Trao yêu thương trong từng món ngon ngày Tết
Ðón Tết, nhiều phụ nữ muốn tự tay chuẩn bị những món ăn đặc trưng cho gia đình và làm quà biếu. Thói quen truyền thống này giúp an toàn thực phẩm cho mùa sum họp, nghỉ dưỡng dài và quan trọng nhất trong năm. Hơn hết, đó là cách họ nói lời yêu thương với tổ ấm của mình.
Chị Trần Thị Hiền (phải) cùng bạn là chị Nguyễn Thị Xuân Hương làm rượu trái cây cho Tết này.
Vị Tết nhà làm
Thời nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sung túc và thực phẩm Tết thì hết sức phong phú. Thị trường sẵn sàng “ship tận bếp” từ hàng xuất xứ thôn dã đến nhập khẩu cao cấp. Song, không vì thế mà sức hút của việc tự làm thực phẩm Tết cho gia đình của các bà nội trợ giảm đi. Thậm chí, với tâm lý e ngại thực phẩm mất an toàn, “phong trào” càng sôi nổi. Vậy nên, dù bận rộn với công việc cuối năm, chị em vẫn thu xếp để “tủ” vài món ngon cho gia đình Tết này.
Vốn nội trợ khéo và yêu việc bếp núc, Tết năm nào chị Trần Thị Hiền (41 tuổi, giáo viên, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cũng tự làm khá nhiều món, từ các loại bánh, mứt đến đồ ăn mặn. Làm cho nhà và biếu, tặng, mỗi thứ một ít song cũng khá mất thời gian. Thú vị là chị khéo sắp xếp, bố trí mọi việc hợp lý nên không thấy sự tất bật, vất vả. Cứ tầm từ rằm tháng Chạp là hàng xóm thấy chị đặt cái bếp than trước hè, túc tắc làm với dáng vẻ, nét mặt khoan thai. Chỉ mớ trái cây mới mua về, chị cho biết: “Tết năm nay, ủng hộ việc siết chặt tình trạng uống rượu bia, tôi chuẩn bị nhiều loại nước trái cây lên men nhẹ để thay thế. Hy vọng ông xã, người thân, bạn bè là nam đến nhà chơi ngày Tết hiểu được tâm ý, thông điệp, nỗi lo của cánh phụ nữ mà nhiệt tình hưởng ứng. Có thể đồ tự làm không được bắt mắt nhưng chất lượng, an toàn đảm bảo, đặc biệt, hai con thích thú với những món “độc” mẹ làm”.
Trao yêu thương, khắc dấu vai trò
Ở nhiều gia đình, không chỉ ở phụ nữ, niềm hứng thú chuẩn bị cho bữa ăn ngày Tết còn lan sang những thành viên khác, nhất là những ông bố, con trai. Cùng nhau làm, gia đình thêm một dịp quây quần, bên nhau trong những niềm vui thường nhật.
Khung cảnh cả nhà cùng làm đồ ăn cho Tết ở gia đình bà Lê Thị Ngọc (55 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thật vui. Nếu Tết những năm trước, khi chưa có con dâu và con gái còn đi học xa, bà Ngọc thường làm mọi thứ một mình. Nay cả nhà không chỉ cùng làm, mà ai cũng muốn trổ tài, làm món sở trường riêng. Con gái Phạm Lê Duyên có tài làm bánh trung thu, bánh su kem, rau câu… , sẽ kết hợp cùng khiếu làm rượu trái cây, mứt… của chị dâu Phạm Thị Lệ Quỳnh để cùng đảm trách khâu đồ ngọt. Các món mặn, đặc biệt dưa món, ba chỉ ngâm mắm, bò khô… vốn là những món sở trường của bà Ngọc.
Không khí chộn rộn chuẩn bị cho Tết lôi cuốn cả cụ Nguyễn Thị Be, 85 tuổi, mẹ chồng bà Ngọc. Đã nhiều năm qua, nhờ có con dâu đảm, mọi việc tết nhất, giỗ chạp trong nhà, bà Be rất tin tưởng giao lại cho con. “Dịp Tết đến, thấy con cháu quây quần ấm cúng thế này, lòng người già mừng lắm. Nằm nghỉ trưa trong phòng nghe chúng “phân công nhiệm vụ” mà thấy vui lây”, cụ Be vui vẻ góp chuyện. Cháu nội cụ Be, anh Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Cả nhà thống nhất ăn Tết gọn nhẹ, không để việc nội trợ làm phụ nữ mất Tết. Tuy vậy, mẹ, em gái, vợ tôi đều chung ý kiến: Nhà có đến 3 phụ nữ nên không thể để bếp nhà toàn đồ mua. Việc làm vài món cho Tết nếu biết sắp xếp và các thành viên cùng chia sẻ cũng không vất vả gì, còn giúp cả nhà có thời gian bên nhau, hiểu nhau, thu hẹp khoảng cách thế hệ nhất là gia đình 4 thế hệ như chúng tôi”.
* * *
Người phụ nữ và chuyện tự làm vài món cho gia đình ngày Tết, hay rộng hơn là những cách chăm lo khác, có lẽ là nhu cầu rất đặc thù giới, là bản năng. Tôi cảm nhận được điều này khi chứng kiến nỗi xúc động trở lại với căn bếp gia đình của một người phụ nữ trung niên mang bệnh nặng.
Căn bệnh ung thư khiến bà phải gắn liền với bệnh viện, 3 cái Tết trôi qua, bà bất đắc dĩ trở thành thành viên yếu thế được cả nhà chăm sóc. Ấm áp vì chồng con ở bên lúc đau ốm, nhưng việc rời xa căn bếp hay những công việc quen thuộc gắn liền với vai trò người con dâu, người vợ, người bà khiến bà rất nhớ. Tết này, khỏe nhất trong 4 cái Tết từ khi phát hiện bệnh, bà háo hức chuẩn bị thức ăn, sắp xếp lại nhà cửa. Gia đình con trai đầu sống ở Sài Gòn, 3 cái Tết từ khi mẹ chồng bệnh nặng, con dâu ăn Tết quê chồng, lo Tết thay mẹ. Năm nay khỏe, mẹ chủ động bảo gia đình con ở lại ăn Tết nhà ngoại 1 năm. Người phụ nữ mang trọng bệnh ấy đang hạnh phúc chuẩn bị Tết cho gia đình mình, không quên làm những món con dâu đầu thích…
Tự làm thức ăn cho nhà dịp quan trọng như Tết, đâu chỉ vì “ngon, rẻ, sạch”, đó có lẽ là cách không thể hiệu quả hơn để mỗi người phụ nữ trao yêu thương, đánh dấu vai trò của mình trong gia đình.
SAO LY