Những tấm lòng với tiền nhân
Với niềm tự hào về quê hương, nhiều người dân ở TX An Nhơn đã hết lòng ủng hộ tu sửa, xây dựng đền miếu đã hư hỏng ở làng quê mình.
Lần đầu tiên tham dự Lễ hội Vía Bà (thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn), tôi được nghe kể trọn vẹn chuyện về bà Đỗ Thị Tân sống ở thế kỷ XVII. Bà Đỗ Thị Tân là một bà mụ tốt bụng, tận tụy được vua Tự Đức sắc phong “Ân Đức Độ Nhân”, cho người dân được lập miếu thờ. Bên ngoài khu vực thờ cúng ở Miếu Bà có bảng “Minh cảm vĩnh tồn” ghi công ông Đặng Văn Thử và bà Trần Thị Thu, chủ DN nước mắm Mười Thu, những người đã phát tâm xây dựng, tôn tạo Miếu Bà vào năm 2006. Cũng vào năm này, Miếu Bà được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Miếu Bà ở Nhơn Phong được người dân góp công góp của xây dựng khang trang giúp Lễ hội Vía Bà được tổ chức hoàng tráng, nhiều hoạt động hơn.
Ông Đào Ngọc Anh, thành viên Ban quản lý di tích Miếu Bà, kể: Vì Miếu Bà hư hỏng nặng, năm 2001, nhân dân trong vùng góp công, góp của sửa chữa Miếu Bà. Ngày ấy, do còn nhiều khó khăn nên Miếu Bà không thể hoàn thành trọn vẹn. Dù vậy người dân vẫn cố gắng tổ chức Lễ hội Vía Bà. Đến năm 2006, nhờ sự đóng góp của vợ chồng ông Đặng Văn Thử nên Miếu Bà được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ. Bà con trong vùng cũng ấm lòng. Từ ngày Miếu Bà khang trang rộng rãi, Lễ hội Vía Bà có nhiều người thăm viếng hơn, việc tổ chức các lễ nghi cũng trang trọng hơn. Người dân ở đây ai cũng vui.
Ngày tôi đến viếng, đền thờ Châu - Trần nhị thị (tức hai bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân, ở khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn đang được người dân góp sức xây dựng. Theo lời kể của người dân nơi đây, hai bà thuộc gia đình phú hào đã xuất tiền mua đất, đào và khơi dòng các nhánh sông, đắp 2 đập bồi Cây Sung và Thạch Yển nhờ đó nhân dân 3 huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát chẳng những đã có đủ nước để canh tác mà nhiều cánh đồng trở nên phì nhiêu, màu mỡ. Điểm đặc biệt là hai bà được cả triều Nguyễn Tây Sơn và triều Nguyễn Gia Miêu cùng vinh danh. Hơn thế, cảm công đức của hai bà, vua Minh Mạng phong thần và sắc tứ cho hai bà là Châu - Thị - Ngọc - Mã và Trần - Thị - Ngọc - Lân.
Biết được công lao và hiện trạng đền thờ hai bà, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên bảo tàng viên công tác tại Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn) dày công tìm cách xây dựng lại đền thờ hai bà. Tấm lòng của bà Hằng được một du khách ở TP Hồ Chí Minh ủng hộ. Cộng với sự giúp đỡ của một số người khác, bà Hằng bỏ thêm tiền túi ra xây đền thờ. Bà Hằng bày tỏ: Tôi nghĩ chỉ có bắt tay thực hiện thì nhiều người mới biết đến. Bây giờ có thêm thầy Phan Thanh Châu, một thầy giáo đã về hưu ở địa phương tham gia cùng tôi vận động để xây dựng lại đền thờ.
Thầy Châu còn vui vẻ cho biết thêm: Sinh ra lớn lên, tôi đã nghe người dân quê tôi kể về hai bà có lòng nhân hậu, đức độ nhưng tôi không rõ chi tiết. Về sau được chị Nguyễn Thị Thúy Hằng cung cấp rồi tôi sưu tầm thêm nữa nên sức thuyết phục lớn dần. Vừa rồi, tôi có mấy người bạn ở TP Hồ Chí Minh về quê ăn giỗ có qua thắp hương cho bà. Họ chia sẻ, mình sinh ra trên quê hương này, ít nhiều cũng nên có chút tình với quê hương, với tiền nhân, nên góp chút công sức tri ân. Họ không chỉ góp tiền mà còn cùng nhau vận động anh em bạn bè quê gốc An Nhơn trong TP Hồ Chí Minh ủng hộ. Hiện giờ nhiều người đã biết đến công lao của bà nên cùng nhau góp sức xây dựng lại đền thờ… Ra Giêng, khi hoàn thiện những khâu cuối cùng, đền thờ bà sẽ trang nghiêm, đẹp đẽ hơn.
Từ những tấm lòng với bậc tiền nhân như vậy, tôi tin những truyền thống tốt đẹp của cha ông sẽ tiếp tục được phát huy, tình làng nghĩa xóm sẽ ngày càng khắng khít.
THẢO KHUY