Tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914-1.1.2014)
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), là người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của mình, được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Trị Thiên; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị; Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương; Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Chính ủy các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam..., đồng chí luôn đem hết tâm lực hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
*
Cách đây 68 năm, tôi đến Trung bộ Phủ - Cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế thăm cậu Hoàng Anh, người em họ của mẹ tôi, cùng làm việc với anh Nguyễn Chí Thanh. Cậu Hoàng Anh dẫn tôi đến chào anh Thanh và nói: “Đây là cháu tôi, ở bên Đội Tình báo”. Anh Thanh bắt tay tôi rồi nói: “Chà! Mới 12 tuổi mà đã vào lính rồi. Giỏi!”.
Mấy hôm sau, người chỉ huy tình báo gọi tôi đến, nói: “Em biết tiếng Pháp, nên anh Thanh chọn em làm liên lạc cho Đội bảo vệ, hộ tống ông Hoàng Xu-pha-nu-vông về nhận chức trong Chính phủ cách mạng Lào”.
Sau này, tôi mới biết anh Thanh làm Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Trung ương Đảng còn giao Anh nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng thời theo dõi giúp đỡ cách mạng Lào và Cam-pu-chia.
Tôi theo Đội bảo vệ đưa đoàn của ông Xu-pha-nu-vông về Lào. Ông nhận chức Bộ trưởng ngoại giao kiêm Tư lệnh các LLVT Liên quân Lào - Việt kiều, kéo 600 quân về Thà Khẹc mở mặt trận chống Pháp.
Ngày 21.3.1946, quân Pháp tấn công dữ dội. Mặt trận bị vỡ, chúng chiếm Thà Khẹc. Chúng tôi cùng Liên quân chiến đấu bảo vệ ông Hoàng, cùng Bộ chỉ huy vượt sông Mê Kông, qua Na-khon-phả-nôm lánh nạn. Đội bảo vệ được lệnh rút về Huế, giải thể và trở lại các đơn vị cũ đang tham gia bao vây quân Pháp từ Lào kéo về đóng ở bờ Nam sông Hương. Tình hình cả nước lúc này rất căng thẳng với âm mưu giặc Pháp muốn trở lại cướp nước ta một lần nữa. Ở Huế, anh Thanh đã quy tụ được những bạn tù từ Buôn Ma Thuột, như Lê Chưởng, Trần Hữu Dực, Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng, Hoàng Anh… về cùng anh và quân dân Thừa Thiên-Huế chuẩn bị kháng chiến. Lực lượng ta ở Huế có chừng bốn tiểu đoàn. Anh Thanh điều động đồng chí Hà Văn Lâu, Chỉ huy trưởng Mặt trận Nha Trang ra Huế nhận nhiệm vụ Tư lệnh mặt trận Huế, kiêm trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân. Ban tình báo phân công tôi làm liên lạc đưa công văn từ Chỉ huy Mặt trận đến Bí thư Tỉnh ủy và ngược lại. Anh Thanh và bác Bộ Hán - mẹ anh đều ở trong thành nội. Thương con trai vất vả, bác Bộ Hán từ làng quê Niêm Phò lên Huế lo cơm nước và chăm lo cho con đánh giặc.
Ngày 19.12.1946, Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đêm hôm đó, Tư lệnh Hà Văn Lâu lệnh cho Lê Vừa nổ bom phá cầu Tràng Tiền. Tiếng bom nổ phá cầu cũng là mệnh lệnh của Tỉnh ủy cho các LLVT hiệp đồng nhất loạt nổ súng đánh quân Pháp.
