huynh đồng hành với nhà trường
Nhằm giúp các em làm quen với tiếng Anh, nhiều trường mầm non, tiểu học đã thực hiện xã hội hóa để mời giáo viên giảng dạy. Cô Võ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Võ Xán, huyện Tây Sơn, cho biết: Lớp 1, lớp 2 không được giao biên chế giáo viên dạy tiếng Anh, nên muốn các em làm quen với tiếng Anh, trường thực hiện xã hội hóa. Toàn thể giáo viên được quán triệt nội dung này, chính họ sẽ giải thích để phụ huynh thông tỏ lợi ích của việc làm quen với tiếng Anh. Khi thực hiện mục việc này, chúng tôi miễn học phí cho những em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; các khoản chi đều được công bố rõ ràng. Trường cũng tìm cách kiến tạo nhiều hoạt động để các cháu vui học với tiếng Anh. Thực tế cho thấy, các cháu rất thích học tiếng Anh.
Xích đu, đồ chơi Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Phù Cát) do phụ huynh tặng và lắp đặt.
Là trường đầu tiên của huyện Tuy Phước cho học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen với tiếng Anh, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn cũng khởi đầu bằng việc nhờ một số DN hỗ trợ chi phí để triển khai. Sau chừng 2 tháng, phụ huynh thấy có lợi cho con em nên đứng ra chi trả cho giáo viên. Đến nay, việc cho học sinh lớp 1, lớp 2 làm quen với tiếng Anh tại trường đã ổn.
Không chỉ có cấp tiểu học, nhiều trường mầm non cũng bắt đầu cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh với cách thức tương tự. Chị Trương Thị Lệ Kiều, phụ huynh Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp, chia sẻ: Khi được làm quen tiếng Anh, cháu vui vẻ và thích thú lắm. Có hôm về nhà còn chỉ lại cho mẹ, tôi thấy rất vui. Mỗi tháng tôi chỉ phải đóng góp 16.000 đồng thôi mà các cháu vui và phát triển như thế là rất hay.
Cô Võ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) kể: Năm 2014, Trường nhận được sự giúp đỡ của một thương gia người Nhật thông qua sự giới thiệu của một người con quê hương đang làm tại công ty của nhà hảo tâm này. Hằng năm ông ấy đều đến thăm trường và thấy những gì ông ấy xây dựng được phát huy tốt nên năm 2018 ông xây thêm bếp ăn, nhà ăn, tặng tivi... Nhờ đó, trường thực hiện tốt bán trú, học sinh được chăm sóc tốt hơn.
THẢO KHUY