Lá giang sang... Mỹ
Mấy chục năm nay, bao giờ cũng thế, hàng năm vào dịp thích hợp, anh chị tôi thay phiên nhau từ Mỹ về thăm quê “xứ Nẫu” - Mỹ Hiệp, Phù Mỹ. Mỗi lần về, tùy thuộc vào sự đi lại thăm hỏi bà con gần xa mà thời gian anh chị ở lại Việt Nam bao lâu; nhưng hình như mấy năm lại đây tôi thấy khi anh hay chị về quê, thời gian ở lại lâu hơn, hỏi thì anh chị bảo, già rồi, không muốn xa quê nữa... Đợt vừa rồi anh rể tôi về, mua luôn một đám đất vườn đầu làng, đâu vài chục triệu đồng và xây tường rào cẩn thận. “Già rồi, anh tính sẽ về đây cất nhà ở, lũ nhỏ vẫn bên ấy”, tôi hỏi thì anh bảo thế... Đó là anh Đinh Văn Hồng, chồng chị tôi - Võ Thị Tùng.
Anh chị tôi sang Mỹ theo diện nuôi con lai, đã ngót ba chục năm xa xứ, thế nhưng mọi thứ của quê nhà chẳng bao giờ anh chị lãng quên. Những món ăn của quê, là những thứ mà mỗi một lần vào mâm ở Mỹ, anh chị lại nhớ đến nó. Nhớ nó, những món ăn quê mùa ấy, là nhớ về những gương mặt người mình yêu, đến cả người mất, người còn đều hiện về.
Chị Tùng mồ côi cha từ nhỏ, mẹ chị đi bước nữa, cho nên chị được mẹ tôi (tức em ruột của cha chị Tùng) yêu thương hết mực. Lớn lên, chị lấy chồng, mãi mà anh chị chẳng thể có mụn con, cả nhà không vui, giục anh chị tìm thầy tìm thuốc, và quả nhiên chị đã toại nguyện... Nhưng niềm vui vụt tắt ngay trong giờ chị vượt cạn ở Bệnh viện Quy Nhơn. Trong cái rủi có cái may, cùng phòng sinh với chị có một người mẹ cũng vừa sinh con, là con gái, cháu bé kháu khỉnh vừa chào đời, người mẹ gởi cháu lại cho chị tôi, không một lời giải thích. Bé My, anh chị đặt tên cháu theo họ của anh - Đinh Thị My. My càng lớn càng khỏe mạnh, lanh lợi và thông minh, nhưng đặc biệt bé càng lớn càng ra dáng một cô gái Tây.
Lan man đã dài, xin trở lại chuyện về... lá giang sang Mỹ. Đã ngần ấy năm trên đất khách quê người, dẫu rằng đời sống vật chất không thiếu, nhiều món ngon vật lạ xứ người anh chị tôi cũng đã từng nếm thử, nhưng theo anh chị thì không thể so sánh được với những món “hái lượm” từ ruộng đồng, vườn tược; trong đó, lá giang là một trong những thứ rau người quê tôi yêu chuộng nhất. Loại thân dây leo cho lá này mọc hoang dã khắp nơi trên vùng đất cạn, đặc biệt là vùng đất pha cát như xứ Nẫu quê tôi, và mùa nào chúng cũng xanh tốt, nhưng xanh tốt và đậm đà vị chua dịu thanh nhất là vào mùa hè, mùa nóng bức nhất của miền Trung.
Nhớ hồi kháng chiến, trong cán bộ, chiến sĩ vùng Trung bộ, từng có câu: “Muốn ăn lá giang đi Phù Cát, muốn “ăn” đại bác đến Bình Khê” đó sao? Cũng như Phù Cát, quê tôi đâu đâu cũng có thể tìm thấy lá giang; còn đại bác, thì xứ Bình Khê ngày ấy là vùng giải phóng, sự tranh chấp của hai lực lượng cách mạng và đối phương trở nên vô cùng căng thẳng, ác liệt, địch ra sức càn quét, lấn chiếm, dội bom pháo xuống bất cứ nơi đâu, kể cả xóm làng, ruộng đồng, nương rẫy, cho nên mới có câu nói đó.
Lá giang, đa phần những người nội trợ xứ Nẫu gần như nấu với bất kỳ những gì cũng thành món canh tuyệt hảo. Mẹ tôi ngày xưa, khi ra đồng kiếm được vài con cua, con cá, con ốc, con trai... trưa, chiều tối về chỉ cần ra bờ rào quanh vườn hái ít lá giang, thế là được một nồi canh, dù với khoai, với mỳ độn cơm, khi dùng cùng với món canh chua chua cay cay ấy cũng trở thành... “mỹ vị cao lương” lắm rồi. Với tôi, đặc biệt nhớ món canh chua lá giang mẹ nấu với thịt ếch. Ếch sau khi làm thịt, bằm nhỏ, ướp với mắm muối, xong đem tao với tí dầu dừa, loại dầu mà quê tôi ngày xưa ấy không thiếu trong bếp mỗi nhà. Nước đun sôi, cho thịt ếch đã tao vào cùng với lá giang rửa sạch, để ráo nước, vò kỹ, thế là thành món dùng thượng hạng. Một lần dùng món ấy, chắc chắn bạn cũng như tôi, là sẽ... nhớ đời.
Anh chị của tôi có lần bảo, với những món dân quê chế biến cùng lá giang, loại lá giang các em, các cháu hái từ vườn rào, rồi “sơ chế” mà anh chị mang theo sang Mỹ để dành dùng dần ấy, ngoài làm thực phẩm đúng nghĩa, nó còn có dụng ý ngầm nhắc nhở con cháu luôn hướng về nguồn cội và giúp anh chị nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà trong từng bữa cơm ở xứ lạ!
“Tết Âm lịch tới đây, anh chị không về nên bao lá giang khô này là quà Tết cho cả nhà và bà con mình bên ấy”, anh rể bảo thế khi tôi hỏi anh sẽ đem gì sang Mỹ trong chuyến trở lại bên kia, hôm thượng tuần tháng chín vừa rồi. “Tuy lá giang khô không thể bằng tươi nguyên vừa hái từ những bờ rào nhà mình, nhưng đem được sang bên ấy nó sẽ trở thành của quý hiếm, mà đây là loại lá giang rất hiếm, loại này lá mỏng, trơn, dây mảnh, vị chua đặc trưng, mọc những nơi khô ráo, sống tự nhiên, khó có thể đem về trồng trong vườn được nếu không biết cách ươm trồng. Là món quà đặc biệt của quê hương xứ Nẫu mình đấy, em nhé!”, anh rể tôi lại một lần nữa bảo với tôi như thế!
ĐOÀN MINH PHỤNG