Âm vang cồng chiêng
Cồng chiêng là hồn cốt của đồng bào dân tộc thiểu số. Giống như nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác, cồng chiêng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh trước nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại. Thế nhưng, mùa xuân này bạn hãy thử ghé thăm Bình Định đi, tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ nâng bạn lên, đưa bạn hòa nhịp với những âm vang.
Hơn 2 năm trước, với mong muốn tìm hiểu về cồng chiêng, tôi và cô bạn tìm đến làng Kon Tơlok, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Chúng tôi không rành đường, nhưng người bạn địa phương mỉm cười bí hiểm, hãy định hướng theo tiếng cồng chiêng! Và không mấy khó khăn, chúng tôi đến đúng nhà văn hóa làng.
Từ những người giữ LửA
Thật ngạc nhiên, tiếng cồng chiêng chúng tôi nghe được vang lên từ bàn tay những thanh niên của các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa. Tôi thầm nghĩ vì sao nhiều người vẫn hay lo lắng rằng người trẻ hững hờ với cồng chiêng!
Ngày hội thi cồng chiêng của đồng bào DTTS xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: BDT
Cuối buổi giao lưu, chúng tôi được mời đến nhà của bok Đinh Kim, một nghệ nhân của làng. Nói là nhà nhưng đó chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ, bằng tre nứa, ở đó thanh niên của làng đã ngồi chật ních. Trong ngôi nhà nhỏ, nghệ nhân Đinh Kim đang dặn dò thanh niên về ý nghĩa của âm vang cồng chiêng và chỉnh lại những chỗ chưa đúng ở bài trình diễn vừa rồi. Đến đây tôi bắt đầu vỡ vạc, nhờ những người như nghệ nhân Đinh Kim, cồng chiêng mới dần neo lại trên những đôi bàn tay và hơn nữa - trong trái tim của thanh niên như hôm nay.
Nhận thấy những người yêu mến và hiểu biết về cồng chiêng dần xa khuất, trong khi thanh niên ham thích những điều mới mẻ, thờ ơ với văn hóa truyền thống, bok Kim một mình cùng chiếc túi thổ cẩm đeo xéo ngang hông đi đến từng nhà ở làng M2, gặp từng thanh niên để vận động, nhóm lửa. Mới đầu chỉ có dăm ba người đồng ý nhưng đến nay, số người chịu theo bok tập luyện hơn cả chục người. Và cứ thế, với đôi chân không mỏi, chiếc túi thổ cẩm và bộ đồ truyền thống của người Bana, bok Kim lặn lội đến các làng lân cận trong xã, rồi qua đến xã khác, tôi gọi đó là hành trình của tình yêu và trách nhiệm.
Ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương được người làng xem là cây đại thụ văn hóa của người Bana Kriêm. Bok Chương nay đã 80 tuổi, nhưng cái tuổi đó không làm ông có ý định ngưng việc truyền dạy cồng, chiêng cho lớp trẻ. Từ nhiều năm trước ông tập hợp người trẻ trong làng để dạy đàn, hát và cả cồng chiêng. Do vậy ở làng K8 của ông có những em nhỏ mới 7 tuổi đã bắt đầu đánh cồng chiêng, đây cũng là nơi có đội cồng chiêng thanh niên đông và đều khắp các lứa tuổi. Nghe tôi hỏi về nỗ lực trong những ngày đầu truyền dạy, bok Chương chỉ cười và khoe, xã ông là xã đầu tiên của tỉnh vừa tổ chức thành công Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I.
Cũng như bok Chương, bok Kim, già làng Lê Văn Ru (người Chăm H’roi, ở làng Hòa Hiệp, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), ông Đinh Xuân Hải (người H’rê, ở xã An Trung, huyện An Lão)… cũng luôn nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn vốn văn hóa quý báu của cha ông, giữ gìn hồn cốt của dân tộc. Gặp những người này, tôi mới biết thế nào là tình yêu và trách nhiệm với bản sắc văn hóa đồng bào mình.
Đến những sự quan tâm
Tôi là người từng viết bài cảnh báo nguy cơ có ngày cồng chiêng sẽ bặt tiếng, tôi cũng từng lo lắng khi biết chuyện có người trộm cồng chiêng bán đồng nát. Cho nên, có lẽ tôi được vui nhiều hơn khi tiếng cồng tiếng chiêng dần âm vang trở lại. Tôi đã có thật nhiều câu chuyện để kể cho bạn bè mình. Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng thật sự không phải là điều dễ dàng.
