Từ 1.7.2020, nâng chuẩn trình độ cho hơn 500.000 giáo viên
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2020), giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở phải có bằng cử nhân sư phạm. Số giáo viên cần nâng chuẩn trình độ dự kiến khoảng 500.000 người.
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo lần 2 của Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (MN, TH, THCS).
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2020), tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp học được nâng lên nhiều. Cụ thể, giáo viên MN phải có bằng cao đẳng sư phạm; giáo viên TH và THCS đều phải có bằng cử nhân sư phạm.
Để đáp ứng tiêu chuẩn trình độ được quy định tại Luật Giáo dục 2019 như nêu trên, tại điều 2 của dự thảo, Bộ GD&ĐT đề xuất các đối tượng giáo viên sau phải thực hiện nâng chuẩn trình độ: giáo viên MN chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên TH, THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ hồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Về độ tuổi của giáo viên phải nâng chuẩn trình độ, dự thảo Nghị định này quy định tính từ ngày 1.7.2020, giáo viên MN, TH, THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu.
Được biết, có khoảng 400.000 - 500.000 giáo viên MN, TH, THCS thuộc đối tượng nêu trên trên tổng số 1,2 triệu GV của cả nước phải tham gia các khóa đào tạo để nâng chuẩn trình độ.
Cũng theo dự thảo Nghị định, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, vẫn được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định; Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; Được khen thưởng, biểu dương nếu có thành tích xuất sắc trong học tập… Tuy nhiên, trong suốt thời gian khóa học, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo.
Theo PLO