Sức hút bài chòi
Hội Bài chòi tổ chức ở lễ hội Chợ Gò (Tuy Phước) có lẽ là hội bài chòi cổ nhất còn đến ngày nay. Tương truyền, nơi diễn ra lễ hội - gò Trường Úc, xưa là chốn đồn trú của quân đội nhà Tây Sơn. Vào ngày mùng Một Tết, để các binh sĩ vơi nỗi nhớ nhà, dân trong vùng thường kéo đến úy lạo binh sĩ và cùng họ tham gia những trò vui, lâu dần thành hội. Một trong những trò chơi dân dã ở chợ Gò xưa còn lưu lại cho đến ngày nay chính là bài chòi.
Hội bài chòi
Sáng mùng Một Tết năm ngoái, khi trời còn mờ sương, cô bạn Việt kiều đang nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam tại ĐH Paris (Pháp), lần đầu được về quê ăn Tết, đã hăm hở thúc giục chúng tôi mau đưa cô đi dự Lễ hội Chợ Gò.
Nghệ nhân hô hát bài chòi dịp UNESCO vinh danh bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Trống chầu một hồi ba tiếng vang rền, dàn nhạc gồm: Song loan, nhị, kèn bóp và trống chiến tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu với sự dẫn dắt của đôi nam nữ áo dài khăn đóng là anh, chị hiệu. Họ rút con bài trong ống tre, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là hô thai. Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên các chòi để đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà hiệu xướng tên thì thắng cuộc.
Trống lệnh đã vang, hiệu rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay hiệu. Tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Anh hiệu vái chào mọi người rồi cất giọng hô điệu bài chòi: “Trời mưa làm ướt sân đình/Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây/Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!”. Chòi bên có người trúng con Ngũ Trợt, tức thì vang lên ba tiếng mõ “cốc, cốc, cốc!”. Hiệu trao thẻ bài cho chòi trúng, rồi rút thẻ khác hô tiếp.
Trong lúc hiệu hô, mọi người theo dõi, bàn tán, gặp chỗ thích thú thì cười rần rần tán thưởng. Quanh chòi, dân chúng kéo tới xem đông đảo, trai gái tranh thủ tán tỉnh nhau, trẻ con khoe quần áo mới. Chợt có hồi mõ dài vang lên, báo hiệu có chòi trúng bài lần thứ ba, kết thúc ván. Anh chị hiệu bưng khay tiền thưởng và chung rượu tới chòi trúng thưa trịnh trọng: “Chúc quý khách minh niên đắc tài, đắc lợi, đắc nhân tâm/Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền.”
Niềm vui nơi thôn dã
Ngồi trên chòi suốt cả buổi hội mà bạn tôi vẫn không bớt đi phần háo hức, gương mặt cô rạng rỡ như trẻ con được quà. Cô bảo: Đi đánh bài chòi cứ như là đi xem hí kịch thôn quê, nhìn đâu cũng thấy hài hước, thú vị. Điểm qua tên các lá bài chòi, thấy rõ là của người Việt, hơn nữa, là của người Việt bình dân. Toàn những cái tên nôm na, được đặt một cách vừa cẩu thả dễ dãi vừa hài hước nghịch ngợm. Cẩu thả vì khi thì Tam Quăng, khi thì Ba Gà; lúc Cửu Điều, lúc lại Chín Gối. Tiếng Nôm, tiếng Hán xen nhau lẫn lộn. Rồi những cái tên như Ba Bụng, Ông Ầm, Ngũ Rún... nghe như những trận cười vừa nổ tung sau trò nghịch ngợm.
Hội đánh bài chòi dân gian tại Lễ hội Chợ Gò (huyện Tuy Phước) đông nghẹt người xem.
Kế đến là những hình vẽ trên quân bài, thường minh họa cho tên gọi của quân bài đó một cách đơn giản. Ví như Sáu Miểng là lá bài vẽ hình sáu miếng rời nhau, Nhì Bánh thì vẽ hình hai chiếc bánh xe, Ba Gà có hình đầu gà… Nét bút chân chất có phần đơn giản ấy lại khiến quần chúng tưởng tượng ra đủ thứ ý nghĩa hài hước khi đặt lời cho những câu thai. Và những câu thai ấy cũng rặt những lời dân dã.
Một đặc điểm khác của hội bài chòi là nặng phần diễn xướng hơn là chạy theo cuộc đỏ đen. Một ván bài kéo dài hàng giờ, sự được thua chẳng đáng bao nhiêu. Không hề có ai tán gia bại sản vì bài chòi. Đôi khi người thắng cuộc lại tặng luôn phần thưởng của mình cho nhà trò mỗi khi được dự màn hay. Không khí ở nơi đánh bài chòi quả là không khí của một đám hát.
Một thời vang bóng…
Chiều đã xế, bước chân xuống chòi mà bạn tôi bâng khuâng như kẻ mộng du, bởi hội đã tan như truyền thống từ mấy trăm năm trước, đã đến giờ đồn binh thu quân, các tráng sĩ phải quay về với việc quan phòng. Tôi kéo bạn đến thăm một bậc cao niên trong làng bài chòi Bình Định. Đó là NSƯT Nguyễn Kiểm. Dù đã ngoài tám mươi, sức không còn khỏe, nhưng mỗi khi nghe nhắc đến bài chòi là ánh mắt ông bừng lên lấp lánh.
NSƯT Nguyễn Kiểm kể, những thập niên đầu thế kỷ XX, bài chòi bắt đầu có những biến thể. Để cho giản tiện, một số nghệ nhân kiến tạo một lối mới gọi là bài chòi chiếu. Chỉ cần một chiếc chiếu với những khán thính giả là người chơi ngồi chung quanh, anh hiệu đã có thể một mình độc diễn nhiều vai, nhiều cảnh khác nhau mà không cần những đạo cụ phức tạp; lời thơ, câu hát hoàn toàn phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng.
Vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, một nhóm nghệ sĩ Bình Định đã đưa vở bài chòi có cốt truyện đầu tiên lên sân khấu, dứt bỏ thể thức chơi truyền thống của bài chòi. Nghệ sĩ diễn xuất theo quy luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển hơn, ngoài điệu cố hữu là hô bài chòi và xuân nữ, còn có điệu cổ bản, nói lối, hồ Quảng, xàng xê, hát nam, hát khách, tẩu mã, lý thượng... Về nhạc cụ, ngoài đàn nhị, kèn, trống, sanh tiền còn có thêm đàn nguyệt. Từ đây, sân khấu bài chòi bắt đầu được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Từ quãng năm 1933 đến năm 1945, tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát bài chòi nổi tiếng, với đội ngũ diễn viên hùng hậu và lực lượng nhạc công, soạn giả sung sức, làm nên những vở ca kịch nổi tiếng như: Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu... Trong thời kỳ này, ba thể loại bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có một chỗ đứng ở sân khấu phông màn, lưu diễn ở các thị tứ, thị trấn. Bài chòi chiếu có đất sống trên khắp các miền quê. Hội đánh bài chòi truyền thống vẫn hút người chơi mỗi dịp xuân về…
PHƯƠNG LAN