Rong ruổi cùng những mùa hoa
Hoa, đối với tôi không chỉ là một thứ để làm đẹp không gian, mà hoa là ký ức tuổi thơ, là bộ đồ mới, là nồi thịt ngày Tết của gia đình. Và với những người trồng hoa khác, làng hoa khác, hoa cũng là ước mơ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Duyên nợ với hoa
Cứ như lời hẹn, qua 6 tháng đầu năm âm lịch, người dân đã rộn ràng chuẩn bị điểm màu cho Tết. Tầm tháng 5 âm lịch, người dân đặt giống hoa, tầm đầu tháng 7 tất bật bắt đầu gieo trồng. Theo chia sẻ của nhiều chủ vườn, giống hoa chủ yếu lấy từ Đà Lạt. Ngoài 2 loại hoa chủ đạo là cúc đại đóa và cúc pha lê để trồng chậu lớn, người ta còn nhập về nhiều giống hoa khác để phục vụ Tết. Lúc này, đất trồng hoa gồm: Đất, cát, tro, phân hữu cơ, trichoderma… đã được ủ kỹ. Để thuận lợi hơn, chủ vườn còn tự chế dụng cụ có hình thù như chiếc kìm phóng to dùng để gắp chậu hoa, nhờ vậy đỡ tốn công, tốn sức hơn rất nhiều.
Ở Bình Lâm, năm nay một số hộ dân thử nghiệm hình thức phủ lưới. Ngoài cúc, một số hộ dân khác ở Bình Lâm còn trồng hoa hồng và cúc đồng tiền.
Đi thăm nhiều vườn hoa mới hiểu tình cảm của người với hoa đậm như thế nào. Nhiều người trồng hoa cũng đã khá đứng tuổi hoặc cuộc sống không còn nhiều lo lắng bộn bề nữa nhưng vẫn không thể ngưng trồng hoa. Say sưa kể về hoa, ông Trần Long Dũng, người trồng hoa lâu đời ở thôn Xuân Mỹ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), kể: “Thường ngày tôi làm thợ xây, thu nhập khá ổn định, con cái cũng đã lớn nên tôi cũng có ý nghỉ trồng hoa nhưng làng tôi là làng hoa, tôi cũng gắn bó với hoa hơn chục năm rồi, nhờ hoa mà tôi nuôi được ba đứa con nên thấy người ta bắt đầu chuẩn bị là lòng chộn rộn. Năm nay tôi trồng khoảng 700 chậu cúc pha lê. So với đại đóa thì pha lê thấp giá hơn nhưng được cái ổn định, an toàn hơn. Ai đã theo trồng hoa vài ba năm là thành duyên nợ, là ham thích, nhiều khi lời lãi không bao nhiêu nhưng lấn cấn lừ chừ rồi cũng xuống giống, rồi thức canh… cháu ạ! Nhưng thế mà vui”.
Tô những ước mơ
Từ Xuân Mỹ đến làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa) không xa. Ngày trước nhắc đến nơi đây người ta thường tặc lưỡi “nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Người ta bảo vậy bởi vì nơi đây đất đai kém màu mỡ, mùa lũ thì bị cô lập. Tôi còn nghe ngày trước người ta không bao giờ muốn có con rể là người Bình Lâm. Nhưng bây giờ gần như không ai còn dám nói như thế về Bình Lâm nữa. Bởi chừng đôi mươi năm trở lại đây, nhiều người ở Bình Lâm theo nghề trồng hoa, và khấm khá nhờ hoa.
Thầy giáo Nguyễn Văn Pha là người đầu tiên đem cúc về nơi đây gieo trồng. Ngày đó chủ yếu là cúc kim, cúc Thượng Hải. Khách rất chuộng. Từ đó nhiều người đến nhờ thầy bày cách trồng cúc. Giờ đây, người dân chủ yếu trồng cúc đại đóa, cúc pha lê, một số người rẽ hướng sang trồng hoa hồng, cúc đồng tiền. Ông Lê Cao Minh, một người trồng hoa, chia sẻ: Tôi chuyên trồng hoa bán Tết đã 25 năm. Cả năm làm gì làm chứ đến vụ hoa thì mọi việc phải gác lại. Người ta trồng hoa đã lâu, nhưng độ 10 năm gần đây, nghề mới thật sự giúp đời sống người dân nơi đây khá lên nhiều thấy rõ. Bây giờ số hộ trồng hoa quanh năm rất nhiều...
Cũng trổ hoa từ đất bạc màu, dù muộn màng nhưng làng hoa Gia An Nam (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) có sức bật mạnh nhất. Năm 2013, nơi đây có 2 hộ dân tiên phong trồng hoa và rồi đến nay gần như cả làng theo nghề trồng hoa. Có thể nói hoa đã rợp khắp vùng đất bạc màu này quanh năm và đây là nghề chính của người dân. Đến đây, mọi người có thể thỏa sức chiêm ngưỡng khoảng 40 ha với đầy đủ các loại hoa như: Vạn thọ, mào gà, ly ly, pensée, cúc các loại... Qua mỗi mùa Tết, tùy theo diện tích mà mỗi hộ dân thu được hàng chục đến cả trăm triệu đồng, chưa kể hoa cung cấp cho ngày thường. Đến đây, tôi lại chợt nghĩ biết đâu sau này không chỉ nhờ hoa, người dân còn có thể sống nhờ du lịch nữa...
Quay về Quy Nhơn, Hà Thanh là vựa hoa lớn của thành phố, đến đây mọi người hoàn toàn có quyền nghĩ mình đang ở trên cánh đồng hoa. Ông Đặng Ngọc Trung, người hơn 10 năm gắn bó với vườn hoa nơi đây, chia sẻ: Trước kia chưa quy hoạch đất, mỗi độ xuân về nơi đây thăm thẳm một cánh đồng hoa, giờ thì rải rác mỗi nơi vài người. Tuy trồng hoa không phải khi nào cũng thuận lợi nhưng làm gì cũng vậy, lúc được lúc mất, được cái là anh em đồng lòng, nhu cầu thị trường ngày càng cao hơn nên nghề này cũng đem lại thu nhập khá ổn trong những ngày xuân.
ÐỖ THẢO