Du lịch Bình Ðịnh & câu chuyện nón ngựa Phú Gia
Du lịch Quy Nhơn - Bình Ðịnh xứng đáng là điểm đến có nhiều trải nghiệm hấp dẫn. Song, một điều đáng tiếc là nơi đây dường như không phải là nơi lý tưởng để mua sắm, nhất là mua quà lưu niệm. Ðó là nhận định chung của nhiều khách du lịch khi đến Quy Nhơn - Bình Ðịnh.
Trong chuyên đề bồi dưỡng phát triển sản phẩm du lịch, GS Simon Milne, Giám đốc Viện nghiên cứu Du lịch New Zealand, đánh giá rằng, du lịch Quy Nhơn - Bình Định đang “bỏ trống” một sản phẩm du lịch sinh lợi cao - quà lưu niệm.
NGHỊCH LÝ: Giàu tiềm năng, nghèo ý tưởng
Quy Nhơn - Bình Định có nhiều sản phẩm đặc trưng từ các làng nghề truyền thống, có thể phát triển thành quà lưu niệm. Nếu kèm theo những câu chuyện thổi hồn cho món quà, du khách sẽ thích thú hơn. Đáng tiếc, đến nay du lịch Quy Nhơn - Bình Định chưa làm tốt điều này.
Không phải bây giờ ngành Du lịch mới nhìn thấy thiếu sót trong việc phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch. Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế ý tưởng cho quà lưu niệm du lịch, song đến nay chưa có món quà nào xứng tầm khiến du khách lưu tâm. Chia sẻ về điều này, GS Simon Milne chỉ ra: “Mẫu mã đơn điệu, nghèo nàn về ý tưởng, ít linh hoạt trong biến tấu khiến sản phẩm ít phù hợp với thị hiếu của du khách. Thêm nữa, sự thiếu kết nối trong những nghệ nhân - sản phẩm - làng nghề, mà đúng hơn chính là thiếu câu chuyện đi kèm cho sản phẩm khiến du lịch Quy Nhơn - Bình Định cứ mãi loay hoay”.
Cả gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Lan đều làm nón ngựa.
Trong chuyên đề bồi dưỡng này, GS Simon Milne đã “cầm tay, chỉ việc” cho ngành Du lịch Bình Định bằng một phác thảo xây dựng sản phẩm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, Phù Cát) thành sản phẩm du lịch quà lưu niệm và làng nghề nón ngựa trở thành điểm đến.
Trong chuyến đi thực tế về làng nghề nón ngựa Phú Gia, khi được nghe kể về lịch sử làng nón cùng với phiên chợ nón đêm Cát Tân, GS Simon Milne bất ngờ và cực kỳ thích thú. Ngay lúc đó, ông đã nói rằng, đây chính là câu chuyện mà các bạn cần kể cho du khách nghe về làng nghề nón ngựa này, đó là hồn quê, là sức sống diệu kỳ mà một sản phẩm lưu niệm du lịch mang lại cho du khách.
Hiểu theo chia sẻ của GS Simon Milne, chợ nón đêm Cát Tân chính là chất liệu sống về thời gian; làng nghề và nghệ nhân chính là chiều không gian văn hóa hòa quyện lại, làm sống lại sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Du khách trả tiền để mua một quà lưu niệm, họ không phải chỉ muốn mua một sản phẩm cho có, gói vào vali sau một chuyến đi, họ muốn nhiều hơn những điều mắt thấy, tai nghe. Nhờ đó mà sản phẩm nón ngựa thêm phần ý nghĩa.
Trong góc nhìn về sản phẩm lưu niệm du lịch, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Miền Trung, cho rằng, du khách bỏ tiền, bỏ thời gian đi về làng nghề nón không phải muốn nhìn một ngôi nhà bê tông sạch bóng, trưng bày vài ba chiếc nón, một người kể chuyện vanh vách nhưng lại không thấm đượm cái tình. Điều họ muốn là phải được sống trong không gian văn hóa của làng quê đó. Chỉ khi nào, du khách tìm thấy được điều này ở làng nón ngựa Phú Gia, thì nơi đây mới trở thành điểm đến trải nghiệm và phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch.
Từ câu chuyện nón ngựa Phú Gia
Phân khúc của sản phẩm lưu niệm du lịch - nón ngựa Phú Gia sẽ là nhóm khách có chi tiêu cao. Chúng ta không đánh đồng sản phẩm lưu niệm nón ngựa Phú Gia với những món quà lưu niệm đơn thuần khác. Hồn cốt của nón ngựa Phú Gia chính là sản phẩm của sự kỳ công, tỉ mẩn của nghệ nhân làng nghề, người mua khi nhận món hàng đó họ đã kịp chứng kiến những công đoạn làm nón, tham gia vào một vài khâu giản đơn nhất. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Đỗ Văn Lan (một trong những người theo nghề và giữ nghề nón ngựa lâu đời ở địa phương), tâm tình, du khách có thể so sánh giá cả giữa nón ngựa với những sản phẩm khác rồi so mắc, rẻ. Song, để hoàn thành một chiếc nón ngựa, người làm mất từ 4 -5 ngày, trải qua đến 10 công đoạn khác nhau (so với nón ngựa nguyên bản thì công đoạn làm nón đã giảm đi một nửa), khâu quan trọng là thêu hoa văn cho nón rất dụng công. Với người yêu nghề, giữ gìn tinh hoa của nón ngựa, sẽ không vì mắc - rẻ mà phá lệ, bỏ đi cái tính tỉ mẩn, sáng tạo trong việc làm nón ngựa.
Nón lá xuất phát từ làng nón Phú Gia phục vụ khách du lịch không thiếu, giá chỉ vài chục nghìn đồng/nón; nón ngựa được dày công chuẩn bị làm quà lưu niệm du lịch đúng nghĩa có giá từ 400 nghìn đồng/nón đến vài triệu đồng/nón. Người dân làng nghề vẫn trong quá trình vừa làm vừa giữ nghề, cải biên, biến tấu để nón ngựa phù hợp hơn với thị hiếu của du khách.
Cụ bà Trần Thị Kéo (81 tuổi), một trong những bậc cao niên còn theo nghề làm nón ở Phú Gia, nói rằng, ngày xưa nón ngựa là biểu trưng ngôi vị, uy quyền. Nón ngựa nguyên bản được bịt chóp bạc, thêu long, lân, quy, phượng tượng trưng cho chức sắc của quan quân trong triều. Ngày nay, nón ngựa sẽ trở thành biểu tượng của làng nghề, trở thành sản phẩm du lịch.
Theo chia sẻ của những chuyên gia trong ngành du lịch, nghệ nhân làng nón ngựa rồi đây sẽ phải học làm sản phẩm lưu niệm du lịch; phải bắt kịp xu hướng của khách để thay đổi mẫu mã cho phù hợp. Song điều quan trọng là sản phẩm nón ngựa phải giữ gìn đúng giá trị về lịch sử văn hóa. Khi làng nón ngựa được du khách tìm đến, cơ hội để phát triển những dịch vụ đi kèm sẽ là giá trị tăng thêm của ngành du lịch.
THU DỊU