Thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử
(BĐ) - Ngày 9.1, tại TP Quy Nhơn, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT Bình Định tổ chức Hội thảo tham vấn và lập kế hoạch thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) và nghiên cứu chuỗi giá trị cá ngừ tại Bình Định. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, Ban quản lý cảng cá, các chủ tàu câu cá ngừ đại dương trong tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu và chủ tàu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn việc ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản tại Bình Định nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) để gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Mặc dù việc ghi nhật ký khai thác thủy sản và truy xuất nguồn gốc thủy sản được triển khai chặt chẽ, tác động lớn đến các quy trình chống khai thác IUU, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giúp công tác ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản được đảm bảo thuận lợi, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản đã giới thiệu công nghệ eCDT, đang được triển khai thí điểm tại một số tỉnh ven biển trong nước và kế hoạch triển khai thí điểm tại Bình Định. Hệ thống eCDT khi triển khai sẽ tạo thuận lợi cho các bên liên quan, như: Cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, ban quản lý cảng, chủ nậu và DN thực hiện việc kiểm soát hoạt động khai thác, sản lượng thủy sản, ngư trường khai thác… để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định, tăng hiệu quả việc thực hiện chính sách quản lý khai thác thủy sản, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của EC.
Theo kế hoạch, từ tháng 1 - 3.2020, tổ chức MCD sẽ phối hợp với ngành Thủy sản tỉnh triển khai thí điểm công nghệ eCDT trên 10 tàu câu cá ngừ của ngư dân Bình Định. Qua đó sẽ đánh giá hiệu quả để triển khai nhân rộng công nghệ này nhằm góp phần giảm thiểu IUU, hướng tới quản lý nghề biển bền vững.
NGỌC NHUẬN