Trên mặt thành nội Huế, gần cửa Thượng Tứ, Anh Lâu lệnh cho khẩu đại bác 75mm duy nhất của mặt trận bắn vào các vị trí của giặc. Kho xăng của giặc ở trường Khải Định trúng đạn bốc cháy; tiếng reo mừng của đồng bào vang trên mặt thành, hòa cùng tiếng thét xung phong của bộ đội. Trời sáng rõ, anh Thanh cùng lãnh đạo Tỉnh ủy đứng trên mặt thành theo dõi cuộc chiến đấu và chỉ đạo tôi đến báo anh Lâu cho đồng bào vào ngay hầm hố ẩn nấp và chuẩn bị tản cư. Dân vừa rời mặt thành thì cũng đúng lúc giặc nã hàng loạt đạn cối tới. Khẩu đại bác của quân ta bị hỏng do trúng đạn địch, nhà anh Thanh ở trong thành nội cũng trúng đạn, sạt một góc mái. Bác Bộ Hán vẫn không rời chỗ ẩn nấp trong nhà, chờ anh Thanh về.
Súng vẫn nổ vang rền bên bờ nam sông Hương; cả thành phố Huế sôi sục không khí chiến đấu. Trừ người già, trẻ con gồng gánh theo nhau ra khỏi Huế, còn tất cả trai trẻ, sinh viên học sinh đổ ra đường đào hào, đắp ụ súng, khiêng cả bàn ghế, tủ thờ, câu đối hoành phi ra lập chiến lũy, nhằm chống quân viện binh Pháp.
Từ hôm đó cho đến gần 50 ngày sau, anh Thanh vẫn bám sát mặt trận. Tụi nhỏ chúng tôi có hơn ba chục đứa, được anh Thanh, anh Lâu chia về làm liên lạc trinh sát, phục vụ các đơn vị quân giải phóng, vừa đưa thư, công văn, chuyển mệnh lệnh từ Ban chỉ huy mặt trận về các đơn vị, vừa tìm cách giết giặc, lập công. Khi nghe báo cáo và biết trong chúng tôi có đứa bị thương, hy sinh hoặc bị giặc đánh đập, tra tấn, anh Thanh xót xa nói với anh Hai: “Tội nghiệp tụi nhỏ. Bao giờ đánh xong giặc phải cho hết các em tiếp tục trở lại trường học”.
Những ngày cuối bị vây, giặc Pháp ở Huế rệu rã, chuẩn bị cờ trắng đầu hàng, thì từ Đà Nẵng, hàng nghìn tên cùng xe tăng theo Quốc lộ 1 ồ ạt đánh ra. Từ trên máy bay, quân nhảy dù cùng lương thực, súng đạn đổ xuống phá vòng vây, liên lạc được với quân đồn trú. Từ ngoài biển, quân Pháp cho tàu chiến nã đại bác vào, rồi đổ quân lên cửa Thuận An, cửa Tư Hiền. Từ cửa Thuận An, chúng dùng ca-nô chở quân theo các nhánh sông đánh bọc sau lưng quân ta. Trước thế địch quá đông và mạnh, ta bị thương vong nhiều, bộ đội chặn địch không nổi, bị vỡ từng mảng…
Ngày 7.2.1947, Mặt trận Huế bị vỡ. Anh Lâu và Hoàng Anh cho nổ bom phá cầu Phú Ốc, cầu Hiền Sĩ bắc qua sông Bồ, rồi tập họp số bộ đội, tự vệ còn lại, dẫn họ lên chiến khu.
May sao, trước đó, anh Thanh đã cho người đi nghiên cứu, lập được Chiến khu Hòa Mỹ. Nhà máy sửa chữa vũ khí, phòng dược sản xuất thuốc, bệnh viện quân dân y, lương thực, thực phẩm, thuốc men và tài liệu, sách báo cũng được gánh đi. Anh Thanh và cán bộ Tỉnh ủy ra vùng cát ven biển Quảng Điền trực tiếp đón bộ đội, cán bộ thuyết phục, khuyên họ trở lại, tìm đường lên chiến khu.
