Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ!
Ðó là tên bài hát hay nhất về Quy Nhơn mà tôi được nghe. Tác giả, nhạc sĩ Ngô Tín, một người con của đất Quy Nhơn, trong những năm tháng xa quê, đã rút ruột viết ra những giai điệu đầy hoài niệm và cảm xúc.
Thế hệ học trò Quy Nhơn trước và sau năm 1975, không ai là không biết đến tay guitar cừ khôi Ngô Tín của Trường Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn). Từ năm 18 tuổi, ông đã sáng tác nhạc, tác phẩm đầu tay là “Uyên ương gẫy cánh” và “Tỏ bày”, dựa theo tiểu thuyết của Kahli Gibran và thơ Tagore. Từ đó cho đến nay, ông đã sáng tác trên 200 ca khúc, trong đó có ca khúc để đời Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ.
Nói về những kỷ niệm với Quy Nhơn, nhạc sĩ Ngô Tín chia sẻ: “Hồi nhỏ, nhà tôi ở khu Ghềnh Ráng, gần mộ Hàn Mặc Tử. Ngày ngày tôi vẫn đến trường theo con đường ven biển (đường An Dương Vương bây giờ) với hàng phi lao luôn rì rào trong gió. Tôi có cô em gái học Trường Trung học Trinh Vương ở gần Nhà thờ Nhọn (tức Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn), những buổi chiều đến đón em, lại được nghe những tiếng guốc gỗ lao xao của các nữ sinh khi tan trường. Những âm thanh, hình ảnh thân thuộc ấy đã ngấm vào tôi, trở thành máu thịt, không thể phai mờ”.
Nhạc sĩ Ngô Tín đệm đàn cho ca sĩ Kiều Lệ hát bài “Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ” trong chuyến biểu diễn ở Mỹ (tháng 10.2019). ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Năm 1990, nhạc sĩ Ngô Tín xuất cảnh qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Ở quê hương mới, ông làm việc trong một trường đại học cộng đồng. Năm 2011, trong một lần họp Hội đồng hương Quy Nhơn ở Mỹ, ông gặp bà Xuân Thi, một cựu nữ sinh Trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). “Đọc được bài thơ của chị Xuân Thi, trong đó có câu Có ai về từ thuở hoang sơ/ Nói với tôi ngày xưa chốn cũ, những nỗi nhớ về Quy Nhơn trỗi dậy, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Trong ngút ngàn cảm xúc, đầy hoài niệm và thương nhớ Quy Nhơn, từ ý thơ của chị Xuân Thi, những giai điệu, ca từ cứ thế bật ra và bài hát Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ ra đời”, nhạc sĩ Ngô Tín kể lại.
Mặc dù là bài hát về một vùng đất, nhưng Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ không lạm dụng quá nhiều các địa danh trong ca từ như một số bài hát khác. Nhạc sĩ Ngô Tín chỉ chọn “cầu Đôi - tháp Đôi” và một vài tên gọi tiêu biểu khác để đưa vào bài hát vì ông cho rằng, đây là hai công trình đã có từ lâu ở Quy Nhơn, là biểu tượng về lòng chung thủy, son sắt của người Quy Nhơn nói riêng, người Bình Định nói chung, như những câu ca dao vẫn lưu truyền: Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi/ Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao; hoặc: Tháp kia còn đứng đủ đôi/ Cầu còn đủ cặp huống chi tôi với nàng.
Bởi vậy, Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài “địa phương ca”, trở thành một bài tình ca được nhiều người đón nhận, kể cả những người chưa gắn bó với Quy Nhơn. Khi bài hát ra đời, các danh ca (như Ý Lan, Lệ Thu…) và nhiều ca sĩ khác đã hát, nhưng đến khi được ca sĩ Kiều Lệ trình bày, bài hát mới trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích, có lẽ vì chị là một người con của đất Quy Nhơn nên lời ca tha thiết hơn chăng?
