Tượng binh Tây Sơn
Tuy chưa rõ về số lượng nhưng điều chắc chắn tượng binh là một lực lượng đặc biệt mạnh trong quân đội thời Tây Sơn. Hầu hết các trận thắng lớn của quân Tây Sơn đều có sự góp mặt của binh chủng đặc biệt này.
Khi phất cờ dấy nghĩa, anh em nhà Tây Sơn chọn vùng miền núi phía Tây phủ Quy Nhơn - Tây Sơn thượng đạo - làm căn cứ địa để tập hợp quần hùng. Tây Sơn thượng đạo xưa kia chưa có nhiều người Kinh sinh sống, chủ yếu là các bộ tộc Bana, Jrai, Sedang quần cư ở các vùng núi hiểm trở trong dãy Trường Sơn, ước tính khoảng hơn vài vạn người. Tây Sơn Tam Kiệt ngay từ đầu đã nhìn thấy được thế mạnh vượt trội của địa thế và nguồn nhân lực, vật lực dồi dào từ phía Tây duyên hải miền Trung ngày nay nên chọn làm đại bản doanh mưu nghiệp lớn. Việc quy tụ các bộ tộc ít người ủng hộ cho cuộc khởi nghĩa nông dân là ý tưởng rất sáng suốt, chứng tỏ năng lực vận động đoàn kết Kinh - Thượng tài tình của Tây Sơn Tam Kiệt.
Tái hiện hình ảnh vua Quang Trung cưỡi voi chiến trong Lễ hội Đống Đa, Tây Sơn. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
Lịch sử còn ghi tên nữ kiệt Yă Đố vợ của Nguyễn Nhạc vốn là con một tù trưởng Bana. Nhờ cuộc hôn nhân này mà ngay từ đầu, nghĩa quân Tây Sơn đã có trong tay một đội quân người dân tộc thiểu số dũng mãnh cùng với hàng chục voi chiến, hàng trăm ngựa chiến và một hậu phương cung cấp quân lương vững chãi. Thời kỳ đầu khởi nghĩa, trong đội quân áo vải cờ đào chỉ có một số lượng hạn chế voi do các thủ lĩnh miền núi đem về. Sau đó, nhờ tích cực săn tìm, huấn luyện voi rừng mà đội voi lên được vài chục con.
Tập san Sử Địa số 13 có ghi: Cùng với sự phát triển của nghĩa quân qua các trận đánh, Tây Sơn thu được thêm nhiều voi chiến từ các nhà Nguyễn, Trịnh, vốn đều có rất nhiều thớt voi. Thời Trịnh - Nguyễn phân ranh, Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam, gồm các vùng cao nguyên, nên việc kiếm voi dễ dàng. Vì thế, chúa Nguyễn lúc nào cũng có sẵn hàng trăm voi trận như giáo sĩ Delacourt có nói ít nhất là 400 voi trận.
Theo nghiên cứu của Li Tana (Xứ Đàng Trong), trong lúc Đàng Ngoài phải mua voi từ Lào, và lực lượng quân đội có khoảng 100 con, thì “ngược lại, Đàng Trong được lợi thế lớn là có thể kiếm được nhiều voi ngay tại chỗ. Trừ vùng Quảng Nam ra thì hầu như vùng nào cũng có voi. Nguồn voi dồi dào này có thể khiến chúng ta tin được một bài báo cáo của Hà Lan nói là vua Đàng Trong vào năm 1642 có đến 600 con voi”.
Cho đến nay, chưa thể xác định chính xác số lượng voi chiến trong quân đội Tây Sơn, nhưng theo số voi quy tụ từ Tây Sơn thượng đạo và thu được của hai nhà Trịnh, Nguyễn thì con số này chắc chắn phải vài trăm. Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi vua (1778) đã tiến hành chỉnh đốn lực lượng tượng binh, quy định rõ ngạch voi, số đội và các quy định về quản lý, chăm sóc, huấn luyện voi. Theo đó, tượng binh được phiên chế thành các đội, mỗi đội có từ 30 - 40 con, có tàu (chuồng) riêng, được các quản tượng trông nom, huấn luyện.
***
Nhắc đến tượng binh Tây Sơn không thể không nhắc đến nữ anh hùng Đô đốc Bùi Thị Xuân. Hàng trăm thớt voi hùng mạnh, giỏi đánh trận của nhà Tây Sơn kinh qua các chiến trường chinh phạt thù trong giặc ngoài, đều thuộc sự chỉ huy, huấn luyện của bà.