Ngày 13.2.1947, giặc Pháp đánh chiếm xong cả tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chúng ra sức đốt phá, hãm hiếp, giết người nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân. Chúng huênh hoang tuyên bố đã “làm cỏ” sạch Việt Minh cộng sản. Làng xóm tiêu điều, ruộng vườn xơ xác, dân và số cán bộ còn lại hoang mang, lo lắng…
Không thể bó tay nhìn giặc muốn làm gì thì làm, ngày 15.3.1947, với tư cách đại diện của Trung ương Đảng và là Bí thư Tỉnh ủy, anh Nguyễn Chí Thanh triệu tập hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, họp tại làng Nam Dương, huyện Quảng Điền. Cán bộ, bộ đội toàn tỉnh còn bám trụ lại được đã về dự họp. Hội trường là một nhà dân cơ sở. Đại biểu ngồi trệt xuống nền nhà, mặt mày ai nấy hốc hác vì đói ăn, thiếu ngủ, vì thương tiếc người thân bị giặc giết, nhà cửa bị đốt phá. Họ im lặng, căng thẳng ngồi chờ.
Giờ khai mạc, anh Thanh đứng lên chào đại biểu, thăm hỏi mọi người và dặn dò cách phân tán khi có địch càn và đại bác bắn tới. Rồi chẳng có diễn văn thưa trình rườm rà, anh lặng lẽ mở bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước đề ngày 5.3.1947 ra đọc. Trong thư Bác dặn: “… Không nên hoang mang, phải nhẫn nại nhưng cương quyết”. Bác phân tích tình hình: “Giặc đến đâu thì chúng giết hại, tàn phá, dân ta không khỏi cực khổ gian nan… Giặc càng rải ra chiếm đóng nhiều nơi thì càng mỏng manh, ta càng sẵn cơ hội đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng…”.
Mọi người xúc động lắng nghe. Đọc xong thư Bác, anh Thanh nói: “Lời dạy của Bác đã mở đường cho chúng ta đi. Bây giờ chúng ta nên kiểm điểm lại, để rút ra những bài học kinh nghiệm”. Rồi với nét mặt nghiêm khắc, anh nêu ra nhiều khuyết điểm của bản thân, của Tỉnh ủy và kết luận: “Bộ đội ta rất anh dũng, gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ chiến đấu để giành lại tự do, độc lập. Điều đáng trách là chúng ta không biết cách động viên nhân dân chiến đấu”. Anh đưa mắt trìu mến nhìn các đại biểu, giọng xúc động:
- Thưa các đồng chí! Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Chúng ta cần phải tranh thủ từng người dân, từng thôn xóm, không thể để mất dân. Chết không rời cơ sở. Chúng ta phải làm lại từ đầu và chúng ta nhất định thắng…
Sau ba ngày hội nghị, các đại biểu thấy rõ những phân tích của Tỉnh ủy là xác đáng. Họ tự liên hệ những thiếu sót của mình, nói hết những vướng mắc trong tư tưởng, được bí thư giải đáp thông suốt. Cuối cùng, Tỉnh ủy ra nghị quyết có đoạn nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo là phải nhanh chóng chuyển sang tấn công bằng cách đánh du kích, nhằm phá tan chính sách bình định của giặc, đưa phong trào kháng chiến vùng sau lưng địch vượt qua những khó khăn hiểm nghèo, tiến lên giành những thắng lợi mới”.
Tỉnh ủy đề ra những việc cần làm ngay: “Củng cố bộ đội, sau đó đánh một vài trận để gây lại lòng tin trong nhân dân. Khẩn trương đi tìm số cán bộ, đảng viên, bộ đội còn lẩn tránh đâu đó trở về hoạt động bám dân, bám đất, phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở quần chúng, động viên nhân dân tin tưởng là kháng chiến và cách mạng vẫn còn. Rồi dần dần lập ra các đội du kích đi diệt tề, trừ gian, chặt đứt tay chân, tai mắt giặc, biến cuộc kháng chiến thành phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, đánh các toán địch đi lẻ tẻ rồi dần dần đánh vào các đồn bốt của chúng…”.
