Homestay & những góc nhìn
Ðể tìm những trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của cư dân địa phương, nhiều du khách tìm đến dịch vụ homestay khi đến Quy Nhơn. Nhưng làm thế nào để được cùng ăn, cùng ở và trải nghiệm với chủ nhà đúng nghĩa homestay thì không phải dễ, do dịch vụ này phát triển ồ ạt và phần lớn giống hình thức nhà trọ ngắn.
Một homestay ở Nhơn Châu vừa đảm bảo tiện nghi cho khách, vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Hiểu đúng về dịch vụ homestay
Khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở về thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ homestay trên địa bàn TP Quy Nhơn do Th.S Trần Võ Thị Kim Siêng (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh) thực hiện hé ra nhiều điều. Trong số 100 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay ở Quy Nhơn, nhóm chọn khảo sát 63 cơ sở, và trong số này chỉ có 14 cơ sở đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về homestay. Khảo sát về nhu cầu, mức độ hài lòng của khách nhóm cũng nhận thấy, khách lựa chọn lưu trú homestay tập trung vào nhóm du khách trẻ, nhu cầu chi tiêu ít. Cuộc khảo sát này cũng chỉ ra, trong số những người khách từng sử dụng dịch vụ homestay, khi trở lại Quy Nhơn lần 2 chỉ có 36,2% tiếp tục sử dụng dịch vụ lưu trú này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, loại hình lưu trú homestay trước tiên cần phải định nghĩa lại cho đúng. Còn như Quy Nhơn hiện nay, phần nhiều chỉ có tên gọi “homestay” mà bản chất thì không phải vậy. Ở Hội An, homestay chủ yếu hình thành ở các làng nghề để phục vụ du lịch, du khách sinh hoạt, sử dụng nhiều dịch vụ cơ bản như chủ nhà. Du khách được hòa mình vào không gian văn hóa của cư dân địa phương. TP Quy Nhơn không có những làng nghề, không có được không gian đủ rộng để du khách và chủ nhà có thể cùng trồng rau, thả gà, chăm hoa… Homestay chỉ như một kiểu lưu trú đơn giản và nhanh chóng mất khách. Bên cạnh đó, giữa dịch vụ homestay và các loại hình lưu trú khác cạnh tranh nhau khá gay gắt, dẫn đến tình trạng bát nháo trong kinh doanh lưu trú, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Quy Nhơn.
Anh Trần Xuân Nhất, chủ cơ sở Nhơn Lý homestay (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn), cho biết, homestay là một phần của sản phẩm du lịch cộng đồng. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển dịch vụ homestay, ngoài việc chủ động tiếp cận thông tin, những gì mà du khách cần chủ nhà đáp ứng, chúng tôi cần cơ quan chức năng hỗ trợ, định hướng để góp phần quảng bá du lịch, phát triển đúng loại hình lưu trú này ở địa phương.
Làng chài ven biển và homestay
Để hài hòa giữa việc bố trí quỹ đất cho phát triển thương mại, dịch vụ, lưu trú, công trình công cộng, việc hạn chế chuyển đổi đất ở sang xây dựng cơ sở kinh doanh lưu trú, hạn chế cấp phép xây dựng các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ đang được triển khai. Có thể nói hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú ở khu vực nội thành Quy Nhơn đang mau chóng đi vào quy củ.
Tuy nhiên, khi Quy Nhơn - Bình Định đang trở thành điểm đến hút khách, du lịch cộng đồng ở các vùng ngoại thành chính là sản phẩm du lịch thu hút khách ở lại. Trong đó, dịch vụ homestay chính là một phần của sản phẩm du lịch cộng đồng này. Điểm thuận lợi trong vấn đề này là Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng làng chài ven biển Quy Nhơn” đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt; trong đó hai thôn Lý Hưng, Lý Lương (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng) là mô hình thí điểm.
Theo ông Vũ Đình Chiến, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh - du lịch (Trường CĐ Bình Định), với Quy Nhơn, khu vực phát triển dịch vụ homestay hiệu quả nhất đó chính là các làng chài ven biển, các xã ngoại thành. Loại hình dịch vụ lưu trú homestay cần yếu tố then chốt là cư dân bản địa - chủ thể nuôi dưỡng văn hóa đặc trưng của địa phương, từ đó truyền tải đến khách du lịch những điều hay, ý đẹp về vùng đất đó, về con người nơi đó. Cùng với việc triển khai lưu trú, ta còn phải tăng tính kết nối với cộng đồng dân cư, khi đó du khách mới tìm thấy được những trải nghiệm thú vị, nhiều màu sắc và họ mới có ý định trở lại. Và một điểm mà tất cả các chuyên gia, doanh nhân đều lưu ý là trong phát triển du lịch cộng đồng ở các làng chài ven biển Quy Nhơn, phải chú trọng việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc đặc trưng của làng chài.
Trong buổi họp công bố đồ án Quy hoạch 1/2000 khu vực 12 phường nội thành TP Quy Nhơn hôm 6.1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã có gợi mở rất hay: Nên phát triển du lịch cộng đồng ở làng chài Nhơn Châu thành một điểm đến trải nghiệm tuyệt vời của Quy Nhơn. Trên đảo ngọc này nên giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa kết hợp với tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng cư dân… thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Ở Nhơn Châu không có chỗ cho những công trình khách sạn bê tông hoành tráng, du khách đến Nhơn Châu nên sử dụng loại hình lưu trú phù hợp nhất, đó không gì khác hơn chính là homestay.
THU DỊU