Phát triển làng chài ven biển: Ðịnh hướng lâu dài, phát triển bền vững
Cuối tháng 12.2019, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH (thuộc UBND tỉnh) tổ chức Hội thảo đề tài khoa học cấp tỉnh về thực trạng và giải pháp phát triển làng chài ven biển tỉnh Bình Ðịnh theo định hướng phát huy toàn diện, tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
Một góc làng chài xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).
Tiềm năng phát triển đa dạng
Vùng bờ biển Bình Định dài khoảng 134 km - tính theo mép nước - có 19 làng chài tập trung ở các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn. Hầu hết lao động tại các làng chài này làm nghề liên quan tới biển, như: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làm muối… Theo Th.S Phạm Tấn Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh - chủ nhiệm đề tài, làng chài ven biển có nhiều vai trò trong việc đóng góp vào công tác quản lý nghề cá, bảo tồn thiên nhiên, môi trường, khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên và văn hóa của làng chài. Đặc biệt làng chài có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh biển, đảo.
“Trong 19 làng chài ven biển của tỉnh, cần phải đánh giá được làng chài nào sẽ định hướng phát triển du lịch, làng chài nào phát triển ngành thủy sản. Quan trọng nhất là phải có giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, giải quyết bài toán bảo vệ môi trường của các làng chài hướng đến phát triển bền vững”.
TS VÕ NGỌC ANH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh
Những năm gần đây, các làng chài ven biển xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Cát Tiến (huyện Phù Cát… là một trong những điểm đến du lịch biển thu hút rất nhiều du khách. Ông Trần Văn Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý, cho biết: “Bên cạnh nghề biển, vài năm trở lại đây, địa phương phát triển mạnh dịch vụ du lịch biển. Với tiềm năng, lợi thế về danh lam, thắng cảnh, nét văn hóa riêng ở địa phương, làng chài Nhơn Lý đã được chọn là một trong những địa phương thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm góp phần phát triển và bảo tồn văn hóa ở địa phương theo hướng bền vững hơn”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, địa phương có 7 thôn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, riêng chỉ có thôn Trung Lương là làm biển với nghề khai thác thủy sản xa bờ là chính và gắn liền với lễ hội cầu ngư - nét văn hóa truyền thống của ngư dân. Hiện khu vực bãi biển Trung Lương cũng đã quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, mở ra hướng phát triển mới trong tương lai của làng chài Trung Lương. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” các dịch vụ du lịch mang tính tự phát chưa mang tính chuyên nghiệp, thiếu bền vững là thực trạng đáng lo ngại.
Ngư dân thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) đánh bắt thủy sản gần bờ bằng thúng chai.
Định hướng lâu dài, phát triển bền vững
Để phát triển bền vững các làng chài ven biển cần có định hướng lâu dài với tầm nhìn xa để đảm bảo cân bằng các yếu tố KT- XH, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.
Ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho rằng: “Muốn các làng chài phát triển bền vững cần phải có nhiều cuộc khảo sát khoa học nghiêm túc theo từng làng chài một. Không thể làm kiểu rập khuôn, bởi mỗi làng chài ở Bình Định là một cá thể độc lập, có những giá trị độc đáo riêng. Ví dụ, những làng chài có tiềm năng phát triển du lịch sẽ cần những giải pháp cụ thể để phát triển lợi thế này, nhưng những làng chài có thế mạnh về nuôi trồng chế biến thủy sản lại khác, cư dân ở đó cần được hỗ trợ để phát triển nghề truyền thống của họ gắn với việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản…”.
Để phát triển làng chài theo hướng bền vững, Th.S Phạm Tấn Thành cho biết: “Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tổng quan về làng chài ven biển, chúng tôi nêu ra các giải pháp cụ thể về phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; phát triển du lịch cộng đồng tại các làng chài ven biển nhằm mục đích định hướng phát triển các làng chài ven biển của tỉnh gắn với giải quyết lợi ích KT-XH, nâng cao đời sống người dân gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng chài, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại các làng chài”.
Nghề biển là ngành mũi nhọn, tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân ở các làng chài, các vùng bãi ngang, ven biển. Do vậy, việc định hướng phát triển các làng chài ven biển cần phải có những giải pháp giảm nghề khai thác thủy sản gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, mang tính hủy diệt gây cạn kiệt nguồn lợi, môi trường biển; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, tạo việc làm cho ngư dân, đẩy mạnh phát triển nghề biển theo hướng hiện đại, tăng năng suất. Cùng với đó, muốn phát triển du lịch tại các làng chài, phải xây dựng quy hoạch phù hợp, khai thác tài nguyên du lịch hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân...
ĐOÀN NGỌC NHUẬN