Hội nghị bế mạc, đại biểu khẩn trương trở về cơ sở của mình. Về đến Hòa Mỹ, Hà Văn Lâu và Trần Quý Hai bắt tay ngay vào việc nghiên cứu tình hình địch, chuẩn bị đánh vài trận để báo cáo với dân là bộ đội vẫn còn. Anh Thanh ở lại ổn định xong hoạt động của cấp ủy hai huyện Phong Điền, Quảng Điền rồi đưa cơ quan Tỉnh ủy lên chiến khu.
Nhờ ảnh hưởng của Hội nghị Nam Dương lịch sử, bộ đội Trung đoàn Trần Cao Vân đã tụ tập về được gần hai tiểu đoàn. Anh Hà Văn Lâu chọn người lập ra một đội quân bí mật kéo về đồng bằng, tập kích tiêu diệt đồn Hộ Thành, giữa thành nội Huế. Chỉ 5 ngày sau, bộ đội Trần Cao Vân lại đánh tiêu diệt đồn Đất Đỏ. Dần dần bộ đội về đồng bằng làm nòng cốt vừa đánh địch, vừa xây dựng phong trào du kích, cùng dân tăng gia sản xuất, trồng thêm nhiều khoai sắn.
Hòa Mỹ đã khởi sắc, thoát nạn đói, nhưng đến chỗ anh Thanh ở, tôi vẫn thấy bác Bộ giã củ mì nấu cháo, luộc rau tàu bay nuôi anh Thanh. Gạo đã có, nhưng rất ít, phải dành cho bộ đội đi chiến đấu, cho trẻ em và thương bệnh binh ở Bệnh viện CK7.
Những đêm mùa đông ở Chiến khu Hòa Mỹ, trời giá lạnh và ẩm ướt. Đi ngang qua nhà anh Thanh, tôi thường thấy anh ngồi bên đống lửa, hong những cuốn sách bị ẩm và đọc sách đến khuya. Hồi đó, nhân dân cả tỉnh Thừa Thiên-Huế ai cũng thương quý, kính trọng anh, tôn vinh anh. Nhưng với chúng tôi, anh vẫn là người anh gần gũi, bình dị, rất yêu mến của lớp tuổi thiếu niên kháng chiến ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên.
Tôi nhớ, một dạo anh Thanh vắng mặt ở chiến khu. Nhiều người thì thầm thương tiếc nói với nhau, chắc anh Thanh và anh Lâu đưa quân về quốc lộ 1, đánh đồn An Lỗ đã bị Tây bắn chết. Trước đó, quân Pháp nghe tin “hai con hổ lớn” của rừng Hòa Mỹ xuất hiện, chúng tung quân đi càn. Giặc vây tứ bề. Hai anh hết đường chạy liền đội áo quần lên đầu lội ra ẩn nấp giữa một bàu nước. Chó săn của địch đánh hơi sủa vang quanh bàu nước. Hai anh lặn sâu xuống đáy bàu. Giặc bắn xối xả xuống nước, tin rằng Việt Minh đã chết, chúng kéo nhau đi lùng nơi khác. Áo quần chìm hết, hai anh lên bờ nấp vào bụi rậm, chờ đêm đến tìm vào nhà dân xin áo quần mặc và cơm ăn.
Sau đó anh Lâu đi thu quân, trở về Hòa Mỹ. Anh Thanh làm việc với huyện ủy Quảng Điền xong mới trở về.
