Tái đàn heo gắn với an toàn dịch bệnh
Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang tư vấn người chăn nuôi heo tái đàn. Cùng với việc không tái đàn ồ ạt, là hoạt động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là dịch tả heo châu Phi.
Hiện giá heo hơi trong tỉnh vẫn ở mức cao, trong đó giá heo thịt siêu nạc tại các trang trại được thương lái mua với giá từ 83 - 85 nghìn đồng/kg, heo nuôi tại các nông hộ có giá bán từ 75 - 78 nghìn đồng/kg. Với giá như hiện nay, người chăn nuôi có lãi từ 3 - 4 triệu đồng/con.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ông Đỗ Thành Tây chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân chỉ sử dụng heo giống hiện có.
Thận trọng tái đàn
Dù giá heo tăng cao, đầu ra thuận lợi, nhưng người chăn nuôi trong tỉnh rất thận trọng khi tái đàn. Tại “vựa heo” Hoài Ân, việc tái đàn heo diễn ra rất chậm. Ông Đỗ Thành Tây, chủ trang trại ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức, cho hay: Ở đây hầu như nhà nào cũng nuôi cả heo nái và heo thịt. Sau khi xuất chuồng đàn heo thịt, chúng tôi không mua heo giống bên ngoài vì giá cao và sợ lây nhiễm dịch bệnh. Hơn nữa, đàn heo nái đã được sàng lọc kỹ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nên heo con sinh ra bao nhiêu chúng tôi giữ lại nuôi hết. Riêng trang trại của tôi hiện đang thả nuôi 16 con heo nái, trong đó 5 con vừa sinh sản được 50 heo con”.
Tương tự, các chủ trang trại: Đào Xuân Vi, ở xã Ân Đức; Nguyễn Hải Đảo, ở xã Ân Tường Đông cũng áp dụng phương án tự cung, tự cấp heo giống, chứ không mua heo trên thị trường về thả nuôi. “Trang trại của tôi hiện thả nuôi 2.000 con heo, trong đó có 300 con nái giống đang sinh sản. Heo con sinh ra đều an toàn dịch bệnh nên tôi để nuôi hết chứ không bán và cũng không mua thêm” - ông Nguyễn Hải Đảo, chia sẻ.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện khuyến khích các chủ trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh tái đàn heo, nhưng không tái đàn một cách ồ ạt, tốt nhất là sử dụng heo giống tại chỗ để nuôi chứ không mua heo giống ở ngoài huyện, nhằm phòng ngừa các loại vi rút gây bệnh nguy hiểm xâm nhập. Vì vậy, đàn heo ở Hoài Ân không có biến động lớn, huyện vẫn duy trì đàn 153 nghìn con, bình quân mỗi ngày người chăn nuôi xuất bán 1.500 con heo thịt”.
Người dân tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn và TX An Nhơn cũng rất thận trọng khi gầy đàn heo trở lại. Ông Lê Xuân Quang, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) cho hay: Tôi liên kết với Công ty CP Chăn nuôi thả nuôi 2 lứa heo thịt, mỗi lứa 1.500 con. Sau khi xuất chuồng, tôi lại nhập heo giống của DN với số lượng tương đương, chứ không tăng thêm. Quan trọng là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, để có thu nhập bền vững”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh (Sở NN&PTNT), dù lượng heo hơi xuất chuồng lớn, nhưng nguồn heo của tỉnh vẫn đảm bảo cân bằng, không xảy ra tình trạng khan hiếm như nhiều tỉnh, thành khác. Đàn heo nái của tỉnh có chất lượng cao, nên người dân chủ yếu sử dụng heo giống hiện có hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giống uy tín trong tỉnh về nuôi.
Trang trại chăn nuôi heo của hộ ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn).
Giám sát chặt, phòng dịch bệnh
Đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi heo vào thời điểm này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho người chăn nuôi, song cũng gặp nhiều rủi ro bởi vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn tiềm ẩn trong môi trường, có thể tái phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến khích, tư vấn các hộ dân đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh đầu tư tái đàn heo, nhưng không tái đàn một cách ồ ạt, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc tái đàn heo, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn. Heo giống xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo châu Phi thì được thả nuôi. Nguồn heo nuôi trong tỉnh cũng phải đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra và khi đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được nhập heo nuôi.
Đối với heo giống chuyển từ địa phương này sang địa phương khác phải có xác nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Còn nguồn heo nuôi nhập từ các tỉnh khác về Bình Định, phải có đơn báo nhập heo chăn nuôi với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kiểm tra. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi tiêm vắc xin và phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh. Bên cạnh đó, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán heo tại các địa phương và tăng cường cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ tại các Trạm kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ để kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển heo ra vào tỉnh, kiên quyết xử lý các chủ phương tiện vi phạm.
PHẠM TIẾN SỸ