Biết được nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không còn cồng chiêng để sinh hoạt hoặc phần nhiều đã bị hư hao, lệch âm, năm 2017, UBND tỉnh triển khai đề án hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần mẫn với nhiệm vụ, Ban Dân tộc tỉnh liên hệ với nghệ nhân ở các địa phương cùng tham gia thẩm âm, phân tích đặc điểm cồng chiêng của từng dân tộc, từng địa phương để làm cơ sở đặt hàng chế tác những bộ cồng chiêng ưng ý nhất gửi tặng cho 119 làng. Ngay từ khi biết ý định của tỉnh, khắp các thôn làng nao nức niềm vui chờ đợi cồng chiêng mới.
Tối 11.9.2019, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, UBND tỉnh tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I - năm 2019. Tham gia liên hoan có 9 đoàn nghệ nhân từ các huyện miền núi, trung du: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và huyện Phù Cát. Tại đây những câu chuyện về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng đã được kể bằng những màn trình diễn đầy sắc màu. Ðiều đáng vui, đoàn của huyện Vĩnh Thạnh có đội cồng chiêng của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh. Vậy đó, ai cũng có quyền hy vọng về tiếng cồng chiêng vang xa mãi.
Nhiều tháng qua, khi rong ruổi trên nhiều làng quê miền núi trong tỉnh, điểm đặc biệt là tôi luôn được các nghệ nhân kể về tiếng cồng tiếng chiêng đã dần ngân vang trở lại trong lễ cưới hỏi và các ngày hội họp trong làng. Không có được bề dày như các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, năm 2000 người Bana mới chuyển đến hai xã Cát Sơn, Cát Lâm (huyện Phù Cát) lập làng, sinh sống. Ngày đó vì lo toan bộn bề nên ngôi làng Bana bặt tiếng cồng chiêng. Năm 2008, nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương tiếng cồng chiêng dần vang trở lại.
Ông Trần Văn Miên, trưởng làng Trà Hương, xã Cát Lâm, chia sẻ: Mấy năm trước làng mình không có cồng chiêng, những dịp lễ hội phải mượn của già Quý. Trước khi qua đời, già tặng lại cho làng, đến lúc đó làng mới có một bộ cồng chiêng. Rồi làng được tỉnh tặng thêm một bộ nên thuận tiện hơn. Ngày Tết tiếng cồng chiêng lại rộn vang, ở lễ cưới hỏi cũng đã có đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn.
Cũng như ông Miên, ông Đinh Xuân Hải ở xã An Trung, huyện An Lão đã reo vui khi làng mình được nhận cồng chiêng. “Chúng tôi rất phấn khởi, thật không dám tin chúng tôi đã có bộ cồng chiêng mới. Chúng tôi sẽ cùng nhau gìn giữ và sẽ thường xuyên sinh hoạt, đặc biệt là dặn dò con cháu mình yêu thích và nối tiếp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Có thể nói để tìm hiểu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại Vĩnh Thạnh, người đầu tiên nên gặp là nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh. Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và trăn trở với văn hóa Bana Kriêm, từ lâu, ông Yang Danh rất ưu tư việc cồng chiêng bị mất cắp, lễ hội vắng tiếng cồng chiêng, lớp trẻ chuộng nhạc trẻ, người lớn hơn một chút thì thích bolero. Lần đầu gặp nhau, ông trải lòng mình và tha thiết gởi gắm báo Đảng lên tiếng để giữ hồn cốt của đồng bào. Ông lo đến mức đến ngày tổ chức trao tặng cồng chiêng, ông cũng trăn trở không biết cồng chiêng có về đúng hẹn với đồng bào mình. Và rồi, tôi cũng đã thấy ông phấn khởi, ông gọi điện mời tôi tham gia Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I. Ông bảo: “Có cồng chiêng mới rồi, mình phải phát huy, dù trao truyền tốt cũng không thể lâu bền nếu không có các hội thi, hội diễn khích lệ bọn trẻ luyện tập”.
Và rồi, không chỉ có nghệ nhân, người dân mừng vui, các huyện cũng rộn ràng lên kế hoạch bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Được biết nhiều huyện đã tính đến chuyện tổ chức liên hoan cồng chiêng cấp huyện, thành lập đội cồng chiêng thanh niên để phục vụ các hoạt động du lịch. Tôi tin rằng, chỉ cần nỗ lực thêm chút nữa, mọi ý tưởng rồi sẽ thành hiện thực, tiếng cồng tiếng chiêng rồi sẽ vang lên trong tất thảy các hoạt động đời sống của người dân.
THẢO KHUY