Hòa Mỹ thời đó vô cùng gian khổ thiếu đói. Anh Thanh kêu gọi cuốc đất tăng gia, trồng được ít sắn (mì); nấu củ mì ăn với rau rừng thay cơm. Quân và dân từ đồng bằng chuyển lên được một ít gạo, nhưng có gạo phải đổi bằng máu. Giặc đi phục kích chặn đường giết dân công, cướp gạo. Chảo cơm nấu lên thấy toàn sắn. Một miếng sắn lớn chỉ “cõng” được vài ba hạt cơm. Chị em nấu bếp khi chia cơm, cố lắc cho sắn và cơm rơi xuống đáy chảo, hớt được vài bát sắn vụn có dính nhiều hạt cơm để dành cho anh Thanh và anh Hai. Hai anh thường chỉ ăn sắn, dành bát cơm đó cho người ốm và tôi.
Mùa đông ở chiến khu càng rét thì càng đói. Thấy tôi đến, anh Thanh hỏi: “Chú mi đói bụng không?”, rồi đưa cho tôi một khúc sắn luộc. Chiến khu đói, có bao nhiêu lợn, gà, trâu, bò đem lên từ ngày vỡ mặt trận ăn dần cũng hết. Người ở đồng bằng thoát ly lên rừng theo cách mạng càng đông thì càng thiếu lương thực. Khi chẳng còn gì ăn thì đành phải giết ngựa. Có bao con ngựa của các cấp chỉ huy, ngựa kéo pháo, ngựa thồ hàng, ngựa của liên lạc viên đều lần lượt “vào nồi”. Anh Thanh dặn anh Hai đừng cho giết ngựa của tôi, vì tôi còn bé mà phải dùng ngựa đi công tác xa, nhưng rồi chú ngựa của tôi cũng không thoát. Một hôm tôi đi vắng, vệ binh đã dẫn con ngựa của tôi đi giết thịt. Nghe tin, tôi ốm vì thương tiếc chú ngựa, anh Thanh đến, thấy tôi khoác cái bao tải đệm lưng ngựa, nằm co ro trong lán, Anh an ủi: “Thôi em đừng buồn nữa. Mai sau độc lập, bộ đội mình sẽ mạnh lên, em sẽ có con ngựa khác”.
Lúc Hòa Mỹ thiếu đói gian khổ nhất thì chị Cúc, vợ anh Thanh lên, ở trong Bệnh viện CK7 để sinh đứa con đầu lòng. Cậu bé Nguyễn Trường Sơn ra đời, mẹ chẳng có gì ăn, mất sữa. Bé Sơn khát sữa, đói, khóc suốt đêm ngày. Các cô, các dì chẳng ai nuôi con mọn để cho Sơn bú nhờ. Càng đói, Sơn càng khóc, dỗ thế nào cũng không nín, chị Mừng đem cái đàn tranh vào lều đánh hết bài nọ đến bài kia, hết Nam ai đến Tương tư, bé Sơn càng khóc dữ, khản cả cổ, tiếng khóc càng về sau càng yếu ớt. Sợ cháu không qua khỏi, các dì lo lắng giục chị Cúc báo cho anh Thanh về. Nhưng chị Cúc không muốn cho anh Thanh biết chuyện con ốm đói, để yên cho anh lo việc với Tỉnh ủy Quảng Bình. Lúc này anh là Bí thư Khu ủy, coi sóc cả Bình - Trị - Thiên. Bác Bộ và gia đình dưới quê lên bàn bạc với chị Cúc và quyết định phải đưa Sơn về làng nuôi, có thuốc uống, có sữa, may ra cứu được Sơn. Nhưng do còn bé quá, vừa đói vừa bị sốt rét, ốm nặng, cháu Sơn đã qua đời tại Niêm Phò. Đó là nỗi đau mất mát lớn nhất của vợ chồng anh Thanh, chị Cúc.
Năm 1948, tôi được bổ sung ra cho Ban Tình báo Quảng Trị, rồi được điều lên Ba Lòng để đi học lớp Thiếu sinh quân của Trung đoàn 95. Trung đoàn trưởng Lê Nam Thắng đến thăm lớp và hỏi tôi là bà con họ hàng thế nào với anh Thanh. Tôi thưa, tôi không phải bà con ruột thịt gì, chỉ là lính của anh Thanh thôi. Và tôi hiểu, việc mình được gọi cho đi học, là có ý kiến của anh Thanh.
