Tòa án nhân dân 2 cấp: Nâng cao chất lượng xét xử
Thời gian qua, TAND 2 cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương.
Việc tranh tụng giữa các bên liên quan trong một phiên tòa ngày càng được chú trọng.
Đảm bảo phán quyết đúng luật
Có thể nói, kết quả nổi bật trong hoạt động xét xử của ngành TAND năm 2019 là chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng nâng cao. Trong năm, toàn ngành đã giải quyết, xét xử 5.949 vụ án các loại, đạt 87,5%. Điều đáng ghi nhận là số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chỉ chiếm 0,5% và tỷ lệ án hòa giải thành đạt đến 53%, tăng 7,3%.
Đạt được kết quả này, TAND 2 cấp đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp theo đặc thù địa bàn nhằm nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Trong quá trình xét xử, các TAND đã chú trọng và đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xét xử các vụ án hình sự không vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại tòa được chú trọng. Ngành cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng để thảo luận, xem xét, đặc biệt là các vụ án lớn, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Đây cũng chính là lý do mà trong năm 2019, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án được dư luận quan tâm, đã được TAND 2 cấp khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Điển hình như vụ Trương Thị Xuân cùng đồng bọn phạm tội “mua bán trái phép chất ma túy”; vụ Lê Quốc Bình phạm tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”; hay như vụ Trần Quang Minh, Phan Đức Duy, Trần Tuấn Vũ, Phạm Anh Quân phạm tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”... Những vụ án này, hình phạt mà TAND 2 cấp tuyên đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Mặc dù số lượng án mà TAND 2 cấp phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước và tính chất vụ việc cũng ngày càng phức tạp, nhưng nhờ có nhiều giải pháp sát thực tế, nên công tác giải quyết, xét xử các loại án đã có nhiều chuyển biến. Với phương châm “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, TAND huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động giao chỉ tiêu cho mỗi thẩm phán; trong 1 ngày lên lịch triệu tập đương sự và giải quyết từ 2 - 3 vụ. Trong quá trình thu thập chứng cứ, tòa án đã xây dựng kế hoạch để cùng lúc có thể thu thập nhiều chứng cứ nhằm chủ động thời gian giải quyết án. Ngoài ra, trước khi hòa giải, thẩm phán phải nắm được nguyên nhân tranh chấp, đặc điểm tính cách, tâm lý và mối quan hệ của các đương sự để có phương án tác động phù hợp. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành tương đối cao, chiếm 66,3%, tăng 12,3% so với năm 2018.
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết các loại án, Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý nhìn nhận: Trong xét xử án hình sự, một số vụ án chứng cứ chưa được làm rõ; còn có mâu thuẫn trong tài liệu, chứng cứ bị tòa án cấp trên hủy để điều tra xét xử lại. Đối với giải quyết các vụ án dân sự, một số trường hợp xác định thiếu người tham gia tố tụng, việc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; đánh giá chứng cứ còn thiếu khách quan dẫn đến tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn.
Do đó, trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất. Đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật. Nhất là, đảm bảo các phán quyết của tòa phải đúng pháp luật, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân... “Chúng tôi sẽ tiếp tục gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử. Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo công lý. Gắn quyền hạn với trách nhiệm và quy định trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo, quản lý các đơn vị. Cùng phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp để thẩm phán, thư ký phiên tòa nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng xét xử. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiến hành luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ, hết lòng phụng sự công lý. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết các loại vụ án có đương sự khiếu nại, để kết quả giải quyết có lý, có tình và có sức thuyết phục hơn”, ông Đặng Công Lý nhấn mạnh.
KIỀU ANH