Khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh
(BĐ) - Sáng 9.1, tại TP Quy Nhơn, Sở GD&ĐT khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2019 - 2020. Hội thi năm nay có 88 giáo viên đến từ 11 phòng GD&ĐT của các huyện, thị xã, thành phố tham dự. Hội thi được tổ chức 4 năm một lần.
Tham gia hội thi, các giáo viên trải qua 3 phần: Kiểm tra hồ sơ (gồm sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và báo cáo thành tích); kiểm tra năng lực (bằng hình thức tự luận); thực hành (diễn ra từ ngày 3 - 7.2).
Hội thi nhằm tuyển chọn, công nhận và tôn vinh các giáo viên mầm non dạy giỏi, đồng thời là căn cứ đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngày 12.2, Ban tổ chức sẽ tổng kết hội thi, trao giải và cấp giấy chứng nhận Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2019 - 2020.
ĐỖ THẢO
Nhà có việc nên tôi đón con vào giữa buổi chiều, thấy trong lớp chỉ có một cô đang cho các cháu ăn xế tôi liền hỏi cô giáo kia đâu thì được trả lời: "Chị ơi, cả tháng nay hiệu trưởng cho cô P được lên phòng trên lầu học bài chuẩn bị thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, không phải trông cháu. Chị thấy đó, cháu thì đông mà công việc chỉ có mình em làm, mệt muốn chết". Hôm sau, tôi đón con như mọi khi và gặp cô P, tôi hỏi thăm việc thi cữ thì cô P ngao ngán nói: "Chị có muốn thi đâu em. Có tuổi rồi, học bài đâu có vô, mà bỏ bê cháu cũng tội cho cô T. Với lại, tốn kém lắm em ơi. Đầu tư cho tiết tốt chỉ tốn vài triệu chứ thi giáo viên dạy giỏi phải tốn hàng chục triệu. Phải trang trí lớp hoành tráng, bỏ công sức làm đồ chơi tốn thời gian, tốn tiền lắm em ơi. Thi không đậu còn bị phê bình. Nói thiệt với em giờ có tuổi rồi chứ không chị cũng kiếm công việc khác. Chỉ mong làm đủ năm rồi về thôi em. Nghề này thấy vậy mà áp lực lắm. Phụ huynh thông cảm thì không nói, chứ nhiều phụ huynh con bị gì một chút là báo hiệu trưởng liền, thậm chí la mắng, hăm doạ cô giáo. Mà khổ nhất là lên tiết tốt với lại thi giáo viên dạy giỏi. Nào là chuẩn bị giáo án, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, rèn cháu, học bài... Tốn công, tốn tiền lắm. Mà em thấy đó, thi cử khiến giáo viên lao tâm khổ tứ nhưng có mang lại ích lợi gì cho các cháu đâu. Cả tháng nay chiều nào chị cũng ra phòng riêng để học chứ có chăm cháu đâu. Bệnh thành tích mà. Trường này lại có tiếng lâu nay, thi mà không đậu bị "cạo đầu" em ơi. khổ lắm...". Cô P nói thao thao như muốn trút hết nổi niềm nhưng muộn giờ rồi, tôi phải về lo cơm nước nên đành cắt ngang câu chuyện. Tôi động viên cô cố gắng, chúc cô thi đậu năm nay và không bao giờ phải thi giáo viên dạy giỏi nữa rồi xin phép đưa con về. Vừa đi về, tôi vừa ngẫm nghĩ những lời cô P nói và chợt nhớ lại khi còn học phổ thông, tôi từng là "diễn viên" trong "vở kịch" mà thầy dạy lịch sử vừa là biên kịch, vừa là đạo điễn, vừa là diễn viên. Vở kịch mang tên "Dự giờ".