Khi đó, anh lo chỉ đạo cả Bình-Trị-Thiên vượt qua biết bao gian nan, ác liệt đưa cuộc kháng chiến giành nhiều thắng lợi, giải phóng được một số huyện ở đồng bằng, đưa lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, thành lập cả một đại đoàn. Quân dân Bình-Trị-Thiên biết ơn, suy tôn anh là linh hồn của cuộc kháng chiến. Giặc Pháp cũng nể sợ anh, gọi anh là "vị cứu tinh của Bình Trị Thiên" (le sauveur de Binh Tri Thien), nhưng anh vẫn là một người bình dị, quan tâm chăm sóc đến từng người dân, người lính.
Khi anh ra làm Bí thư Liên khu ủy 4, theo đề nghị của anh và tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu, Bác Hồ và Bộ Quốc phòng cho phép thành lập Trường Thiếu sinh quân. Sau đó, tất cả đội viên nhỏ tuổi của Đại đoàn 325 được đưa ra Thanh Hóa nhập trường học tập.
Sau ba năm học tập, khi ra trường, tôi được trở về đơn vị cũ, đi chiến đấu giúp bạn Lào và Cam-pu-chia cho đến tháng 8.1954 mới rút quân về nước. Tiếp đó, tôi được giao nhiệm vụ làm công tác điện ảnh, thuộc Tổng cục Chính trị và lại được sống gần anh Thanh. Mấy năm được ở gần, anh vẫn nhắc lại những ngày gian khổ ở chiến khu Thừa Thiên. Khi tôi đến thăm gia đình, sắp đến bữa ăn, anh hỏi chị Cúc: “Có gì ngon thì đem đãi chú em ở Hòa Mỹ!”.
Thời gian tôi được chuyển ngành về Quảng Bình làm công tác văn học báo chí, lại được đón anh vào Đồng Hới. Lúc này anh làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, vào Quảng Bình chỉ đạo xây dựng Hợp tác xã Đại Phong ở huyện Lệ Thủy. Xa cách mấy năm gặp lại, anh vẫn vui vẻ, bình dị, sống chan hòa với mọi người như xưa. Có lần anh đưa chị Cúc và cháu Hà cùng vào, Tỉnh ủy mời anh chị và cháu ở nhà khách giao tế, nhưng anh chị ở nhờ cơ quan Tỉnh hội Phụ nữ. Ở đó có chị Bình, chị Hoa, chị Huê, là bạn cùng hoạt động phụ nữ với chị Cúc ở Khu 4. Các bạn chị Cúc thường khen anh Thanh là “ông mối mát tay”, đã tác thành cho nhiều cặp trở thành vợ chồng sống hạnh phúc bền lâu.
Ở Đồng Hới, anh luôn về với các hợp tác xã nông nghiệp. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện hay ở Đại Phong. Tôi theo anh về Lệ Thủy để viết về ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong mà anh Thanh khen ngợi và quyết tâm bồi dưỡng, xây dựng nhân tố này trở thành Anh hùng Lao động.
Khi anh về Đại Phong, anh đi thẳng vào xóm thăm dân, thăm hỏi những nhà nghèo nhất, rồi mới đến các gia đình có “của ăn, của để”. Anh hỏi rất cặn kẽ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cách làm đồng của xã viên…, rồi vào bếp mở nồi xem cơm canh, mở thùng gạo, bồ thóc xem còn nhiều hay ít để biết dân no hay đói. Dân có điều gì muốn hỏi, còn thắc mắc với chính sách nông nghiệp, họ tâm sự với anh như những người nông dân trò chuyện với nhau. Anh về sống chan hòa, “ba cùng” và chuyện trò với nông dân như bà con ruột thịt, ít ai biết anh là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị. Anh ra đồng, áo nâu, đội nón cời, lội ruộng cày cấy, cùng ngồi ở bờ ruộng ăn củ khoai, uống nước chè trong quả bầu khô với xã viên. Nhiều khi anh bước xuống ruộng, nhặt bó mạ lên, thoăn thoắt cấy và hỏi vui:
- Có ai cấy nhanh kịp tui không?
