Chung tay đỡ đầu hộ nghèo
Phong trào đỡ đầu hộ nghèo nhằm hỗ trợ thoát nghèo bền vững được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động và nhận được sự hưởng ứng của các hội, đoàn thể, cùng các tổ chức, đơn vị. Ðây là hoạt động thiết thực, đưa phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” đi vào cuộc sống.
Góp điểm tựa
Mấy năm trước, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (60 tuổi, ở thôn Khánh Phước, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) từng trong cảnh chật vật, nghèo khó. Vợ mắc bệnh ung thư, hai con học đại học xa nhà, công việc nhà nông không có thu nhập ổn định, lại thêm sức khỏe giảm sút, nhiều lúc, ông Nghĩa thấy mình rơi vào ngõ cụt. Gia đình ông Nghĩa đã được các hội, đoàn thể của thôn nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chi hội phụ nữ thôn Khánh Phước đã hỗ trợ gia đình vay vốn tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên để lo chi phí học tập cho các con; vận động phụ nữ trong thôn đóng góp hơn 6,8 triệu đồng hỗ trợ chi phí điều trị cho vợ ông; lại kêu gọi chị em trong xóm góp ngày công gặt lúa cho ông Nghĩa.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa chăm sóc đàn bò được hỗ trợ ban đầu từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.
“Chi hội nông dân đã trích nguồn đóng góp của hội viên hỗ trợ gia đình ông Nghĩa 2,2 triệu đồng để ông phát triển chăn nuôi gà, bò; đề xuất Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 30 triệu đồng để ông mua 2 con bò sinh sản làm sinh kế”, ông Trần Tấn Phú, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Khánh Phước, chia sẻ.
Sau khi vợ ông Nghĩa mất, con trai lớn quyết định nghỉ học, đi làm công nhân đường sắt để phụ giúp gia đình. Đến nay, khoản vay học sinh, sinh viên của con trai lớn đã trả hết. Cặp bò giống đã sinh được bê con. Ông Nghĩa đang ra sức chăm sóc để có thể xuất chuồng, thu về đồng tiền lời đầu tiên.
Bà Trần Thị Ái Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cát Hanh, cho biết: “Phong trào đỡ đầu hộ nghèo thoát nghèo bền vững của xã triển khai từ năm 2010. Mỗi năm, mỗi chi hội hội, đoàn thể đăng ký giúp đỡ tối thiểu 3 hộ nghèo. Năm 2018, có 36 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Năm 2019, có 42 hộ được giúp. Hiện, toàn xã còn 96 hộ nghèo, chiếm 2,2%. Chúng tôi luôn quan niệm: Mình góp điểm tựa, góp đòn bẩy cho hộ nghèo trong khả năng của mình, đồng thời cần phải động viên, khích lệ hộ nghèo vươn lên. Thời gian tới, số hộ nghèo còn lại đều là những hộ già yếu, neo đơn, mắc bệnh nan y, nên công tác đỡ đầu hộ nghèo thoát nghèo sẽ khó khăn hơn”.
Trở thành hoạt động thường xuyên
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ năm 2014 đến năm 2019, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên, cá nhân, đơn vị đã giúp đỡ, đỡ đầu cho 1.172 hộ nghèo, 795 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp trên 350 hộ thoát nghèo bền vững, gần 400 hộ chính sách thoát khỏi cảnh khó khăn.
Hoạt động đỡ đầu được các địa phương, các tổ chức thành viên lồng ghép vào nhiều chương trình, đảm bảo tính thiết thực, thường xuyên, liên tục. Tùy điều kiện, khả năng của đơn vị, địa phương và hoàn cảnh được hỗ trợ mà có các hình thức: Hỗ trợ vốn, cây, con giống; hỗ trợ về kỹ thuật, kiến thức, đào tạo nghề; hỗ trợ về ngày công lao động, tạo việc làm; hỗ trợ về sách, vở, chi phí khám chữa bệnh; hỗ trợ về nhà ở...
Bà Lê Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn, cho biết: “Hội LHPN thị xã hỗ trợ hộ phụ nữ nghèo về vốn vay. Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, Hội ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Đông Nam Á để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng này. Hội LHPN thị xã đang quản lý nguồn vốn hơn 208 tỷ đồng để hỗ trợ cho hàng nghìn hội viên vay vốn. Hội cơ sở còn vận động 2.743 chị tự nguyện giúp đỡ cho 2.138 chị khó khăn, thiếu vốn với số tiền 214,5 triệu đồng, 278 kg thóc giống và 65 ngày công lao động. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức KHKT, thành lập CLB “Phụ nữ giỏi nghề nông” để chị em trao đổi kinh nghiệm, kiến thức áp dụng vào thực tế. Trong năm, Hội LHPN mỗi xã/phường đều giúp tối thiểu 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo”.
Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, sau khi hộ nghèo được hỗ trợ bò từ các chương trình “Ngân hàng bê giống”, “Chung tay vì cộng đồng”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ từng hộ về kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi bò sinh sản, phân công giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi định kỳ. Người đồng bào dân tộc thiểu số đã biết trồng cỏ, chế biến bột bắp, ủ rơm... làm thức ăn cho bò. Kết quả, từ 95 con bò giống được hỗ trợ ban đầu, có 78 con bò được phối giống và sinh sản ra 78 con bê con. Trong số này, có 56 con bê cái được các xã họp xét và bàn giao cho 56 hộ nghèo khác để tạo sinh kế bền vững và tiếp tục nhân giống.
NGUYỄN MUỘI