Cùng với Bùi Thị Xuân, những chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn gắn với voi còn có: Đặng Tiến Đông, Đặng Xuân Bảo... Thậm chí theo Tập san Sử Địa số 13, Quang Trung - Nguyễn Huệ ít khi dùng ngựa mà thường xuyên cỡi voi, lúc đưa đám tang vua Lê Hiển Tông cũng cỡi voi, lúc duyệt binh rồi đến khi ra trận cũng vậy. Tuy nhiên, Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ sử dụng voi trận ở chiến trường miền Trung và phía Bắc. Sử sách không thấy chép việc đưa voi vào đánh Gia Định, có lẽ vì những lần mang quân vào đánh Gia Định, ngài đi bằng đường biển, không tiện đưa voi theo, một phần vì voi trận chỉ thích hợp với chiến trường rừng núi, không hợp với miền đồng lầy như ở miền Nam.
Đặt trong không gian và thời gian bấy giờ, lực lượng tượng binh mang lại ưu thế cực lớn. Voi đã được thuần hóa là loài vốn tính hiền lành, thân thiện với con người, nhưng khi đã xung trận thì chúng trở nên hung tợn, là quái thú trên chiến trường với sức mạnh vô song. Voi có thể phá hủy các chướng ngại vật, công sự thành lũy, mở đường cho bộ binh bằng sức mạnh của chúng. Khi đánh giáp lá cà, voi dùng vòi, chân, ngà để quăng quật, dày xéo, đâm húc quân địch, làm tan nát đội hình của đối phương. Khiên, giáp có thể chống được gươm giáo chứ không thể cản nổi sức mạnh của tượng binh. Bản thân lớp da dày của voi như một lớp giáp hộ thân cho chúng. Tiếng rống của đàn voi cũng là thứ vũ khí uy hiếp tinh thần quân giặc, đặc biệt là khiến đội kỵ binh khiếp đảm vì ngựa vốn cực kỳ kinh sợ voi.
Trong 5 đạo quân Tây Sơn từ phòng tuyến Tam Điệp tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789, có tới 3 đạo quân sử dụng kết hợp tượng binh và kỵ binh, trên mỗi hướng tấn công đều có nhiều voi chiến tham gia. Ước tính trong cuộc tấn công quân Mãn Thanh, 200 voi chiến đã được sử dụng, riêng trận Ngọc Hồi, 100 voi chiến đã xung trận.
Trên lưng voi, ngoài quản tượng còn có 3 - 4 người cầm vũ khí vừa là hộ vệ cho voi vừa là để tấn công quân địch. Ngoài cung, nỏ, giáo cán dài, đội tượng binh Tây Sơn còn được trang bị đặc biệt bằng đại bác, hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng. Theo sách Thánh Vũ Ký, quân Tây Sơn chở đại bác bằng voi xông ra trận. Trận Ngọc Hồi, sử nhà Thanh chép: “Đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi, có 3 - 4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa”. Với sự xuất hiện của pháo tượng, hỏa công tượng, đội voi chiến càng có thêm sức mạnh đột kích ghê gớm với hỏa lực mạnh.
Hình ảnh vua Quang Trung trong trận chiến Ngọc Hồi do Giám mục Davoust mô tả lại như sau: “Ngày 30.1 tức mùng 5 tháng Giêng, Quang Trung rời Kẻ Vôi (Hà Hồi) trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ của ông, nhưng khi thấy họ chiến đấu không hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều sĩ quan và binh lính Trung Hoa làm rất nhiều người chết về tay ông. Ông luôn mồm hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu” (Nhật ký của Hội Truyền giáo ở Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch).
Ngoài chiến đấu, voi cũng là phương tiện vận tải vũ khí, binh lính và lương thảo. Theo A. de Rhodes thì những con voi to của chúa Trịnh có thể chở tới 6 người, không tính quản tượng. Còn theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì voi mà người miền núi dùng để cõng hàng, mỗi con có thể chở được 30 gánh gạo, mỗi gánh chừng 20 bát. Tượng binh Tây Sơn có một sự phát triển vượt bậc về số lượng so với trước đó và là một lực lượng mạnh đóng vai trò quan trọng trong quân đội, binh chủng đặc biệt này đã góp công đầu cho nhiều chiến thắng mà đỉnh cao là đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Tượng binh từ lâu đã trở thành một lực lượng quan trọng trong nhiều cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam của Hai Bà Trưng đến khởi nghĩa Bà Triệu đều ghi nhận việc sử dụng tượng binh để chiến đấu. Tuy nhiên đến thời Tây Sơn, thì binh chủng này phát triển thành một lực lượng cực kỳ quan trọng, tạo nên sức mạnh vượt trội của quân đội, đánh những đòn mãnh liệt, chớp nhoáng khiến kẻ thù dù có quân số đông vẫn bị đè bẹp nhanh chóng.
NGUYỄN THANH QUANG