Mấy cô cậu cấy đuổi không kịp, đấm lưng nhau hỏi:
- Trai cày ở mô tới mà cấy giỏi rứa hè?
Khi biết anh Thanh ở ngoài Hà Nội vào giúp Đại Phong, họ thân mật gọi:
- Anh Thanh ơi! Dám hò đối đáp với gái Đại Phong không?
- Sợ chi không dám - Anh Thanh trả lời và cất tiếng hò trong trẻo vang trên cánh đồng.
Rồi anh kể với bà con, hồi ở làng, nhà anh nghèo không có ruộng, phải đi làm mướn cấy cày, gặt thuê cho nhà giàu. Trời lạnh quá phải hút thuốc lá cho ấm, nên thành nghiện. Ít người biết, ông là Đại tướng, mà lại làm đồng giỏi và gần gũi với bà con nông dân như vậy…
Anh Thanh trở về Trung ương ít lâu thì Đại Phong trở thành Hợp tác xã Anh hùng. Cả nước dấy lên phong trào thi đua “Quyết học tập Đại Phong, cố đuổi kịp Đại Phong”. Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Vắng anh gần bốn năm, tôi về Đại Phong, bà con nông dân hỏi thăm tin tức vì thương nhớ anh. Họ không biết anh đang đi đâu, ở đâu. Tôi thì được đọc một số bài của anh đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ký tên là Hạ sĩ Trường Sơn. Nỗi nhớ đứa con trai đầu lòng đã theo anh vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Giữa tháng 7.1967, tôi đang ở vùng địch hậu Gio Linh, thì Thiếu tướng Lê Đình Sô, Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận B5 (mật danh của chiến trường Trị Thiên) gọi tôi về gấp. Tôi hồi hộp tìm đến hang H.1. Trong hang đá rộng như hội trường, mùi nhang trầm theo khói bay tỏa ra cửa hang. Anh Sô cũng là lính của anh Thanh hồi ở Huế nắm tay tôi nghẹn ngào nói: “Anh Nguyễn Chí Thanh mất rồi. Cậu về kịp dự lễ truy điệu anh”. Tôi lạnh người, bước vào cửa hang. Bộ đội tề tựu, nghiêm trang, thấy có cả Nhạc sĩ Huy Thục và Đội 1, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị.
Tại lễ truy điệu, sau khi anh Sô đọc điếu văn, lãnh đạo Bộ chỉ huy Mặt trận B5 lần lượt lên thắp hương vĩnh biệt anh Thanh. Huy Thục đứng lên chỉ huy giàn nhạc giao hưởng tấu lên bản “Vì miền Nam” bi hùng. Tiếng nhạc xen lẫn tiếng khóc vĩnh biệt anh Thanh của những người lính qua các thời kỳ chiến tranh đánh Pháp, Mỹ xâm lược…
Mãi đến cuối năm ấy, tôi mới được trở về Hà Nội và tìm đến nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ anh. Người quản trang kể nhiều về những người lính cũ của Đại tướng đến viếng, có người lính từ Thanh Hóa ra, đi bộ từ ga Hàng Cỏ đến thắp hương và ngồi bên mộ Đại tướng suốt đêm.
Sau này, vào dịp giỗ anh, có dịp được ra Hà Nội, tôi tìm đến thắp hương tưởng nhớ anh Thanh, chị Cúc và cùng các cháu của gia đình ôn lại những kỷ niệm khi anh Thanh, chị Cúc còn sống, luôn gần gũi, thương yêu chúng tôi - những người lính của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
. Theo TRẦN CÔNG TẤN (QĐNDO)