Nhạc sĩ Ngô Tín nói vui: “Sự thành công của Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ là nhờ 3 người con xứ Nẫu cùng góp sức: Chị Xuân Thi, tôi và ca sĩ Kiều Lệ”. Còn ca sĩ Kiều Lệ thì giãi bày: “Có rất nhiều ca khúc về Bình Định, về Quy Nhơn nhưng tôi thích nhất bài hát của nhạc sĩ Ngô Tín vì giai điệu đầy hoài niệm. Ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người nghe. Bài hát này được rất nhiều khán giả, không chỉ ở Quy Nhơn yêu thích, và lan tỏa đến nhiều nơi khác, kể cả nước ngoài. Trong chuyến biểu diễn tại Mỹ cuối tháng 10 năm 2019, khi tôi trình bày bài hát này, khán giả rất xúc động và ủng hộ. Trong đó, nhiều người quê Quy Nhơn sau khi nghe hát chỉ mong được về Việt Nam ngay để thăm lại Quy Nhơn với bao kỷ niệm. Đặc biệt, khán giả rất ủng hộ và vui khi nghe tôi nói giọng Nẫu chính hiệu”.
Ông Thịnh Phạm, một người gốc Quy Nhơn, hiện định cư ở Canada đã hơn 30 năm, là một nhạc công, sau khi nghe ca sĩ Kiều Lệ hát Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ trên Youtube, đã không ngăn được cảm xúc: “Một bài hát quá hay, quá cảm xúc về Quy Nhơn, làm tôi nhớ Quy Nhơn và bạn bè một thuở quá chừng. Tôi đã nghe đi nghe lại biết bao nhiêu lần và lần nào cũng rưng rưng vì nhớ nhà!”. Ông Lê Thanh Hải, đang làm việc tại Trường Đại học Quy Nhơn, thì cảm nhận: “Không giống như nhiều ca khúc khác viết về một vùng đất, bài này nhạc sĩ đã vượt ra được khỏi âm hưởng địa phương quen thuộc, mặc dù là bài hát viết về một địa phương cụ thể là Quy Nhơn. Vì vậy đã tạo cho người nghe như thấy một Quy Nhơn rất chung chứ không phải chỉ riêng của người Quy Nhơn, nên dễ đi vào lòng người”.
Với nhạc sĩ Ngô Tín, ông chỉ nói giản dị: “Bài hát là tâm sự của người con xa xứ, trong mênh mang những hoài niệm về một Quy Nhơn với bao ký ức không phai. Một thời tôi lớn lên và trưởng thành nơi mảnh đất miền Trung này. Tôi đã đi qua bao nhiêu nước trên thế giới, đã qua bao nhiêu phố phường nhưng không nơi nào đẹp bằng quê hương mình vì nơi đó có tình người. Quy Nhơn như một người mẹ, đi đâu cũng đau đáu nhớ về”.
Còn đó tháp Đôi cầu Đôi/ Tình mãi với hương thời gian/ Có còn nhớ không, khung trời Quy Nhơn… Ca từ với giai điệu da diết khiến những ai đã có kỷ niệm với Quy Nhơn, đã gắn bó với mảnh đất này, sẽ chạm đến tận cùng cảm xúc. Chợt nghĩ, nhỡ có đi đâu xa Quy Nhơn vài năm, tình cờ nghe bài hát này, thì có lẽ sẽ rưng rưng nhòa lệ vì bao nỗi nhớ mênh mang.
Nhạc sĩ Ngô Tín sinh năm 1954 ở Quy Nhơn, hiện định cư tại Mỹ. Dù không sống bằng nghề âm nhạc nhưng ông là một trong những guitarist hàng đầu hải ngoại theo phong cách Classical và Flamenco. Nhạc sĩ Ngô Tín tham gia biểu diễn nhiều nơi ở Mỹ và Việt Nam; đã phát hành CD “Em bây giờ mắt biếc” và CD hòa tấu Broken Wings name 2017. Nhạc của Ngô Tín đã được rất nhiều ca sĩ hàng đầu hát, như: Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Chung Tử Lưu, Ý Lan, Lệ Thu, Thanh Lan, Carol Kim, Nhật Hạ, Như Mai, Ðàm Vĩnh Hưng… Ðến nay, nhạc sĩ Ngô Tín đã sáng tác khoảng 200 ca khúc với chủ đề về tình yêu, quê hương và thân phận con người. Trong những lần về thăm quê hương, nhạc sĩ Ngô Tín rất vui mừng vì thấy Quy Nhơn ngày càng đẹp, khang trang nhưng vẫn giữ nét duyên mộc mạc, không xô bồ như một số thành phố ven biển khác.
HUỲNH THÚC GIÁP