Trò chuyện với đất…
Không xa xưa như gốm Chu Ðậu (Hải Dương), kỳ ảo như Phù Lãng (Bắc Ninh), hoặc nổi tiếng như Bát Tràng (Hà Nội), Bàu Trúc (Bình Thuận)… nhưng gốm đất nung ở Nhạn Tháp - Vân Sơn của Bình Ðịnh vẫn có nét quyến rũ riêng từ chính sự thô mộc của mình.
Từ thớ đất vô tri, bằng đôi bàn tay khéo léo những người nông dân nơi đây đã làm nên thương hiệu làng gốm trứ danh một thời. Giữ cho làng gốm đỏ lửa, chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng những nghệ nhân nơi đây vẫn đang từng ngày chắt chiu, thắp lửa để làm nên những mẻ gốm rực đỏ chứa chan nỗi niềm.
Kết nối với gốm
Quê tôi ở An Nhơn, nhưng không phải ở Nhạn Tháp - Vân Sơn, xã Nhơn Hậu. Nhưng luôn bị những âm thanh ở đây cuốn lấy mỗi khi về đây, có điều gì đó kỳ lạ như rứt ra từ ruột mình mà lay mà dứt. Tiếng nện đất, nhồi đất thình thịch, tiếng vòng bàn xoay đều như thả những đoạn entro lãng mạn trong buổi chiều lất phất mưa, hòa vào tiếng cười nói râm ran của thợ gốm tạo một không khí vừa mộc mạc vừa trữ tình.
Một thợ nguội đang làm láng sản phẩm gốm trước khi cho vô lò.
Về làng gốm vào một chiều mà thời tiết vừa lưng lửng đông vừa rập rình xuân, nhìn những ấm, nồi, chum đỏ rực thành phẩm, tôi hay áp sát tay mình vào, nghe thời gian như tụ chảy trên các đầu ngón tay, ấm dần lên trong từng rãnh ký ức. Tôi nhớ cái cảnh má quảy nước giếng mát rượi lên đổ đầy ang mà chẳng bao giờ sợ vơi nước đi cả. Má nói, ang đất của Nhạn Tháp - Vân Sơn họ làm tốt lắm. Tôi lại bị cuốn vào những âm thanh mỗi khi búng ngón tay vào thành ang khi hết nước, âm thanh vọng về những giai điệu của đất, của nước, của lửa, của nhịp nhàng thoăn thoắt đôi tay người nông dân chất phác.
Ở nhà, tôi thường dạo quanh một vòng những lu, những trã ở chái bếp, những chậu lan lủng liểng ở hàng hiên… gõ gõ lên đó như một kiểu chào nhau. Tôi lo là những vật dụng xưa cũ rồi sẽ lẩn khuất vào bóng râm của thời gian. Ba má tôi, như hiểu lòng con trẻ và cả lòng mình nên vẫn giữ lại thói quen có từ xa lắc xa lơ. Âm thanh coong coong từ chiếc lu già lửa gần như thành sành thường kết nối tôi về với quá khứ dịu dàng, ngọt ngào, khi ấy gan bàn tay như ấm dần lên trong thân thương, kiểu ấm áp thô ráp như khi má tôi quở yêu những lần tới mấy tuần mới về thăm ba má.
Những người làm đẹp cho đất
Tôi tìm thăm lại lò gốm vợ chồng anh Mạc Văn Hòa khi chiều muộn, tay anh còn dính đầy đất sét. “Giờ làm đồ đất đỡ cực hơn, vì máy móc làm bớt những việc nặng”. Nói rồi anh bóc từng thớ đất nhuyễn, bóp bóp trên tay rồi đưa tôi xem: “Em coi nè, máy nó đánh nhuyễn ra, dẻo quẹo”. Cái thời dùng chân đạp cho đất tơi đã qua. Nhưng giai đoạn vàng son làng gốm lại lui về phía quá vãng…
Bà Hoa làm sản phẩm gốm.
Làng gốm rộn rịp thuở nào giờ đây chỉ còn chưa đến mươi hộ làm. Do có bạn hàng quen ở một số tỉnh nên lò nhà anh Hòa vẫn đỏ lửa đều nhiều năm nay. Hôm tôi đến Vân Sơn, gặp đúng lúc nữ thợ gốm lớn tuổi nhất làng nghề, bà Võ Thị Hoa - 71 tuổi đang chuốt gốm.
