Ðừng để nhập viện do “quá chén”
Sau gần 2 tuần thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, số ca TNGT nhập viện do uống rượu, bia trên địa bàn tỉnh giảm nhiều. Tuy vậy, các bác sĩ vẫn cảnh báo tình trạng TNGT, loạn thần do “quá chén”.
Trước đây, gần tết luôn là thời điểm các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2020 đến nay, tình trạng bệnh nhân nhập viện do TNGT có sử dụng rượu, bia đã giảm mạnh.
Giảm 50% số ca TNGT do bia, rượu
Buổi chiều những ngày này, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh đã “hạ nhiệt” với các ca cấp cứu, điều trị TNGT do bia, rượu. Theo bác sĩ Trưởng khoa Đào Văn Nhân, khoa cấp cứu, điều trị khoảng 140 bệnh nhân/ngày. Trong số này, dịp cận Tết hằng năm, riêng bệnh nhân TNGT nhập viện có liên quan đến sử dụng bia, rượu lên đến 30 trường hợp/ngày. Tuy nhiên, dịp Tết năm nay, các bác sĩ đỡ vất vả hơn khi bệnh nhân liên quan đến TNGT do rượu, bia giảm mạnh.
Bệnh nhân P.V.V (Tây Sơn) được cấp cứu chấn thương sọ não sau TNGT do rượu, bia.
“Từ ngày 1.1.2020, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực và thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn, số ca TNGT, ẩu đả do liên quan đến rượu, bia giảm chỉ còn một nửa so với năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng!”, bác sĩ Nhân cho hay.
Tương tự, bác sĩ Trương Kim Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh, so sánh: Trước đây, lượng bệnh nhân nội trú bình quân 140 - 150 trường hợp/ngày, trong đó bệnh nhân mới vào viện khoảng 15 - 20 ca, thì nay giảm rõ, chỉ còn khoảng 100 - 110 bệnh nội trú. Điều này rất khác, bởi mọi năm, gần Tết thì bệnh nhân càng tăng, chủ yếu các ca chấn thương do TNGT, ẩu đả, ít nhiều liên quan đến bia, rượu.
Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ đầu tháng 1 đến nay, số bệnh nhân giảm đáng kể, giảm áp lực cho bác sĩ. Không chỉ bệnh nhân TNGT nặng, mà số ca nhập viện do ngộ độc rượu cũng giảm hẳn.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu, BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho biết: Trước đây, khoa thường tiếp nhận 30 - 40 ca/ngày do TNGT liên quan đến bia, rượu, nhưng hiện chỉ còn khoảng 1 - 2 ca/ngày. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các năm trước. Nghị định 100 của Chính phủ ban hành đã thực sự có hiệu quả trong việc hạn chế TNGT.
Cảnh báo không thừa
Chiều 8.1, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh, tiếp nhận bệnh nhân P.V.V (SN 1978, ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) chuyển viện từ TTYT huyện Tây Sơn, với tổn thương chấn thương sọ não sau TNGT. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Chị L.T.M, vợ anh P.V.V, cho biết: “Chồng tôi làm thợ xây dựng, gần như ngày nào cũng “làm chén cho vui”. Trưa 8.1, ổng bảo nhà chủ hoàn công công trình, nên ở lại uống chút rồi về. Ai ngờ đến chiều, bệnh viện gọi báo ổng đang cấp cứu do TNGT”.
Cùng với TNGT, các bác sĩ cũng cảnh báo, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu, bia có thể tăng. Trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp; đáng chú ý là tình trạng ngộ độc, loạn thần do bia, rượu…
Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc quản lý và điều hành Bệnh viện Tâm thần Bình Định, các rối loạn tâm thần do rượu rất đa dạng, thường gặp ở những người uống rượu nhiều năm. Một nhóm các triệu chứng loạn thần xuất hiện trong khi hoặc sau khi sử dụng rượu đặc trưng là các ảo giác như: Nghe tiếng nói trong đầu, nhìn thấy sự vật hiện tượng không có trong thực tế, hiện tượng nhận nhầm, các hoang tưởng hoặc ý tưởng bị truy hại, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc.
Trong 3 năm trở lại đây, Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần do rượu nhập viện, cụ thể năm 2017 là 190 lượt, 2018 là 177 lượt và 2019 là 170 lượt. “Người nghiện rượu gây ra nhiều vấn đề cho an ninh xã hội, hạnh phúc gia đình và sức khỏe bản thân. Hậu quả của nghiện rượu rất nghiêm trọng, tỷ lệ nhập viện chiếm 8 - 9% các trường hợp nhập viện tại bệnh viện đa khoa, 22% nhập viện ở bệnh viện tâm thần”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
THU HIỀN