Tam Quan Nam: Làng nghề truyền thống sản xuất hàng hóa phục vụ tết
Làng nghề truyền thống làm bún, bánh ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn có 82 hộ sản xuất với các sản phẩm như: bún số 8, bánh tráng nước dừa, bánh củ lang, bánh tráng mì... những ngày cận tết, nhu cầu tăng cao, các gia đình nơi đây lại tất bật với việc sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường.
Bún số 8 ở xã Tam Quan Nam lâu nay nổi tiếng bởi vị dai, thơm với nguyên liệu chính là tinh bột mì. Hiện nơi đây có 36 hộ đang sản xuất sản phẩm truyền thống này. Gia đình ông Bùi Văn Thưa, ở thôn Tăng Long 1 làm bún số 8 đã hơn 30 năm, ông Thưa cho biết, để bún ngon, bên cạnh việc chọn loại bột tốt thì công đoạn khuấy và canh lửa là yếu tố quyết định đến chất lượng bún.
Theo ông Thưa, khi mua không nên chọn cộng bún có màu trắng mà nên chọn bún sẫm màu sẽ có chất lượng tốt hơn.
Hiện nay nhiều hộ đã áp dụng máy móc vào trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp làm ra nhiều sản phẩm hơn, đặc biệt trong mỗi dịp tết.
Không chỉ bún số 8, những hộ làm bánh tráng nước dừa cũng tất bật hơn ngày thường. Gia đình chị Trần Thị Ánh, ở thôn Cửu Lợi Bắc, từ đầu tháng Chạp đã phải tăng cường sản xuất để kịp cung cấp bánh cho thương lái. Chị Ánh cho biết, dù gần tết giá nguyên liệu tăng cao, nhưng giá bán vẫn không thay đổi, mỗi ràng 10 cái tùy vào kích cỡ bánh mà có giá từ 40 - 50 nghìn đồng.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tăng mạnh những ngày gần tết, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, bên cạnh đó còn góp phần gìn giữ nét đẹp ẩm thực địa phương cũng như làng nghề đã có từ rất lâu đời.
PHAN TUẤN (thực hiện)