“Ngồi vầy cả ngày chắc đau lưng lắm, bác nhỉ?”, tôi gợi chuyện. “Cũng mỏi lắm. Nhưng riết rồi quen hà”, vừa trò chuyện bà Hoa vẫn không ngớt bóc lớp đất sét đặt trên bàn xoay. Và theo từng nhịp xoay, đôi tay bà khéo léo vuốt đều lên. Chỉ một loáng đã thành hình hài một chiếc nắp ấm. Dăm phút trò chuyện, hàng chục nắp ấm thành hình. Đẹp và đều như máy đúc. Bà Hoa nói, bà con ở đây gọi người ngồi vuốt, tạo sản phẩm như tui vầy nè là thợ chuốt, hoặc thợ… ngồi.
Thợ ngồi thì tôi đã hình dung ra theo tư thế mà người nghệ nhân thao tác công việc. Còn vì sao lại gọi là thợ chuốt? Chẳng phải động từ “chuốt” dùng để chỉ hành động lấy một vật sắc đưa nhẹ nhiều lần trên bề mặt một vật nào đó để làm cho thật nhẵn? Mà người thợ chuốt ở đây chỉ dùng đôi bàn tay của mình? Nếu bạn có dịp đến với làng nghề gốm, xem các nghệ nhân thao tác, hẳn sẽ hiểu ra vì sao họ gọi như vậy. Thợ chuốt hay thợ ngồi chính là người thợ chính trong việc làm gốm. Nhưng công việc của bà Hoa, thợ chính sẽ khó mà nhanh và hiệu quả được nếu thiếu sự hỗ trợ của chị Hiệp, thợ phụ. Chị Hiệp vuốt vệt mồ hôi trên gò má, vừa dùng chân đẩy bàn xoay nhịp nhàng vừa cười hiền như đất: “Biết sao hông. Những người làm phụ như tôi vầy nè, người ta hay gọi là thợ đứng. Bao năm nay hai cô cháu đều làm chung với nhau như thế”.
Tấc lòng với gốm đất nung Vân Sơn
Theo thời gian, những thợ gốm lành nghề chuyên nắn hình cho đất đã nghỉ dần. Một phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì chẳng còn mấy mặn mà với nghề vất vả này. Nhọc công là một chuyện. Chuyện nữa là người nghệ nhân cứ loay hoay tìm đầu ra cho gốm đất nung. Rồi cứ rơi rụng dần như bản nhạc thả những nốt trầm dai dẳng. Nhiều câu hỏi quẩn quanh suốt bấy nhiêu năm ròng rã mà mỗi khi nhìn vào những sản phẩm gốm đất nung, người nghệ nhân làng gốm cứ đau đáu.
Chum gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn vừa được dỡ ra khỏi lò.
Họ đối thoại với đất, với làng, với trăn trở cuộc sinh tồn nghề gốm, chỉ nhận lại những tiếng thở dài tiếc nuối. Nhiều nơi làm được mà. Như Thanh Hà, ngoài Quảng Nam ấy. Họ cũng gốm đất nung. Hoặc như Bàu Trúc của Ninh Thuận chẳng hạn. Cũng một vùng quê bình yên như Vân Sơn, Nhạn Tháp. Cũng chất phác lòng người. Làng nghề ấy đã sống… Thế, ta thiếu cái gì, mà “cuộc vượt cạn” của đất này cứ trằn trì mãi? “Du lịch, phải kết hợp với du lịch”. Nhiều người tâm huyết với văn hóa bản địa như máu thịt nói như thế.
Mà làm du lịch sao? Cái riêng của mỗi vùng một khác. Thế mạnh đặc trưng luôn là thứ giữ chân du khách. Làm sao phải để gốm sống, sống khỏe mạnh và lừng lững như nó đã từng. Gần làng gốm, bán kính chưa đầy 5 km, là những làng rèn, lò võ cổ truyền, chùa Thiên Hưng được nhiều người ví như Phượng hoàng cổ trấn, có thành Hoàng Đế, những tháp Chăm… Thử đặt chúng trong mối liên hệ và xâu chuỗi… Đồng thời, thay đổi sản phẩm thích hợp.
Tôi đem niềm khắc khoải về việc hồi sinh làng nghề trứ danh một thuở chia sẻ với một số người đồng điệu, như sợ thời gian xua đi một phần hồn của đất, xua đi một nét xưa trong cái xoay tạo vần vũ khắc nghiệt của dòng chảy kinh tế. Một vài người cao niên trong làng gốm bảo rằng, mấy hổm rồi có mấy nhóm học sinh đến làng gốm. Kiểu như ghép nối làng gốm với du lịch, rồi với nhà trường ấy. Đến một hai lần, rồi lặn tăm. Trời ơi, tôi nghe như que diêm của đêm giao thừa trong truyện cổ tích Andersen. Gốm Nhạn Tháp - Vân Sơn cần ngọn lửa lớn hơn. Nó phải rừng rực đỏ, cháy đến kiệt cùng như lửa lò gốm của anh Hòa, bừng lên giữa những ngày giao mùa này vậy thì may ra…
VÂN PHI